Khi người dân giữ di sản
Thôn Lai Xá, xã Kim Chung (Hoài Đức, Hà Nội), có rất nhiều điều đặc biệt: là nơi khai sinh nghề nhiếp ảnh, là thôn duy nhất có tới hai bảo tàng tư nhân, và đặc biệt là ngôi làng duy nhất sở hữu di chỉ khảo cổ có niên đại 3.500 năm. Lai Xá cũng là một trong những nơi hiếm hoi mà tất cả người dân trong làng đều ý thức được những giá trị văn hóa quý báu mà mình đang có, và cùng nhau giữ gìn.
Cùng nhau “canh” di chỉ khảo cổ
Vườn Chuối là một bãi đất hoang rộng khoảng 19 nghìn m2, thuộc thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Bên trên, trước khi có các dự án làm đường và xây dựng, người dân trong thôn đã tranh thủ canh tác, trồng chuối, xoài, ổi trong khu vực Vườn Chuối. Từ năm 1969, Vườn Chuối đã lần đầu tiên được khai quật, và ở đây các nhà khoa học, nhà khảo cổ cũng như người dân đã rất nhiều lần phát hiện các di vật, hiện vật có niên đại hàng nghìn năm, lâu nhất là thời Hùng Vương dựng nước, cách đây khoảng 3.500 năm. Tính đến nay, Vườn Chuối đã được khai quật tám lần, chỉ là những lần khai quật quy mô nhỏ, do trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Bảo tàng Nhân học thực hiện. Phải đến năm 2019, trước nguy cơ biến mất vĩnh viễn bởi dự án đường vành đai 3.5 đang thi công qua khu vực Vườn Chuối, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới có quyết định chính thức cho phép khai quật Vườn Chuối trên diện tích khoảng 500m2.
Trải qua đến nửa thế kỷ nay, do địa hình nằm ven làng, ngay sát đường giao thông chính, cho nên Vườn Chuối đã trải qua không ít lần bị mất trộm cổ vật. Những kẻ đào trộm cổ vật lợi dụng địa hình rộng, vắng vẻ, lại gần đường của Vườn Chuối mà không ít lần nẫng đi những hiện vật quý. Và thế là, “đội bảo vệ không chuyên” của Vườn Chuối ra đời, với sự tham gia của chính những người dân trong thôn Lai Xá.
Anh Đinh Tiến Ngọc, người dân Lai Xá, sinh trưởng tại đây kể lại vụ bắt trộm mới nhất ngày 9-5 vừa qua: “Tôi và ông Nguyễn Văn Thắng chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh của thôn thường lên đây xem hoạt động của Vườn Chuối như thế nào, thì gặp nhóm đào trộm. Những cái hố đào trộm này xuất hiện sau khi có quyết định khai quật lần này, ngay tối 9-5 nhóm trộm đã đào hai hố. Chúng tôi đã lên đó chụp ảnh và đến gần nhưng nhóm đào trộm đã bỏ chạy, để lại một số vật dụng như xô, chậu… Chúng tôi không dám đuổi theo vì họ có hung khí như xẻng, cuốc… Chúng tôi đã nhặt được một số hiện vật như một số mảnh gốm, rìu còn sót lại trong đất, giao lại cho ông Thắng và nay mai sẽ giao cho PGS.TS Nguyễn Văn Huy”.
Không chỉ hằng ngày qua lại, kiểm tra khu vực Vườn Chuối, những người dân sống trong khu vực ven Vườn Chuối cũng xác định luôn việc “để mắt” đến di chỉ này như là một nhiệm vụ bất thành văn của chính mình. Anh Nguyễn Phú Cường là một trong số người dân Lai Xá có vườn canh tác ngay sát khu Vườn Chuối. Anh cũng chính là người đầu tiên phát hiện ra vụ đổ phế thải đè lên khu di chỉ hồi tháng 7-2018, và lập tức báo với ông Nguyễn Văn Thắng. Cũng ở sát với Vườn Chuối như anh Phú Cường, ông Nguyễn Văn Đồng là người phát hiện ra vụ trộm chiều và đêm 9-5 và báo ngay với chính quyền địa phương.
