Internet chính thức vào Việt Nam vào cuối những năm 90 của thế kỷ 20, ban đầu chủ yếu được sử dụng để trao đổi thư điện tử (e-mail). Giữa những năm 90, nhu cầu sử dụng internet tăng nhanh, sự xuất hiện các nhà cung cấp dịch vụ internet – ISP (Internet Service Provider) như làn gió mới, bắt đầu mở ra thị trường internet của Việt Nam, thị trường này liên tục tăng trưởng đến hôm nay. Trong xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN lần thứ 4), internet vạn vật – IoT (Internet of things) kết hợp với việc kết nối dữ liệu lớn (big data), các công nghệ thực tế ảo, công nghệ mô phỏng… đã làm thay đổi căn bản khả năng kết nối và tương tác của con người trong cuộc sống hiện đại, công tác đào tạo nguồn nhân lực không nằm ngoài xu hướng phát triển đó.
Thành tựu của CMCN lần thứ 4 đã tạo Cuộc CMCN lần thư tư làm thay đổi hầu hết các hoạt động của con người, xu hướng này vẫn đang diễn ra từng ngày. Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, sự tiến bộ của khoa học và công nghệ đã thay đổi phương thức sáng tạo nghệ thuật, thay đổi hình thức truyền tải giá trị nghệ thuật đến công chúng đồng thời nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của công chúng có xu hướng tăng lên về chất và lượng. Theo Quyết định số 527/QĐ-TTg ngày 15/05/2018 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 26 cơ sở đào tạo. Việc trang bị kỹ năng về khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực của Bộ (phần lớn thuộc ngành là khoa học xã hội) đặt ra nhiều vấn đề cần được giải quyết đồng bộ. Xu hướng học tập trực tuyến tương tác với người học bằng công nghệ truyền tải hình ảnh 3D, âm thanh chất lượng cao, công nghệ thực tế ảo nhưng trực quan sinh động đã và đang diễn ra. Việc thiết kế bài giảng điện tử bằng hình ảnh, âm thanh chất lượng cao trong đào tạo các nhóm ngành nghề sử dụng nguyên liệu, vật liệu làm đạo cụ trực quan đã không còn xa lạ.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật đáp ứng đáp ứng xu thế phát triển của CMCN lần thứ 4 đòi hỏi các chủ thể có liên quan như người dạy, người học và phương thức dạy học cần có nhưng thay đổi về tư duy và hành động cụ thể. Trong bài viết này, tôi xin trao đổi một số vấn đề về công tác đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong xu thế cuộc CMCN lần thứ 4, cụ thể một số nội dung chính như sau: Một là, phương thức ứng dụng khoa học công nghệ đối với người dạy; hai là, chương trình đào tạo của nhà trường đối với người học; ba là, kết nối và chia sẻ dữ liệu số trong công tác đào tạo.
Ứng dụng khoa học và công nghệ trong giảng dạy
Xuất phát từ nhu cầu ứng dụng khoa học, thành tựu công nghệ để người học (nói chung) hình thành tư duy và tự do sáng tạo các sản phẩm văn hóa nghệ thuật đặt ra yêu cầu người dạy phải đáp ứng.
Hiện nay, các thế hệ nghệ sỹ, tác giả đã hoạt động văn hóa, nghệ thuật có thể đi sau về công nghệ nhưng lại được thừa kế các công nghệ hiện đại của thế giới (đã được thế giới sử dụng và chứng minh sự thành công trước đó) để sáng tạo tác phẩm, sản phẩm vì vậy đã giúp người nghệ sỹ, tác giả tự do sáng tạo và trình diễn ảo, phổ biến tác phẩm văn hóa nghệ thuật, sản phẩm dịch vụ đến công chúng mà không phải đến sân khấu hay không gian trình diễn theo hình thức truyền thống.
Với thế hệ trẻ, những người còn trên ghế nhà trường thì việc hiểu biết về công nghệ, ứng dụng hiệu quả công nghệ mới nhằm phát huy giá trị tác phẩm cả về số lượng và chất lượng là xu thế tất yếu.
