Việc quản lý hiệu quả hoạt động lĩnh vực di sản văn hóa trong xu hướng cuộc CMCN lần thứ tư gắn liền với quá trình chuyển đổi số nói chung và việc tổ chức, quản lý, liên kết dữ liệu về di sản văn hóa nói riêng. Các hoạt động này phải dựa trên các yêu cầu về tin học hóa quá trình vận hành, số hóa, chuẩn hóa dữ liệu nhằm tạo thuận tiện quản lý và cấp dịch vụ.

1. Tổ chức, quản lý dữ liệu

Tổ chức quản lý dữ liệu bao gồm các hoạt động về mặt hành chính và kỹ thuật công nghệ. Về mặt hành chính, việc tổ chức quản lý dựa trên các quy định hiện hành, quy chế, quy ước giữa các đầu mối quản lý với nhau. Hiện nay, Cục Di sản văn hóa là đầu mối quản lý nhà nước lĩnh vực di sản văn hóa do vậy có thể hành chính hóa vấn đề tổ chức, quản lý dữ liệu nhằm thiết lập một hệ thống thông tin về di sản. Tuy nhiên vấn đề hành chính hóa cần phù hợp với thực tiễn quản lý chuyên ngành, trong đó hướng tới sự đồng thuận của xã hội, lấy người dân làm trung tâm trong quá trình cung cấp dịch vụ hành chính công cũng như dịch vụ lĩnh vực di sản.

Ví dụ, hiện nay trong người dân có thể có thông tin, dữ liệu/tư liệu (số hóa và chưa số hóa) thuộc đối tượng quản lý lĩnh vực di sản. Việc hành chính hóa dựa trên quy định hiện hành nhưng phải tạo động lực để mọi người dân có thể tham gia trong việc xây dựng hoàn thiện hệ thống dữ liệu chuyên ngành. Các tổ chức, cá nhân có thể cung cấp thông tin, tư liệu, số hóa, chuẩn hóa dữ liệu số để cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu do nhà nước quản lý. Việc làm “đầy” này là rất quan trọng, vừa phù hợp với định hướng của Chính phủ (Tri thức Việt số hóa là một ví dụ), vừa tạo nên sự phong phú tư liệu về di sản văn hóa đồng thời tiết kiệm được ngân sách của nhà nước.

Nói tóm lại, việc tổ chức, quản lý dữ liệu là phải do cơ quan nhà nước chủ trì. Cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực di sản phải hoàn thiện cơ chế, chính sách để quản lý tốt hơn thông tin dữ liệu từ địa phương và tạo được sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân trong việc đóng góp thông tin liên quan đến lĩnh vực di sản

2. Tạo lập, chuẩn hóa dữ liệu số, liên kết, chia sẻ dữ liệu

Theo số liệu tổng hợp của Cục Di sản văn hóa năm 2020, kết quả kiểm kê trên cả nước hiện có trên 4 vạn di tích, trong số đó có 08 di sản văn hóa và thiên nhiên tiêu biểu đã được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản thế giới theo Công ước UNESCO 1972 về Bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể của 63 tỉnh, thành phố được kiểm kê, 364 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 13 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh (12 di sản trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 01 di sản trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp); 119 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 215 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hệ thống bảo tàng tiếp tục được mở rộng với tổng số 167 bảo tàng (gồm 125 bảo tàng công lập và 42 bảo tàng ngoài công lập). Với kho tàng di sản văn hóa đồ sộ và quý giá đó, việc ứng dụng các công nghệ mới về công nghệ thông tin, truyền thông để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để lưu trữ dữ liệu số, có thể kết nối, chia sẻ trên phạm vi toàn quốc sẽ là một trong các biện pháp cần thiết để bảo tổn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên không gian mạng, phù hợp với xu hướng thưởng thức các giá trị văn hóa của nhân dân và bạn bè quốc tế trong tình hình mới.

Hiện nay, ngoài dữ liệu về di sản văn hóa do Cục Di sản văn hóa quản lý còn có một số đơn vị trực thuộc Bộ (như Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Viện Bảo tồn di tích,…) còn có dữ liệu tại các địa phương. Cục Di sản văn hóa với chức năng là cơ quan quả lý nhà nước về di sản văn hóa đã thực hiện lưu trữ hồ sơ và số hóa một phần các tài liệu, hồ sơ liên quan đến Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, di sản văn hóa phi vật thể ở tình trạng khẩn cấp, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bảo vật quốc gia. Thông thường, các viện nghiên cứu lưu trữ dữ liệu chuyên ngành phục vụ các mục đích đặc thù để nghiên cứu, đào tạo…. Địa phương lưu trữ dữ liệu (có thể) mang tính đặc thù của địa phương.

