Lễ hội chùa Hương, một trong những lễ hội lớn nhất của người Việt bắt đầu từ tháng Giêng và đến hết tháng 3 âm lịch.
Đầu năm đi lễ chùa Hương không chỉ là một chuyến du hành đầu xuân mà còn là hành trình về miền đất Phật. Chùa Hương thực tế là một tập hợp nhiều hang, động, chùa, trong một tổng thể kết hợp giữa thiên nhiên và nhân tạo. Đối với người Việt Nam, thắng cảnh Hương Sơn được coi là cõi Phật bởi nơi đây Quan Âm Bồ Tát ứng hiện tu hành. Lễ hội chùa Hương thường bắt đầu từ tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.
Đã từ hàng trăm năm nay, người Việt Nam có truyền thống đi lễ chùa Hương ngày đầu năm. Và càng ngày, số lượng du khách trẩy hội chùa Hương càng tăng. Chả thế mà danh sĩ Phan Huy Chú, đời nhà Nguyễn trong một lần về đây vãn cảnh đã từng nói: “nơi đây là lễ hội vui nhất nước Nam”. Sở dĩ lễ hội chùa Hương đông có lẽ là bởi quan niệm nơi đây là miền đất Phật bên cạnh đó, về với Hương Sơn con người được hòa mình vào thiên nhiên bao la, được thả hồn bền dòng suối Yến thơ mộng, và bởi về Hương Sơn người ta tìm được khoảng lặng bình yên trong tâm hồn.
Đã thành thông lệ cứ đến ngày mùng 6 âm lịch hàng năm là chùa Hương tổ chức khai hội. Lễ khai hội này bắt nguồn từ lễ mở cửa rừng xưa kia của người đồng bào Mường. Theo sách ghi chép thì vùng núi Hương Sơn xưa kia là nơi cư trú chủ yếu của đồng bào Mường, sinh sống bằng nghề hái lượm, săn bắt và đánh cá. Người đồng bào quan niệm, sau mỗi một năm, cửa rừng lại đóng lại vì thế, bước vào năm mới, cần phải làm lễ Mở cửa rừng để bắt đầu cho một mùa hái lượm, săn bắt mới. Khi chưa làm lễ mở cửa rừng mà tự tiện vào rừng thì rất dễ gặp rủi ro như: bị ma rừng bắt hồn, bị rắn rết cắn, hổ báo ăn thịt…Về sau, người Kinh về đây đông đúc hơn, vùng núi Hương Sơn được cải tạo trở thành vùng núi sơn thủy hữu tình với những hang động tự nhiên và chùa chiền được xây dựng. Người Kinh vẫn giữ ngày Mở cửa rừng của đồng bào Mường đồng thời làm lễ Mở cửa chùa – khai hội chùa Hương cho đến ngày nay.
Trong ngày khai hội tại sân đền Trình có tổ chức múa rồng, trên dòng Suối Yến thì có biểu diễn bơi thuyền rồng. Lễ tiết cho ngày khai hội không quá cầu kỳ, rườm rà mà thiên về lễ “thiền”. Cũng nhiều phần bởi nơi đây nghiêng về thiền nhiều hơn lễ nên lễ hội lại tạo được cảm giác thanh tịch của miền đất Phật.
Khoảng 20 năm trước đây, đi lễ chùa Hương là niềm ao ước của rất nhiều người. Ao ước là bởi ngày đó đi lại khó khăn, đường xá thì xa xôi và toàn đường xấu, xe cộ thì hiếm chứ đâu có sẵn như ngày nay. Chả cứ ở các tỉnh mà đến ngay với người Hà Nội đi chùa Hương cũng là mơ ước.
