Thu hút khách quốc tế từ du lịch gôn
Ðể thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam theo hướng đa dạng hóa các sản phẩm, phát triển du lịch gôn đang được coi là hướng đi mở ra nhiều triển vọng nhằm thu hút du lịch quốc tế.
Với khoảng 40 sân gôn đang mở cửa đón khách và tương lai sẽ còn nhiều hơn, Việt Nam có thuận lợi để phát triển du lịch gôn, cùng với điểm cộng về tài nguyên thiên nhiên đa dạng, khí hậu ấm áp quanh năm, người dân mến khách và chi phí du lịch rẻ. So với một số nước trong khu vực như Thái-lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a đang có hàng trăm sân gôn, thì số lượng sân ở Việt Nam còn khá hạn chế, nhưng hầu hết đều mới được xây dựng, có thiết kế hiện đại, trong đó nhiều sân gôn được phát triển bởi các nhà thiết kế hàng đầu thế giới, đạt chất lượng đẳng cấp quốc tế.
Hai năm liên tiếp 2017-2018, vượt qua hàng loạt đối thủ nặng ký, Việt Nam đã vinh dự được tổ chức Giải thưởng Gôn thế giới (World Golf Awards) vinh danh là điểm đến gôn tốt nhất châu Á. Cùng với đó, hàng loạt các khách sạn có sân gôn tốt nhất Việt Nam cũng được vinh danh như ở Ðà Nẵng, Lâm Ðồng, Thừa Thiên – Huế, Bình Thuận, Kiên Giang… Ðây là bằng chứng cho thấy Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế là điểm đến gôn hấp dẫn hàng đầu khu vực. Thêm nữa, theo thống kê từ Tổ chức du lịch gôn quốc tế (IAGTO), hiện có khoảng gần 60 triệu gôn thủ trên toàn thế giới và du lịch gôn là ngành xếp thứ ba về động cơ du lịch châu Á.
Khoảng 170 công ty du lịch gôn tại hơn 40 quốc gia thành viên của IAGTO đang khai thác thị trường châu Á muốn phát triển tại Việt Nam với mục tiêu tăng 50% lượng người mua cho thị trường Việt Nam. Ðiều này cho thấy tiềm năng, cơ hội đầu tư để phát triển du lịch gôn ở nước ta là rất lớn. Cũng theo IAGTO, khách du lịch gôn là dòng khách có mức chi tiêu cao, trung bình gấp 2,2 lần so với khách du lịch thông thường, khả năng lưu trú dài ngày. Chính vì thế, nếu phát triển đúng hướng, du lịch gôn sẽ là thị trường hiệu quả để thu hút khách quốc tế, mang đến lợi ích bền vững, ổn định cho “ngành công nghiệp không khói” Việt Nam.
Nhìn sang Thái-lan, đã nhiều năm qua, du lịch gôn được xác định là một trong những trụ cột và là “con gà đẻ trứng vàng” của ngành du lịch nước này. Cùng với chính sách xúc tiến, quảng bá về du lịch gôn ở các thị trường trọng điểm, hằng năm, xứ sở chùa Vàng còn tổ chức Hội chợ du lịch gôn Thái-lan như một hoạt động thường niên để kích cầu, thu hút mạnh mẽ khách du lịch gôn quốc tế, từ đó khẳng định sự phát triển của loại hình du lịch gôn nơi đây cũng như sức hấp dẫn của điểm đến gôn hàng đầu thế giới. Cách mà nước bạn làm hoàn toàn có thể trở thành bài học để Việt Nam áp dụng, nhất là trong bối cảnh du lịch gôn vẫn đang là loại hình còn tương đối mới mẻ ở nước ta.
Tại hội thảo quốc tế về giá trị du lịch gôn diễn ra tại Ðà Nẵng trong khuôn khổ Ðại hội du lịch gôn châu Á năm 2017, Phó Tổng cục trưởng Du lịch Ngô Hoài Chung đã thẳng thắn chỉ ra những điểm yếu của loại hình du lịch này tại Việt Nam. Ðó là sự thiếu liên kết giữa các công ty lữ hành với chủ sân gôn, dẫn đến các tua du lịch gôn đạt tỷ lệ thấp. Bên cạnh đó, du lịch gôn cũng chưa có sự kết hợp với các loại hình du lịch khác, hệ thống dịch vụ cho du lịch gôn chưa đi vào chuyên nghiệp, chưa tổ chức được những giải đấu gôn quy mô nên giá trị sản phẩm chưa cao.
Theo các chuyên gia, để phát triển du lịch gôn cần có chiến lược đầu tư đồng bộ trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của cơ chế thị trường nhưng vẫn bảo đảm tính đầy đủ, chặt chẽ về quản lý nhà nước. Cùng với hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhân lực phục vụ, cần chú trọng tính liên kết giữa các công ty lữ hành với các sân gôn, giữa các sân gôn ở Việt Nam và các sân gôn trong khu vực để tạo các tua du lịch gôn chuyên nghiệp, kết hợp chơi gôn với nhiều loại hình du lịch khác để gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng cần dựa trên thống kê về lượng khách từ các sân gôn, hãng lữ hành để xác định các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng, từ đó có chiến lược quảng bá, xúc tiến phù hợp, linh hoạt…
Cuối năm 2018, lần đầu Việt Nam có Ðại sứ du lịch ở lĩnh vực gôn nhiệm kỳ 2018-2021. Chức danh này được trao cho ông Grếch Nô-mần, một huyền thoại gôn thế giới người Ô-xtrây-li-a với mong muốn bằng ảnh hưởng của mình, ông sẽ quảng bá rộng rãi du lịch gôn Việt Nam tới bạn bè thế giới. Mới đây, Hội nghị trù bị thành lập Hiệp hội Du lịch Gôn Việt Nam đã được tổ chức tại Hà Nội để chuẩn bị cho Ðại hội Hiệp hội Du lịch Gôn Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra cuối tháng 3-2019 trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2019.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, đây là tổ chức xã hội nghề nghiệp tập hợp các doanh nghiệp du lịch, các đơn vị quản lý sân gôn nhằm xây dựng những sản phẩm du lịch gôn đặc thù, phát triển thương hiệu du lịch gôn Việt Nam, thông qua tăng cường khách du lịch đến Việt Nam chơi gôn để thúc đẩy du lịch phát triển… Và đó chính là những tín hiệu vui hứa hẹn du lịch gôn Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc, bứt phá trong thời gian tới.
Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137