Để khắc phục những thách thức trong bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể, các chuyên gia tại hội thảo “Hai mươi năm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam: Từ UNESCO đến cộng đồng” cho rằng, cộng đồng – chủ thể di sản cần phải được tham gia vào quá trình thực hành, truyền dạy di sản văn hoá phi vật thể đồng thời được hưởng lợi từ di sản.

“Khoảng trống” trong bảo vệ di sản

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ TS. Nguyễn Đắc Thủy cho biết, ngay sau khi hát Xoan được UNESCO ghi danh, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực cùng cộng đồng quyết tâm thực hiện cam kết bảo vệ di sản hát Xoan trong tình trạng bảo vệ khẩn cấp. Tỉnh Phú Thọ đã xây dựng đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan Phú Thọ (giai đoạn 2013 – 2020) và được Thủ tướng chính phủ Việt Nam phê duyệt.

Tỉnh Phú Thọ đã chủ động xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị hát Xoan giai đoạn 5 năm và từng năm với những biện pháp cụ thể như: tiến hành kiểm kê cập nhật và tư liệu hóa các bài bản hát Xoan; Chăm lo bồi dưỡng nghệ nhân và đào tạo các nghệ nhân kế cận, ban hành chính sách hỗ trợ nghệ nhân; tổ chức các hoạt động truyền dạy trong các phường Xoan gốc và trong cộng đồng; phục hồi không gian văn hóa và các tục lệ nghi thức liên quan đến thực hành hát Xoan của cộng đồng; Tuyên truyền quảng bá nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của di sản hát Xoan, đưa hát Xoan vào trong nhà trường để tạo không gian lan tỏa đến thế hệ trẻ… Qua đó đã phục hồi và tạo sức sống mãnh liệt, bền vững cho di sản hát Xoan.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ TS. Nguyễn Đắc Thủy chia sẻ tại hội thảo

“Những nỗ lực và các biện pháp bảo tồn của tỉnh Phú Thọ đã được UNESCO ghi nhận, được coi là trường hợp điển hình, là kinh nghiệm quý báu của Việt Nam trong bảo vệ các di sản trong tình trạng khẩn cấp trên thế giới. Năm 2017, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã thông qua Quyết định số 12.COM.11.C đưa hát Xoan Phú Thọ ra khỏi danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều này đã góp phần nâng cao nhận thức của quốc gia về cách ứng xử đối với các di sản văn hóa” – TS. Nguyễn Đắc Thủy chia sẻ thêm.

Cũng giống như hát Xoan, Ca trù người Việt – di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp đến nay đã hơn 10 năm (2009–2023). Nhìn lại chặng đường hơn thập kỷ bảo tồn, bảo vệ, phát huy các giá trị của di sản Ca trù, Việt Nam chúng ta đã thu được nhiều kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, trước mục tiêu đưa di sản Ca trù thoát khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp như cam kết của Việt Nam với UNESCO được đăng ký trong hồ sơ quốc gia vẫn còn một số “khoảng cách, khoảng trống” chưa được thực hiện với kết quả, hiệu quả tốt, liên tục.

Ca trù người Việt – di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp

Theo nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, PGS.TS. Lê Văn Toàn: “Trong cuộc sống đương đại hôm nay, nhiều biểu hiện mới xuất hiện như xu thế “Toàn cầu hóa”, “Thế giới phẳng”, “Khoa học công nghệ thời 4.0; 5.0″ khiến cho không gian xưa ấy của Ca trù dường như không còn nguyên vẹn, nay đã và đang chịu nhiều biến đổi. Trong quá trình thực hiện trao truyền, luyện tập, thực hành Ca trù như hiện nay phần lớn vẫn mang tính “tự nguyện”, “tự phát” chưa có những chỉ đạo sâu sát, cụ thể, thường kỳ và xuyên suốt với tính đồng bộ cao trong kế thừa. Và còn thiếu tính thống nhất, chặt chẽ, khoa học từ việc chỉ đạo hoạt động đến tổ chức thực hiện mục tiêu bảo tồn Ca trù, di sản cần bảo vệ khẩn cấp ở mỗi địa phương cũng như trên địa bàn cả nước”.