Về cơ bản, việc liên kết, chia sẻ dữ liệu cần có cơ chế từ cơ quan quản lý nhà nước, trên cơ sở đó các nền tảng công nghệ sẽ hỗ trợ để hình thành nên hệ thống cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa dạng dữ liệu lớn (big data). Để việc liên kết, chia sẻ này thành công và có hiệu quả, ngoài cơ chế/chính sách từ cơ quan quản lý cần có sự chuẩn hóa nền tảng các công nghệ (về liên kết, chia sẻ) dữ liệu còn có sự đầu tư về nguồn lực và có lộ trình đầu tư hợp lý.

2. Một số ứng dụng, tích hợp công nghệ

2.1. Ứng dụng công nghệ trong xây dựng, chuẩn hóa dữ liệu

Số hóa đối tượng lĩnh vực di sản tùy thuộc hình thức tồn tại của đối tượng gốc: giấy, chất liệu hình khối, tổ hợp nhiều hình dạng, âm thanh, hình ảnh động dạng tín hiệu tương tự (analog),… và mục đích sử dụng khi công bố/phổ biến chúng trên môi trường mạng để lựa chọn hình thức số hóa tạo lập, lưu trữ dữ liệu một cách phù hợp. Ví dụ, dạng giấy số lượng lớn có thể sử dụng máy quét chuyên dụng, dạng gỗ (mộc bản) có thể phải sử dụng kết hợp quét hình ảnh 3D, quét ảnh phân giải cao; với đình, chùa, tháp có thể kết hợp quét đa chiều, ứng dụng công nghệ LiDAR (Light Detection And Ranging – là công nghệ sử dụng tia laser [1] để khảo sát đối tượng từ xa, từ trên cao, thông thường từ thiết bị bay không người lái, những nơi mà con người khó có thể tiếp cận)…

Các hình thức số hóa dữ liệu để có dữ liệu số về hình ảnh tĩnh (dạng raster, vector, ảnh tĩnh/động 3D…) có thể được sử dụng trong các mục đích hiển thị khác nhau và có thể kết nối với các hệ thống thông tin khác khi có yêu cầu kết nối trong tương lai. Ví dụ, Mộc bản triều Nguyễn (lưu ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia), bản Hán Nôm (thế kỷ 17 lưu giữ ở Thư Viện Quốc gia Việt Nam) có thể số hóa dưới dạng 3D, ảnh vecter để có thể chia sẻ dữ liệu số với nhau, bảo vật quốc gia tại các bảo tàng có thể số hóa 3D…

Chuẩn hóa dữ liệu số là một công việc đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ. Đối với lĩnh vực di sản, việc chuẩn hóa dữ liệu còn phức tạp hơn vì dữ liệu cần phải hiển thị trực quan dạng đa phương tiện (multimedia) với âm thanh, hình ảnh, ký tự. Khi các phương tiện hiển thị không ngừng nâng cao chất lượng (về độ phân giải, màu sắc, đa chiều…) đòi hỏi việc số hóa, chuẩn hóa phải đáp ứng yêu cầu công nghệ ở mức hiện đại nhất định. Để làm được điều này, cơ quan quản lý cần rà soát nhu cầu thực tế, các chuẩn công nghệ của dữ liệu đã được số hóa.

Như vậy , đối tượng cần số hóa lĩnh vực di sản rất phong phú và đa dạng. Điều này đặt ra vấn đề phân nhóm đối tượng để lựa chọn công nghệ số hóa tương ứng, đảm bảo phù hợp với xu hướng công nghệ. Cục Di sản văn hóa cần có nghiên cứu để hướng dẫn tổ chức cá nhân cùng tham gia ứng dụng công nghệ để số hóa nhằm đảm bảo sự đồng bộ, cùng chuẩn dữ liệu, thuận tiện cho liên kết, chia sẻ và các hoạt động khác ở các bước phía sau.

