UNESCO khuyến nghị phương án bảo tồn có tính tổng thể cho nhà thờ Bùi Chu
Ngày 24-5, tại trụ sở Tòa nhà Liên hợp quốc ở Hà Nội, ông Michael Croft, Trưởng văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam, đã có cuộc gặp một số phóng viên và thông tin về quan điểm của UNESCO chung quanh việc tái thiết nhà thờ Bùi Chu.
Trong những ngày gần đây, việc nhà thờ Bùi Chu sẽ được hạ giải để tái thiết đã được truyền thông đăng tải rộng rãi và đã có nhiều ý kiến bình luận, tranh cãi. Văn phòng UNESCO đã nhận được thư ngỏ của các kiến trúc sư đề nghị có ý kiến về vấn đề này và cho rằng “đây là một câu chuyện”. Thái độ chứng tỏ sự quan tâm và trách nhiệm của các kiến trúc sư trước “câu chuyện” này đã làm dấy lên sự quan tâm rộng rãi trong dư luận. Sự quan tâm rất rõ của công chúng Việt Nam tới di sản văn hoá là điều tích cực và quan trọng.
Nhà thờ Bùi Chu hiện chưa nằm trong danh mục di sản văn hóa quốc gia hay di sản được UNESCO công nhận, vì vậy (thông thường thì) UNESCO không trực tiếp tham gia ý kiến. Tuy nhiên, trong trường hợp này, trước sự quan tâm lớn của công chúng và xem xét câu chuyện này trong tinh thần chung về bảo tồn di sản văn hóa và phát triển tại Việt Nam, Văn phòng UNESCO nhận thấy cần có sự tiếp cận các nguồn thông tin về vấn đề này cũng như mong muốn đưa ra những khuyến nghị.
Ngày 7-5, một đoàn công tác của Văn phòng UNESCO đã có trao đổi trước và sau khi tham quan nhà thờ với Tổng giám mục đại diện lãnh đạo giáo phận Bùi Chu. Qua quan sát trực tiếp cũng có thể thấy những dấu hiệu hư hỏng đáng lo ngại của nhà thờ: sụt lún, nứt ở mặt trước và một phần bị nghiêng, cấu trúc mái của nhà thờ đã bị mục nát… Điều này có thể giải thích bởi điều kiện kinh tế của nhà thờ khi được xây chỉ bằng những vật liệu tận dụng, hỗn hợp, gỗ cũng không phải là loại tốt nhất. Nhà thờ Bùi Chu không được xây để trường tồn, nó không phải là một nhà thờ được xây bằng đá như ở châu Âu.
Văn phòng UNESCO cũng ghi nhận quá trình đi đến quyết định hạ giải nhà thờ để tái thiết đã được cân nhắc. Phương án được đưa ra sau khi đã điều chỉnh nhiều lần và có sự thảo luận theo góp ý của cơ quan cấp phép, các cơ quan văn hoá cấp tỉnh và cấp trung ương trong thời gian gần đây. Với thông tin và kế hoạch được chia sẻ, Văn phòng UNESCO cho rằng về phương pháp, các bên liên quan đã và đang có nỗ lực để gìn giữ cấu trúc và nền móng kiến trúc ban đầu của nhà thờ. Trong phương án hạ giải và tái thiết cũng đã có kế hoạch lưu trữ bảo tồn những “lát cắt” kiến trúc – các cấu kiện nguyên bản của nhà thờ cho đời sau.
Ông Michael Croft cho biết: “Trong những bước đi tiếp theo, UNESCO sẵn sàng có những sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật cũng như có thể kết nối những kinh nghiệm quốc tế để hỗ trợ giáo phận Bùi Chu khi hạ giải và tái thiết nhà thờ. UNESCO luôn sẵn sàng làm việc với các bên liên quan để đảm bảo việc bảo tồn các công trình tôn giáo khác sẽ được tiếp cận một cách hệ thống và chủ động”
Công trình kiến trúc tôn giáo cùng một lúc mang nhiều giá trị: giá trị sử dụng, giá trị kiến trúc – mỹ thuật, giá trị văn hoá – lịch sử… Khi đặt vấn đề bảo tồn di sản, UNESCO đề cao phương án có tính tổng thể, trong đó UNESCO ghi nhận và tôn trọng quan điểm, cảm xúc của cộng đồng (đang) có quyền thừa hưởng và vai trò của họ trong việc gìn giữ di sản và bản sắc văn hóa. Vai trò của cộng đồng thụ hưởng và cộng đồng địa phương được đánh giá là quan trọng nhất khi tính đến bất cứ phương án nào. Yếu tố an toàn của dân chúng khi hiện diện tại nhà thờ và quyền thực hành những lễ nghi tôn giáo của họ cần đặt cạnh (thậm chí trong một số trường hợp cần đặt trước) việc bảo tồn kiến trúc, cấu kiện.
Đứng trước những vấn đề đặt ra khi bảo tồn một di sản, cần bảo tồn cả những giá trị vật thể và phi vật thể. Không thể tuyệt đối hoá việc bảo tồn nguyên trạng những yếu tố vật thể của công trình. Chúng ta còn phải quan tâm đến “tính tiếp diễn” của di sản. Không công trình vật thể nào tồn tại vĩnh viễn. Tính tiếp nối và liên tục thực hành gắn với cộng đồng sẽ bảo đảm ý nghĩa của công trình ấy. Khi người dân tiếp tục duy trì và thực hành những hoạt động văn hoá ở đó thì người ta đã mang những giá trị tinh thần phi vật thể của di sản theo cùng. Cách dòng chảy văn hoá tiếp nối ở đó quan trọng hơn nhiều. Ngay cả khi muốn bảo tồn các yếu tố vật chất cũng không nhất thiết phải bảo tồn nguyên trạng theo nghĩa “đóng băng” công trình đã bị hư hoại mà hoàn toàn có thể chọn bảo tồn những yếu tố cấu trúc còn vững chắc, (thí dụ như toàn bộ nền móng) đồng thời có thể chọn” lát cắt” đặc trưng cho kiến trúc và tư liệu hoá (dạng số) toàn bộ công trình và quá trình tồn tại, phát triển của nó. Có thể tổ chức trưng bày như một bảo tàng tại chỗ để nhìn thấy sự phát triển liên tục qua từng giai đoạn của nhà thờ gắn với đời sống cộng đồng qua từng giai đoạn lịch sử.
Từ “câu chuyện” của nhà thờ Bùi Chu, thực tiễn cũng đã chỉ ra “khoảng trống” pháp lý để chúng ta thấy sự cần thiết của việc phải hoàn chỉnh thêm hệ thống pháp luật. Trong quá trình “khoảng trống” đó còn đang được lấp thì rõ ràng sự quan tâm công luận có thể cho thấy cái gì quý, cái gì quan trọng.
Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137