Đồng quan điểm trên, nghệ nhân Đặng Văn Hậu cho biết: “Là người có đam mê và luôn mong muốn khôi phục, phát triển thực hành di sản và sáng tạo phát triển nghề truyền thống nặn con giống bột, trong những năm qua, tôi đã tìm những phương án, hướng đi khác nhau để duy trì, phát triển nghề truyền thống này và bước đầu đem lại kết quả tương đối tốt. Tuy nhiên, nghề nặn con giống bột vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức như: Việc quảng bá sản phẩm con giống bột, đem nghệ thuật truyền thống Việt Nam ra nước ngoài còn nhiều hạn chế. Do người dân trong làng chưa có cơ hội tiếp cận nhiều với các phương tiện truyền thông đại chúng. Khách hàng biết tới sản phẩm chủ yếu là do đam mê và tự tìm hiểu. Bên cạnh đó, về việc truyền nghề và đào tạo nghề: Từ xưa, theo truyền thống của làng, nghề nặn con giống bột chỉ truyền nghề cho con trai và con dâu, không truyền nghề cho con gái. Điều này cũng làm hạn chế việc kế cận nghề, làm cho nghề có nguy cơ mai một và thất truyền”.

Cộng đồng phải được tham gia bàn bạc bảo vệ di sản

Trước thực trạng đó, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội PGS. TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, để nâng cao bảo vệ và phát triển di sản văn hóa phi vật thể, cộng đồng phải được tham gia bàn bạc, lên kế hoạch tổ chức hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; tổ chức hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cũng như quá trình đánh giá hiệu quả của hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, cộng đồng phải được lợi từ hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

“Đối với lễ hội truyền thống, khi người dân sẽ giữ gìn mà không cần bất cứ sự vận động, hỗ trợ nào của chính quyền. Chính vì không có sự can thiệp quá sâu của Nhà nước trong công việc tổ chức lễ hội mà lễ hội sẽ không tạo ra không khí “giả tạo” cho du khách. Chính vì vậy, chính quyền địa phương cần tạo những hành lang về chính sách cho việc phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Trong những giai đoạn ban đầu, chính quyền cần có những văn bản chính sách khuyến khích người dân tham gia vào các công việc giữ gìn di sản của chính họ, chỉ ra những lợi ích của việc tham gia đó, cũng như có những định hướng cụ thể để người dân dễ dàng tham gia như xây dựng những sinh hoạt thí điểm, mẫu cho những phục dựng các sinh hoạt về sau” – ông Bùi Hoài Sơn nói.

Đầu tư truyền dạy lớp kế cận là “gốc” của sự phát triển, TS. Nguyễn Đắc Thủy cho rằng: Muốn phát triển được các loại hình di sản văn hóa phi vật thể nói chung và đưa Ca trù sớm thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp nói riêng thì mục tiêu và vấn đề quan tâm hàng đầu hiện nay là đầu tư tổ chức truyền dạy, thực hành di sản đảm bảo đúng “phong cách, diện mạo” vốn có của di sản, đặc biệt Ca trù. Đó là cái gốc cần được xác định và khẳng định. Đối với Ca trù, tính đa dạng, phong phú từ lối hát, cách đàn, nhịp phách “chuẩn, đúng” của Ca trù cổ cần được thực hiện đồng bộ, cần có những người thầy đủ uy tín khi truyền dạy, kiểm tra, đánh giá với tính khách quan, dân chủ về nghệ thuật và khoa học… Cùng với đó, cần có những chủ thể của di sản luôn có tinh thần “tận tâm”, “tự nguyện” dành cho hoạt động bảo tồn, bảo vệ di sản trong đời sống đương đại.

“Bên cạnh đó, di sản Ca trù nói riêng, di sản văn hóa phi vật thể nói chung cần tạo thành sản phẩm văn hóa nghệ thuật phục vụ du lịch với đặc thù du lịch vùng nông thôn hay du lịch nơi đô thị. Thêm nữa, những quan tâm đầu tư về kinh tế của Nhà nước, các nguồn tài chính địa phương, nguồn tài chính xã hội hóa đều tập trung dành cho bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản trong sự chia sẻ, đồng thuận cao của cộng đồng, xã hội mới có thể giúp di sản được bảo tồn và phát triển trong thời gian tới” – TS. Nguyễn Đắc Thủy chia sẻ thêm.

Còn theo nghệ nhân Đặng Văn Hậu mong muốn Nhà nước sẽ tạo quỹ đất và hỗ trợ nguồn vốn xây dựng cơ sở phát triển du lịch gắn với nghề nặn con giống bột làng Xuân La, hướng đến xây dựng bảo tàng về tò he…/.

Nguồn: Cổng TTĐT Bộ VHTTDL (Trần Lan Hương sưu tầm)