Chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến với tên gọi “Why Việt Nam?”, ngày 21/10 tại Hà Nội, các khách mời đã đưa ra những khuyến nghị có giá trị thiết thực để Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên toàn thế giới tới đầu tư, phát triển. Buổi tọa đàm là một trong chuỗi các chương trình của Hội nghị và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World 2020).
Tọa đàm trực tuyến “Why Việt Nam?” là diễn đàn chia sẻ Chiến lược quốc gia số của Việt Nam, khát vọng, mục tiêu, giải pháp, lộ trình chuyển đổi số và các lĩnh vực ưu tiên, thị trường số Việt Nam, cơ hội cho các tập đoàn công nghệ đầu tư vào các lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao, cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài tham gia vào quá trình phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, diễn đàn được chia sẻ tại nhiều điểm cầu và có sự kết nối, theo dõi của các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin trên phạm vi 50 quốc gia tham dự sự kiện ITU Digital World 2020.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông khái quát những lĩnh vực Việt Nam sẽ ưu tiên thực hiện chuyển đổi số như y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải… Mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, đồng thời nền kinh tế số chiếm 20% tổng giá trị quốc dân (GDP). Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiếu 10%, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiếu 7%. Đến năm 2030, Việt Nam đặt ra mục tiêu thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử. Về phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, đến năm 2030, Việt Nam sẽ phổ cập dịch vụ mạng internet băng rộng cáp quang, dịch vụ 5G. 80% dân số có tài khoản thanh toán điện tử và Việt nam thuộc nhóm 30 quốc gia dẫn đầu về an toàn an ninh mạng. Để đạt được những mục tiêu trên, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có những định hướng và chiến lược rõ ràng cho chuyển đổi số để đưa Việt Nam trở thành nơi tốt nhất cho chuyển đổi số và đưa Việt Nam trở thành nơi tốt nhất cho các doanh nghiệp công nghệ đầu tư và phát triển. Theo đó, nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam đã nhanh chóng xây dựng định hướng và có những đầu tư chuẩn bị về hạ tầng, nhân lực, chính sách đầu tư để thu hút các doanh nghiệp số.
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin cho biết, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số, do vậy cần phát triển nhiều công nghệ mới và hệ sinh thái doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể tham gia bằng cách chuyển giao công nghệ, xây dựng nhà máy, hợp tác với doanh nghiệp trong nước để kinh doanh.
Ở góc độ tập đoàn công nghệ toàn cầu, ông Thiều Phương Nam – Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia đánh giá, Nghị quyết số 52-NQ/TƯ ngày 27/09/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Các chủ trương tại Nghị quyết đã xác định Việt Nam cần tham gia chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách thiết kế, sản xuất và đổi mới sáng tạo. Tham gia quá trình này, Qualcomm sẽ hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ bản quyền công nghệ, nền tảng công nghệ, giúp các công ty công nghệ Việt Nam sản xuất, xuất khẩu sản phẩm di động, thiết bị 5G. Qualcomm cũng đặt mục tiêu hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo để đưa ý tưởng công nghệ của Việt Nam ra với thế giới.
Còn ông Denis Brunnetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Lào, Myanmar thì cho rằng, để phục vụ cho chuyển đổi số, Việt Nam cần tăng cường đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông (ICT) và đây sẽ là lợi thế cạnh tranh mới của Việt Nam. Vì theo ông Brunnetti, để đạt được mục tiêu Nghị quyết số 52-NQ/TƯ đặt ra là kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025, chiếm 30% vào năm 2030 (hiện mới chiếm 10% GDP), Việt Nam phải thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp.
Chia sẻ về những ưu thế của Thành phố Đà Nẵng trong đầu tư lĩnh vực công nghệ thông tin, Đà Nẵng được đánh giá là thung lũng silicon thứ 2 tại Đông Nam Á. Với những chính sách mở, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng bền vững… Thành phố Đà Nẵng đang là một khu trọng điểm công nghệ thông tin mới nổi và được kỳ vọng sẽ trở thành một Thung lũng Silicon của Đông Nam Á. Bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến đầu tư, UBND Thành phố Đà Nẵng khẳng định, Đà Nẵng đã vượt qua nhiều khó khăn do dịch Covid-19 đem đến, Chính quyền thành phố đã có những chính sách tốt để phát triển Đà Nẵng thành đô thị thông minh và thành phố đáng sống tại Việt Nam. Đây là thời điểm vàng để đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin vào Đà Nẵng.
Trước đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp không sẵn sàng với chuyển đổi số, nhưng đến thời điểm hiện tại, chuyển đổi số là yêu cầu sống còn của các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, các doanh nghiệp của Việt Nam trong thời gian ngắn vừa qua đã hoàn thiện và giới thiệu rất nhiều nền tảng phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, các nền tảng kinh doanh trực tuyến, vận tải, thanh toán trực tuyến… có cơ hội chứng minh hiệu quả của mình trong thời gian cách ly do dịch Covid-19.
Chuyển đổi số mở ra thị trường rộng lớn đối với các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam và các công ty công nghệ toàn cầu. Kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ, đổi mới sáng tạo. Các lợi thế truyền thống như ưu đãi thuế, đất đai và nhân lực giá rẻ đang mất dần, muốn cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài, các quốc gia phải tạo ra lợi thế cạnh tranh, đặc biệt trong việc thử nghiệm khung pháp lý đối với mô hình mới, chính sách mới, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin sẵn sàng để đón nhận đầu tư, chuẩn bị nguồn nhân lực để đáp ứng những yêu cầu mới của xu hướng phát triển công nghệ. Đại diện một số tập đoàn lớn cho biết, họ không hề quan ngại khi đầu tư vào Việt Nam, nhưng luôn cân nhắc cẩn thận để tính toán lĩnh vực đầu tư trong thời gian tới.
Tại diễn đàn, các khách mời đã đưa ra những khuyến nghị có giá trị thiết thực để Việt Nam sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên toàn thế giới tới đầu tư, phát triển. Trong đó, các diễn giả nhấn mạnh đến cơ chế hợp tác công tư, hỗ trợ thử nghiệm mô hình, chính sách mới, hướng xây dựng đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao với sự hợp tác đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực xuyên quốc gia, chính sách gọi vốn đầu tư, phát triển doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước tạo thành đối tác tin tin cậy để vừa tạo thị trường cho các sản phẩm số của người ngoài tiếp cận được thị trường Việt Nam, đồng thời đưa những sản phẩm, nền tảng công nghệ Make in Vietnam ra thị trường khu vực và quốc tế./.
Bộ Thông tin và Truyền thông