2.2. Ứng dụng công nghệ trên nền tảng dữ liệu số đã chuẩn hóa

a) Công nghệ quản lý, liên kết, chia sẻ dữ liệu

Có thể nói rằng: Tổ chức, quản lý hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về di sản trên phạm vi quốc gia là một vấn đề khó và phức tạp. Tuy nhiên, hiện nay công nghệ phát triển mạnh. Do vậy, về cơ bản các hoạt động liên quan đến quản lý, liên kết, chia sẻ dữ liệu lĩnh vực di sản có thể được giải quyết triệt để thông qua công nghệ thông tin. Hiện có hai loại mô hình lưu trữ, xử lý dữ liệu đó là xử lý tập trung và xử lý phân tán. Mỗi mô hình đều có nhược điểm và lợi thế riêng. Tuy nhiên, để tận dụng tài nguyên và đề cao tính làm việc độc lập của các nút mạng (có thể là hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa của mỗi tỉnh, thành, quận, huyện, tổ chức, cá nhân….) thì nên lựa chọn giải pháp xử lý phân tán với sự hỗ trợ của công nghệ internet, công nghệ điện toán đám mây (Cloud computing), điện toán lưới (Grid computing), điện toán biên (Edge computing), internet vạn vật (Internet of Things),…

Tổ chức, quản lý, liên kết dữ liệu nên theo mô hình đối với dữ liệu lớn (big data). Năm 2012, Gartner [2] đưa ra 04 đặc trưng của dữ liệu lớn: Dung lượng (Volume) chỉ số lượng dữ liệu được tạo ra và lưu trữ. Kích thước của dữ liệu xác định giá trị và tiềm năng (insight) liệu nó có thể thực sự được coi là dữ liệu lớn hay không; Tính đa dạng (Variety) là các dạng và kiểu của dữ liệu. Dữ liệu được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau và các kiểu dữ liệu cũng có rất nhiều cấu trúc khác nhau; Vận tốc (Velocity) trong trường hợp này nghĩa là tốc độ các dữ liệu được tạo ra và xử lý để đáp ứng các nhu cầu và thách thức trên con đường tăng trưởng và phát triển; Tính xác thực (Veracity) là chất lượng của dữ liệu thu được có thể khác nhau rất nhiều, ảnh hưởng đến sự phân tích chính xác.

b) Công nghệ phân tích, xử lý dữ liệu

Đối với thông tin di sản văn hóa, ứng dụng công nghệ phân tích, xử lý dữ liệu nhằm phục vụ công tác quản lý, thống kê, dự báo xu hướng, hỗ trợ quyết định… Ví dụ: Nhà quản lý có thể thống kê được trên nước loại hiện vật này có số lượng bao nhiêu, hiện nay tình trạng thế nào, xu hướng (hư hỏng) trong thời gian đến thế nào? Cần có giải pháp gì về công nghệ để bảo quản chúng một cách tốt nhất, từ đó có kế hoạch gìn giữ tương ứng.

Hiện nay, khi công nghệ phần mềm phát triển mạnh, nhiều thuật toán, giải pháp tối ưu trong phân tích dữ liệu (data analytics), xử lý dữ liệu lớn (big data) như trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence), máy học (machine learning), xử lý chuỗi khối (blockchain),… Nhờ vậy mà các tiện ích dịch vụ trên nền tảng dữ liệu về di sản văn hóa rất phong phú, tiện lợi và hiệu quả.

c) Công nghệ hiển thị dữ liệu

Việc truy xuất hệ thống dữ liệu lớn về di sản văn hóa, trình diễn/hiển thị kết quả thông qua thiết bị thông minh là xu hướng thưởng thức các giá trị di sản văn hóa. Công nghệ thực tế ảo – VR (Virtual Reality), thực tế tăng cường – AR (Augmented Reality) cung cấp các kỹ thuật tương tác với thị giác nhằm đem lại cảm giác như tham quan thật sự. Điện thoại thông minh tích hợp rất nhiều chức năng, màn hình phân giải cao, 3D cùng với các công nghệ mạng thế hệ sau (5G, 6G, GPON và NG-PON…) thì dù muốn hay không bảo tàng ảo vẫn là xu thế phát triển loại hình này trong thời đại mới.

Tóm lại, chuyển đổi số và dữ liệu lớn về di sản văn hoá là 2 hoạt động quan trọng trong xu hướng bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hoá hiện nay. Chuyển đổi số để có thể nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ hành chính công trên môi trường số. Dữ liệu số về di sản văn hoá được tổ chức, liên kết, chia sẻ một cách hợp lý thông qua công nghệ sẽ phát huy giá trị văn hoá thông qua di sản đồng thời mang lại hiệu quả về văn hoá, kinh tế, xã hội… Muốn thực hiện tốt các công việc trên, ngoài sự nỗ lực của nhà nước cần sự phối hợp, chia sẻ từ người dân và doanh nghiệp.



[1] Laser là viết tắt của “Light Amplification by Stimulated Emission of Radiation”  có nghĩa là “khuếch đại ánh sáng bằng phát xạ kích thích”

[2] Gartner thành lập từ 1979, là công ty đa quốc gia hàng đầu tư vấn về công nghệ

Dương Viết Huy