Còn nhớ vào thời gian đó, những nhà có xe ô tô riêng để đi chỉ là hãn hữu, đa phần là đi xe khách hoặc cơ quan, tập thể tổ chức cho đi lễ đầu năm. Nếu may mắn mà cơ quan tổ chức cho nhân viên đi thì đỡ chứ nếu phải đi xe khách thì thật hãi hùng. Những xe Hải Âu cũ mèm có khi đã hết thời gian sử dụng, long sòng sọc, mùi xăng mùi dầu khiến hành khách liêu xiêu, ngây ngất. Đó là chưa kể đến vào những ngày lễ hội, tất các các chuyến xe về chùa Hương đều chật kín người, thay vì 40 khách bác tài phải xếp thêm ghế thành 50 -60 khách chen chúc. Ấy thế mà, người ta vẫn đi, vẫn ao ước được 1 lần đặt chân đến miền đất Phật. Mệt là thế, lại còn say xe nữa nhưng chỉ cần xuống đến bến đò Suối Yến là bao nhiêu mệt nhọc tan biến hết. Con suối dài 5km với hơn 4000 con thuyền dùng để chuyên chở khách, đông vậy nhưng không bao giờ có chuyện thuyền va chạm nhau. Bất kỳ ai đến chùa Hương cũng phải đi qua con suối này 2 lần, 1 lần vào và 1 lần ra. Những con thuyền lướt nhẹ trên mặt nước rất chậm rãi, thong dong mỗi lần đi phải mất đến cả tiếng đồng hồ thế nhưng không ai sốt ruột mà người nào cũng rất hứng thú tận hưởng cảm giác được “chạm” vào thiên nhiên. Cũng khoảng 20 -15 năm trước, chưa có quy hoạch cụ thể đi chùa Hương nếu không cẩn thận sẽ bị bắt chẹt, ăn uống hay mua bán gì mà không trả giá trước là cầm chắc bị ép giá trên trời. Nhưng tình trạng đó đã chấm dứt từ độ 10 năm nay với sự ra tay cương quyết của Chính quyền địa phương và của Ban quản lý khu di tích chùa Hương.
Ngày nay đi chùa Hương, du khách không còn sợ gặp phải cảnh chèo kéo khách hàng. Chen lấn, dành khách ở bến đò hay đe dọa ép giá nữa. Bến đò suối Yến đã có quy hoach hẳn hoi, mấy nghìn con thuyền đều được đánh số thứ tự tránh nhầm lẫn và cảnh lái đò bắt chẹt. Năm 2011, hệ thống cáp treo từ Đền Trình lên Hương Tích được chính thức đưa vào vận hành giúp cho các cụ già hay các em nhỏ cũng có thể đi hội chùa Hương. Với lớp thanh niên hay một số người theo tín ngưỡng Phật giáo thì đi lễ phật và phải leo đường bộ mới tỏ rõ lòng thành nên dù có cáp treo họ vẫn chọn cách đi theo đường bộ.
Đi hội chùa Hương hôm nay cũng có nhiều nét khác so với ngày xưa, không còn những con đò độc mộc bằng gỗ mà thay vào đó là những con thuyền sắt sơn đỏ. Con sâu đá – món quà hấp dẫn mỗi khi có người đi chùa Hương về nay cũng đã không còn. Rừng mơ bây giờ cũng đã không còn trắng cả vùng trời có lẽ bởi khí hậu và bởi tác động của con người nên diện tích rừng bị thu hẹp…Thế nhưng không phải vì thể mà hội chùa Hương mất đi nét đẹp truyền thống, mất đi những nét tinh túy tạo nên “chất riêng” của hội chùa Hương. Xuân mới đang về và vẫn như bao năm cũ, mỗi người con Việt Nam hiện đang sống trên mảnh đất hình chữ S hay cả những người con xa xứ lại háo hức lên kế hoạch về miền đất Phật, để dâng lên nén hương tỏ lòng thành kính, để tìm một chút thanh nhàn trong cuộc sống nhiều lo toan, vất vả, cũng là để hòa mình vào với thiên nhiên đất trời bao la.