Việc đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đêm những năm vừa qua không chỉ góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế đêm mà còn mang lại một diện mạo mới, hấp dẫn và cuốn hút hơn cho du lịch thủ đô.
Là thành phố lớn nhất, đồng thời là một trong hai trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của cả nước, thủ đô Hà Nội có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch nói chung, du lịch đêm nói riêng. Trong đó hệ thống hạ tầng kết nối các điểm tham quan, điểm du lịch, điểm kinh tế đêm thuận lợi cho du khách. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu giải trí, ăn uống, mua sắm, nghỉ ngơi phục vụ khách du lịch đã phát triển. Cũng vì lẽ đó, các hoạt động, sản phẩm du lịch đêm ở Hà Nội đã xuất hiện từ khá sớm, tiêu biểu và phổ biến có thể kể đến các show diễn tại Nhà hát Múa rối Thăng Long, nhà hát chèo Hà Nôi, phố đi bộ Hoàn Kiếm, các khu phố ẩm thực đêm.
Ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam” với mục tiêu khai thác tiềm năng phát triển kinh tế đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Đề án cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức hoạt động, dịch vụ đêm tại một số điểm, khu du lịch tại các tỉnh, thành phố có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ ban đêm như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Dẫn đầu trong việc đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đêm, từ năm 2020 đến nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền thành phố, Sở du lịch Hà Nôi tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan, các doanh nghiệp nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch đêm, triển khai nhiều hoạt động đẩy mạnh du lịch đêm mang lại một diện mạo mới, hấp dẫn, lôi cuốn hơn cho du lịch thủ đô. Trong đó có thể kể đến như: tour văn học “chữ Tâm – chữ Tài” tại Bảo tàng Văn học Việt Nam; tour đêm “Giải mã Hoàng Thành Lăng Long” tại di sản văn hóa thế giới Hoàng Thành Thăng Long; “Đêm thiêng liêng” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò; “Tinh hoa đạo học” tại Văn Miếu – Quốc tử giám; chương trình nghệ thuật “Huyền thoại tuổi thanh xuân – Sống một đời đáng sống” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; tour xe đạp “Đêm Thăng Long – Hà Nội, xe buýt 2 tầng chạy đêm, lễ hạ cờ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tuy chưa có thống kê chính thức về nguồn thu từ các sản phẩm du lịch đêm kể trên nhưng chỉ cần nhìn vào số lượng khách du lịch cả trong nước và quốc tế liên tục tăng cao trong những năm gần đây có thể thấy phần nào hiệu quả từ việc phát triển sản phẩm du lịch đêm đã làm đa dạng sản phẩm du lịch của Hà Nội, kéo dài thời gian lưu trú, chi tiêu của du khách. Rõ hơn nữa đó là các tour đêm đặc sắc như tour đêm tại Hòa Lò, tại Hoàng Thành Thăng Long luôn ở cháy vé, các khu phố ẩm thực, đi bộ đêm luôn luôn kín chỗ vào các dịp cuối tuần. Không chỉ mang lại nguồn thu từ việc bán vé trực tiếp, chưa kể đến giá vé cho một tour đêm cao gấp 7-17 lần giá vé tour tham quan thường, các sản phẩm du lịch đêm này còn thúc đẩy nhiều hoạt động thương mại khác như mua sắm, ăn uống, dịch vụ bổ trợ.
Ngày 14/7/2023, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 1894/QĐ-BHVTTDL ban hành Đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm”. Theo đó, Hà Nội là một trong 12 địa phượng được lựa chọn để phát triển tối thiểu một mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Mục tiêu đến năm 2025, sản phẩm đêm có khả năng kéo dài thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch tối thiểu 1 đêm. Từ kết quả khả quan có được trong việc xây dựng và khai thác sản phẩm du lịch đêm những năm gần đây, để thực hiện Đề án của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch Hà Nội đang nghiên cứu, đánh giá để phối hợp với các nhà hát, các bảo tàng, doanh nghiệp tiếp tục xây dựng, hình thành sản phẩm du lịch đêm trong giai đoạn tới. Trong đó tập trung vào việc quy hoạch không gian tổ chức du lịch đêm tránh ảnh hưởng tới hoạt động, sinh hoạt của người dân; Tập trung vào thế mạnh của du lịch thành phố với hệ thống các di tích, bảo tàng, nhà hát đa dạng để hình thành sản phẩm đêm thực sự ấn tượng; Thu hút đầu tư hình thành các tổ hợp vui chơi giải trí mua sắm quy mô mở cửa ban đêm; Nghiên cứu cho phép hoạt động kinh doanh ăn uống tại một số khu vực nhất định được mở cửa tới sáng; Tăng cường an ninh, chật tự, quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố.
Nguyễn Lan Hương