Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến nổi tiếng tại khu vực và trên thế giới, tuy nhiên để từng bước tiến đến vị trí điểm đến hàng đầu Đông Nam Á thì còn cần triển khai đồng bộ các giải pháp trong thời gian tới.
Theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google, từ đầu năm 2023 tới nay, lượng tìm kiếm về Du lịch Việt Nam liên tục tăng từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6 trên thế giới. Tính trong khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam là điểm đến duy nhất lọt trong danh sách này. Mức tăng trưởng về du lịch ở Việt Nam xếp thứ 6 trên thế giới, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung ở khu vực Đông Nam Á. Số liệu thống kể của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, tính đến tháng 11 năm 2023, Việt Nam đón trên 11,2 triệu lượt khách quốc tế gấp 3,8 lần với cùng kỳ năm ngoái, vượt mục tiêu đề ra đón 8 triệu khách quốc tế năm 2023.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mục tiêu đến năm 2025, tổng thu từ khách du lịch đạt 1.700 – 1.800 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13 – 15%/năm, phục vụ 160 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 12-14% và khách nội địa 6-7%. Đồng thời mục tiêu cũng đề ra đến năm 2030, Việt Nam thực sự trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới. Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 đề ra mục tiêu Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Để có thể vươn lên vị trí đầu bảng, đạt được các mục tiêu đề ra, du lịch Việt Nam cần tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục các hạn chế còn đang tồn tại và thực hiện hiệu quả các kế hoạch, chiến lược trong giai đoạn tới. Trong đó các nhóm vấn đề chính cần tập trung đó là chính sách thu hút đầu tư, chính sách thị thực, giải pháp đa dạng sản phẩm du lịch, tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá.
Những năm gần đây, nhờ cơ chế chính sách thu hút đầu tư ngày càng cởi mở, hành lang pháp lý, thủ tục hành chính có nhiều bước đột phát, số lượng các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh. Tuy nhiên vẫn chưa đủ đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành du lịch vì thế các nhà hoạch định chính sách cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bãi bỏ những chính sách cũ không còn phù hợp với thực tế và ban hành cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đặt ra, hướng tới việc thu hút đầu tư có định hướng, có chọn lọc.
Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài ở Việt Nam có hiệu lực từ ngày 15/8/2023 với những quy định thông thoáng hơn như kéo dài thời hạn visa điện tử từ 30 ngày đến 90 ngày, nâng thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày, đã có thầy nhiều đột phá trong việc thu hút khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên để thực sự có thể giữ khách ở lại dài ngày thì cần đa dạng các sản phẩm du lịch. Căn cứ theo Quy hoạch và Chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam, các địa phương cần chủ động xác định tiềm năng lợi thế để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tránh việc bắt chước, rập khuôn. Tập trung khai thác tiềm năng văn hóa và tài nguyên thiên nhiên đa dạng của Việt Nam để hình thành sản phẩm du lịch quốc gia.
Đầu tư nhiều hơn cho công tác xúc tiền, quảng bá cả trong nước và ngoài. Tích cực tham gia các diễn đàn, hội chợ du lịch khu vực và quốc tế bằng nguồn vốn nhà nước và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Tích cực, chủ động hơn nữa trong việc tham gia vào các Hội nghị, Hội thảo đầu tư xúc tiến về du lịch của khu vực và thế giới.
Năm 2022, đại dịch Covid 19 được khống chế, các quốc gia tích cực thực hiện chương trình, kế hoạch nhằm khởi động, thu hút khách du lịch quốc tế. Kết quả Việt Nam thu hút được 3,6 triệu lượt khách trong khi đó Thái Lan đón 11 triệu lượt khách, Malaysia đạt 9,2 triệu lượt khách, quốc gia nhỏ bé Singapore cũng đón 6,3 triệu lượt khách. Năm 2023, tuy đã có nhiều bứt phá số lượng khách cũng như vị thế trên bản đồ khu vực, cụ thể theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 12/2023 đạt gần 1,4 triệu lượt người, tăng 11,2% so với tháng trước và tăng 93,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung cả năm 2023, du lịch Việt Nam đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế. Con số này gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách. Nhưng số lượng này mới chỉ bằng 70% năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Trong tổng số 12,6 triệu lượt khách quốc tế, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 11 triệu lượt người, chiếm 86,9% số lượng khách quốc tế đến Việt Nam; khách đi đường bộ đạt 1,5 triệu lượt người, chiếm 12,1% và gấp 4 lần. Bên cạnh đó, trong năm 2023, ngành du lịch Việt Nam cũng nhận được cơn mưa các giải thưởng quốc tế về du lịch và liên tục lọt top các điểm đến của khu vực và thế giới. Tuy nhiên để có thể vượt qua các “đối thủ” như Thái Lan, Malaysia, Singapore, ngành du lịch Việt Nam cần tích cực chủ động hơn nữa trong việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên.
Nguyễn Lan Hương