10/9

Cần định vị lại sứ mệnh của trí thức

Trong bối cảnh mới hiện nay với đặc trưng là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cùng với khát vọng trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta cần định vị lại vị trí, sứ mệnh của trí thức nói chung và trí thức KH&CN nói riêng.

Ngày 9/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo “Đề cao trách nhiệm của đội ngũ trí thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Hội trí thức”.

Hội thảo nằm trong kế hoạch của Ban Tuyên giáo Trung ương nhằm tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, qua gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW khóa X, đội ngũ trí thức Việt Nam không ngừng phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng, có cơ cấu hợp lý, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ của trí thức các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Trong đó, đội ngũ trí thức trong hệ thống Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tham gia tích cực vào các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, đóng góp tích cực vào việc xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật; thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời truyền bá tri thức cho cộng đồng, người dân và xã hội…

Việc đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết 27 vào thời điểm này có ý nghĩa thực tiễn và có tính thời sự, nhằm điều chỉnh chính sách đối với đội ngũ trí thức, nhất là trí thức KH&CN – đội quân chủ lực trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Xác định nội hàm khái niệm về “trí thức” còn lúng túng

Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, mặc dù Nghị quyết 27 đã xác định “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội” nhưng vẫn còn nhiều đơn vị, địa phương lúng túng trong xác định nội hàm khái niệm về trí thức, dẫn tới khó khăn trong việc xác định đối tượng, số lượng, chất lượng của đội ngũ trí thức, ảnh hưởng tới việc đưa ra được giải pháp đúng, trúng và khả thi để thực hiện chức năng của hội trí thức.

Trong các báo cáo thống kê của nhiều địa phương về đội ngũ trí thức mới chỉ coi trọng đánh giá đội ngũ trí thức là cán bộ công chức nằm trong các tổ chức Nhà nước, rất ít có các số liệu thống kê đội ngũ trí thức bên ngoài Nhà nước hiện đang sinh hoạt và làm việc tại các hội trí thức, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội khác hiện có rất nhiều đóng góp cho xã hội.

Cũng theo ông Đặng Việt Dũng, trí thức bên cạnh có trình độ học vấn và trình độ chuyên môn cao còn có khả năng truyền bá và làm giàu tri thức và tạo ra những sản phẩm có giá trị cho xã hội. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang thiếu thước đo để đánh giá trí thức thông qua kết quả tạo ra những sản phẩm có giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội, trong đó có những đóng góp trong việc hình thành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, hoàn thiện pháp luật Nhà nước, tham gia phân tích, đánh giá, kiến nghị các kế hoạch đề án, dự án cấp quốc gia và địa phương, trong và ngoài Nhà nước.

Thiếu thước đo quan trọng này gây ra những khó khăn trong việc thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức.

Ngoài ra, việc sử dụng bằng cấp để xác định đội ngũ trí thức là đúng, nhưng chưa đủ. Thực tế, có những người, do những điều kiện khác nhau, không có bằng cấp cao, nhưng lao động của họ là lao động trí óc, sáng tạo, chuyên nghiệp, tạo ra các sản phẩm có giá trị cho xã hội.

Tại Hội thảo, nhiều nhà trí thức, khoa học đề xuất trong thời gian tới, cần định vị lại vị trí, sứ mệnh và cập nhật định nghĩa về trí thức cho phù hợp với tính chất, đặc điểm của cuộc CMCN lần thứ 4, xác định sứ mệnh cao hơn cho trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hướng tới mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam là nước có thu nhập cao.

Bên cạnh đó, cần có thêm các chính sách tạo môi trường làm việc tốt nhất cho đội ngũ trí thức, bảo đảm để trí thức được hưởng thỏa đáng lợi ích vật chất, tinh thần tương xứng với giá trị từ kết quả lao động sáng tạo; bổ sung chính sách trọng dụng, sử dụng trí thức không phải là đảng viên. Các ý kiến phản biện của trí thức tại các diễn đàn cần được tôn trọng và không bị “chụp mũ”, quy kết để trí thức có thể thẳng thắn trao đổi, góp ý với Đảng, Nhà nước. Đồng thời cần xây dựng và ban hành quy định về đạo đức trong nghiên cứu khoa học ở các tổ chức hội, hiệp hội khoa học…

Đừng để các công trình nghiên cứu khoa học trở thành hồ sơ lưu trữ

Góp ý tại Hội thảo, GS. Nguyễn Lân Dũng, Hội Các ngành sinh học Việt Nam cũng đã chỉ ra một số vấn đề khó khăn cần vượt qua đối với các nhà khoa học. Đầu tiên phải kể đến là việc đừng để các công trình nghiên cứu khoa học trở thành các hồ sơ lưu trữ không có hiệu quả thực tế với đất nước.

GS. Nguyễn Lân Dũng bày tỏ: “Mong sao các đề tài nghiên cứu đều được hỗ trợ để các tác giả có thể đưa nghiên cứu đến được quy mô sản xuất thử, chứ không phải chỉ nghiệm thu để rồi… cất đi”.

Chia sẻ kinh nghiệm bản thân, GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, chỉ khi nào các nhà khoa học nghiên cứu “đến nơi đến chốn”, đưa nghiên cứu đến được sản xuất pilot (quy mô lớn hơn nhiều so với quy mô phòng thí nghiệm, nhưng nhỏ hơn quy mô sản xuất), cùng với sự đồng hành của doanh nghiệp thì mới có thể đưa ra sản xuất lớn.

“Tôi và các đồng nghiệp như cố GS. Nguyễn Hữu Thước trước đây, đã nhiều năm nghiên cứu về tảo xoắn Spirulina nhập từ nước ngoài về, nhưng từ khi chúng tôi tạo được một mô hình pilot ở Hòa Lạc thì mới được một tập đoàn để tâm đến. Họ bỏ ra một nguồn kinh phí đáng kể để đầu tư xây dựng hai nhà máy lớn tại Thanh Hóa và Lạng Sơn, tạo ra nguồn sản phẩm đủ sức đáp ứng cho nhu cầu của đông đảo nhân dân”, GS. Nguyễn Lân Dũng cho hay.

Cũng theo GS. Nguyễn Lân Dũng, hiện nay, các nhà khoa học phải có trách nhiệm với sự nghiệp của ngành giáo dục, mỗi Hội khoa học chuyên ngành nên biên soạn những cuốn sách tham khảo về lĩnh vực đó, để tiếp sức thiết thực cho sự nghiệp giáo dục.

Bên cạnh đó, nhà khoa học cần quan tâm nhiều hơn cho nông nghiệp Việt Nam và không thể đứng ngoài cuộc CMCN lần thứ 4 bởi đây là cuộc cách mạng thay đổi cả thế giới và tác động đến cuộc sống của mọi người.

“Chúng ta đã và đang làm gì để đáp ứng với cuộc cách mạng này? Hiện nay vấn đề thanh toán chất dẻo dùng một lần đang là trào lưu của cả thế giới, trong khi đó chúng ta đã có doanh nghiệp có thể sản xuất được các sản phẩm chất dẻo tự phân hủy nhưng sản phẩm hầu hết chỉ được bán ra nước ngoài mà không được hưởng ứng tiêu thụ ở Việt Nam”, GS. Nguyễn Lân Dũng đặt vấn đề.

Báo Chính phủ

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91