Tự hào với di sản quê hương
Những người dân Lai Xá rất tự hào về ngôi làng cổ của mình. Anh Nguyễn Phú Cường chia sẻ: “Làng tôi là làng cổ ở đây, cả nước chỉ mỗi làng tôi vừa có di chỉ khảo cổ 3.500 năm, vừa có hai bảo tàng (Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá và Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên). Tôi hiểu giá trị lịch sử của di tích liên quan đến ngôi làng của chúng tôi. Vì thế tôi thực sự đau xót khi thấy một địa điểm liên quan đến lịch sử bị vùi lấp như vậy. Tôi mong các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng quan tâm và tìm cách gìn giữ nơi này”.
Anh Đinh Tiến Ngọc cũng bộc bạch: “Chúng tôi, bằng tấm lòng và tình cảm với quê hương mình, muốn giữ gìn những giá trị văn hóa của quê hương. Không phải nơi nào cũng có những di sản quý giá như thế này. Chúng tôi muốn giữ lại cho con cháu mình”.
Người Lai Xá có được tình yêu đối với di sản như thế này, công lớn là nhờ một người con của làng: PGS.TS Nguyễn Văn Huy. Chính ông đã giúp người dân hiểu được giá trị to lớn của di chỉ khảo cổ 3.500 năm mà làng đang giữ. Và cũng chính ông chỉ cho họ cách thức bảo vệ, gìn giữ, cũng như lan tỏa tình cảm với di sản.
Anh Bùi Hữu Tiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Nhân học (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) – đơn vị thường xuyên qua lại, thông tin trao đổi chung quanh di chỉ Vườn Chuối với người dân thôn Lai Xá cho biết, những ngày đầu vào khai quật khảo cổ, anh đã cùng các nhà khảo cổ đến nhà, gặp gỡ nhiều người dân trong thôn, trò chuyện với họ và cho họ biết giá trị đặc biệt của di chỉ này. ‘Ban đầu, họ sợ chúng tôi đào trộm, về sau, khi trò chuyện cùng chúng tôi, họ đã hiểu hơn và cùng chúng tôi hợp tác chặt chẽ trong việc bảo vệ di chỉ” – anh chia sẻ.
Anh Bùi Hữu Tiến cũng cho biết: “Vườn Chuối giữ được hình hài như ngày nay là nhờ có sự đóng góp nhiệt tình của người dân địa phương, họ là lực lượng nòng cốt trong việc đấu tranh trực tiếp với các mối xâm hại, từ các vụ đào trộm đồ cổ, cho đến các dự án xây dựng, họ đều theo dõi và có báo cáo với lãnh đạo cấp trên để tìm ra biện pháp bảo vệ Vườn Chuối. Họ là những người miệt mài trong việc không quản ngày đêm, mưa nắng để thị sát, bảo vệ Vườn Chuối. Cách đây 10-15 năm, khi nạn đào trộm đồ cổ hoành hành ở đây, họ chính là những người trực tiếp ra đấu tranh với những người đào trộm đó”.
“Người dân Lai Xá cũng có ý thức trách nhiệm rất cao trong việc thu thập di vật, dấu tích của cha ông khi các dự án xây dựng và làm đường đang tiến hành. Hiện nay ở nhà ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Lai Xá có nhiều hiện vật rất có giá trị. Có những hiện vật trong khai quật khảo cổ chưa tìm thấy, bộ sưu tập hiện vật vô cùng phong phú, đa dạng, giúp cho việc nghiên cứu nhìn nhận, đánh giá Vườn Chuối được đa dạng hơn” – anh Bùi Hữu Tiến nói.
Bài học ở Vườn Chuối là kinh nghiệm vô cùng quý giá đối với bất kỳ di sản hay di chỉ khảo cổ nào trong cả nước. Di sản chỉ có thể giữ được khi cộng đồng muốn giữ, và khi đã muốn, họ sẽ giữ đến cùng.
Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137