Điện ảnh Việt đối diện thách thức thời 4.0“Công nghệ số đã thay đổi gần như hoàn toàn điện ảnh truyền thống. Trong xu thế phát triển mạnh mẽ, không ngừng của công nghệ điện ảnh trên nền tảng kỹ thuật số, ngành văn hóa nói chung và ngành điện ảnh Việt Nam nói riêng cần làm gì để phát huy tối đa lợi thế và hạn chế những khó khăn, thách thức khi tiếp cận các công nghệ mới đó…”.

Đó là phát biểu của PGS.TS. Thứ trưởng Tạ Quang Đông tại Hội thảo “Tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào lĩnh vực điện ảnh”, diễn ra ngày 10.9 tại Hà Nội, với sự tham gia của các nhà đạo diễn, nghệ sĩ, nhà quản lý và doanh nghiệp.

Hội thảo tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Tác động, thuận lợi, khó khăn, thách thức khi ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực điện ảnh; các xu hướng trong sản xuất, phổ biến, lưu trữ, tác quyền, quản lý, thống kê; đào tạo nhân lực trong xu hướng mới, đáp ứng nhu cầu xã hội.

TS. Từ Mạnh Lương, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý lắng nghe ý kiến các nghệ sĩ, nhà sản xuất, phát hành và phổ biến phim. Qua đó để trao đổi, thống nhất và tìm giải pháp phù hợp với tình hình mới. “Trong đó, có thể đặt ra những công việc cần ưu tiên ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước lĩnh vực điện ảnh; giải pháp về nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động cung cấp dịch vụ hành chính, dịch vụ văn hóa về điện ảnh, đáp ứng xu hướng thúc đẩy hoạt động ứng dụng công nghệ của điện ảnh Việt Nam trong hội nhập quốc tế”, ông Từ Mạnh Lương nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có điện ảnh. Với sự phát triển mạnh của công nghệ không dây, có dây công nghệ cao cùng với truyền hình, cáp quang vệ tinh , điện thoại 3,4,5 G, thiết bị thu hình có khả năng trình chiếu kĩ thuật cao…, ngày nay có thể mang cả rạp chiếu phim về nhà. Công nghệ đã làm thay đổi cơ bản phương  thức truyền thông cũng như hình thức  tiếp cận với tác phẩm điện ảnh của nhân dân.

“Công nghệ số gần như đã làm thay đổi hoàn toàn điện ảnh truyền thống. Trong xu thế phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, ngành văn hóa nói chung, điện ảnh nói riêng cần phải có giải pháp nhằm phát huy tối đa lợi thế,  hạn chế mức tối thiểu khó khăn, thách thức khi tiếp cận để phát huy hiệu quả thuận lợi mà cách mạng 4.0 mang đến…”, theo Thứ trưởng.

Nhiều góc độ tiếp cận về điện ảnh thời 4.0 đã được đặt ra tại hội thảo. Đánh giá về xu hướng phát hành và phổ biến phim của  cuộc cách mạng  4.0, ông Đỗ Duy Anh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng: “Trong công nghệ điện ảnh 4.0, người xem có thể vừa là quan sát viên, vừa là người tham gia trực tiếp vào các sự kiện bên trong phim. Vì thế, rạp chiếu phim không chỉ phải thay đổi về công nghệ mà còn phải thay đổi về kiến trúc cho phù hợp. Những rạp chiếu phim được xây dựng theo hình mẫu được số hóa, có thể gọi là một trong những công nghệ tạo nên công nghệ điện ảnh 4.0″.

Ông Đỗ Duy Anh  nhận định, việc phát hành phim cũng được áp dụng rộng rãi bởi công nghệ số như việc truyền trực tiếp phim từ nhà sản xuất đến cơ sở chiếu phim thông qua vệ tinh, việc số hóa để bảo vệ bản quyền của phim. Hiện nay, sự lựa chọn để thỏa mãn nhu cầu giải trí của khán giả là vô cùng phong phú. Bởi  hàng ngày, hàng giờ, có hàng trăm nghìn sản phẩm phim ra đời, phát hành bởi các nhà phân phối trên các phương tiện truyền thông mới. Khán giả có thể tự do lựa chọn nội dung giải trí theo nhu cầu cá nhân mà không bị gò bó trong một danh sách các nội dung định sẵn.

“Công nghệ điện ảnh 4.0 đang tạo nên những thay đổi to lớn trong công nghiệp điện ảnh. Tuy nhiên, cho dù công nghệ số hóa có sức mạnh vượt trội của các mẫu thức trong sản xuất, phát hành và phố biến phim, thì vai trò của con người, những nhà sáng tạo, những tác giả của mỗi bộ phim vẫn là lực lượng nòng cốt mà không một công nghệ nào có thể thay thế được…”, ông Đỗ Duy Anh nói.

Bên cạnh lợi thế, điện ảnh Việt Nam cũng đang đứng trước vô vàn thách thức. Bởi thực tế, nền điện ảnh Việt Nam hiện nay mới chỉ nêu được “phần vỏ” của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nền điện ảnh nước nhà sẽ vượt qua thách thức như thế nào trong thời đại 4.0? Quy trình điện ảnh nên phát triển theo hướng nào, áp dụng những công nghệ mới nào để đáp ứng nhu cầu nghe nhìn của khán giả?… Những vấn đề thực tế đó đã được các nhà quản lý, nhà làm phim đặt ra.

Ths Trần Anh Tuấn, Xưởng phim Én bạc, Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) nhìn nhận, ngày nay, khi nền công nghiệp điện ảnh thế giới đã bước sang giai đoạn 4.0 thì điện ảnh việt Nam vẫn còn khá lúng túng trong việc áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới cho các tác phẩm của mình.

“Một bộ phim “bom tấn” không chỉ còn trông chờ vào nguồn kinh phí lớn, các diễn viên kinh nghiệm trong diễn xuất mà còn trông chờ phần lớn vào kỹ xảo hình ảnh. Một bộ phim với chất lượng hình ảnh mượt, kỹ xảo đẹp và xuất sắc thì coi như bộ phim đó đã gần như giành chiến thắng. Đó cũng chính là thách thức đặt ra cho điện ảnh trong kỷ nguyên số 4.0 này…”, ông Trần Anh Tuấn chia sẻ.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109