Theo Quyết định số 527/QĐ-TTg ngày 15/05/2018 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo đó số lượng cơ sở đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật gồm 09 trường đại học, học viện, nhạc viện, 04 trường cao đẳng và 02 trường trung cấp. Việc trang bị kỹ năng về khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực của Bộ (phần lớn thuộc ngành là khoa học xã hội) đặt ra nhiều vấn đề cần được giải quyết đồng bộ theo đó yêu cầu đối với người dạy (giảng viên) là hết sức quan trọng. Xu hướng học tập trực tuyến tương tác với người học bằng công nghệ truyền tải hình ảnh 3D, âm thanh chất lượng cao, công nghệ thực tế ảo đã và đang diễn ra. Việc thiết kế bài giảng điện tử bằng hình ảnh, âm thanh chất lượng cao trong đào tạo các nhóm nghành nghề sử dụng nguyên liệu, vật liệu làm đạo cụ trực quan, ví dụ sử dụng vật liệu để in/chạm khắc 3D…
Ngoài ra, giảng viên cần phải có những kiến thức nền tảng về khoa học, công nghệ để kịp thời nắm bắt, cập nhật những công nghệ đó vào công tác giảng dạy cũng như chuyển tải tri thức trong việc ứng dụng thành tựu của CMCN lần thứ 4 vào hoạt động của ngành khi sinh viên ra trường, tham gia thị trường lao động.
Vì vậy, trong xu thế phát triển của CMCN lần thứ tư, người dạy là yếu tố then chốt, tiên quyết trong công tác đào tạo. Việc ứng dụng khoa học công nghệ sẽ làm phong phú phương thức đào tạo, chuyển tải nội dung đến người học; việc cung cấp kiến thức, tri thức khoa học công nghệ mới đối với lĩnh vực, ngành nghề đào tạo nhằm phát huy tối đa tính sáng tạo của người học (đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật) là mục tiêu tốt đẹp của công tác đào tạo.
Chương trình đào tạo
Thống kê cả nước[1] hiện có 66 thiết chế văn hoá cấp tỉnh (Trung tâm văn hoá, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh…); 689/705 quận, huyện có Trung, tâm Văn hoá – Thể thao hoặc Nhà Văn hoá, đạt tỷ lệ khoảng 97,7%; 8.207/10.598 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hoá – Thể thao, đạt tỷ lệ 77,4% trong đó có 5.625 đạt chuẩn (tỷ lệ 53%); 69.070/90.508 làng, thôn, bản, ấp… có Nhà Văn hoá, đạt tỷ lệ khoảng 76,3% trong đó có 44.836 đạt chuẩn (tỷ lệ 49,5%). Có thể nói, công trình văn hóa trên cả nước đã tạo nên một mạng lưới các công trình văn hóa thể thao đồng bộ, phục vụ, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa nghệ thuật, xây dựng môi trường văn hóa, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.
Trong xu thế phát triển của CMCN lần thứ 4, các thành tựa khoa học, công nghệ mới đã làm thay đổi căn bản các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Các thay đổi được kể đến như: (1) Trong hỗ trợ việc hình thành và sáng tạo các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật; (2) hình thức quảng bá tiếp cận thị trường, phổ biến sản phẩm; (3) nhu cầu hưởng thụ tác phẩm, sản phẩm và dịch vụ văn hóa với chất lượng cao. Việc đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng xu hướng thay đổi đó, nhu cầu về nguồn lao động trong thiết chế văn hóa ở trong nước, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật là trách nhiệm của các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói riêng và của các bộ ngành, địa phương khác nói chung.
Xuất phát từ đặc điểm ngành nghề nên trong công tác tìm kiếm tài năng, đào tạo nhân lực chỉ ưu tiên lựa chọn người học chỉ theo tài năng ngành nghề văn hóa nghệ thuật mà ít (hoặc chưa) có sự hài hòa cân bằng giữa tài năng và hiểu biết về khoa học công nghệ. Vì vậy, sau khóa đào tạo hầu hết nhân lực làm công tác văn hóa nghệ thuật chưa được trang bị nhiều kiến thức về khoa học, công nghệ đặc biệt là công nghệ cao, thành tựu mới về công nghệ để áp dụng và phát huy sáng tạo nâng cao hiệu quả lao động, giá trị của sản phẩm. Ví dụ một số ngành đào tạo như: đạo diễn sân khấu, diễn viên, ca sỹ biểu diễn, quản lý văn hóa, thư viện, nghệ thuật, gia đình học… đầu vào tuyển sinh chủ yếu căn cứ năng khiếu nghệ thuật và một số môn khoa học xã hội (Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý…).
Về chương trình đào tạo, các chuyên ngành khối văn hóa nghệ thuật có hàm lượng môn học liên quan đến khoa học kỹ thuật khá khiêm tốn. Ví dụ Trường Đại học Văn hóa Hà Nội hiện đào tạo 11 ngành trình độ đại học[2] trong đó chỉ có một số ít ngành có 1-2 môn học liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, ví dụ ngành học: Thông tin học, Khoa học thư viện, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; phần lớn không có môn học liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành, ví dụ: Gia đình học, Văn hóa học, Bảo tàng học, Việt Nam học, Sáng tác văn học… Hơn nữa, hiệu quả chuyển tải tri thức trong ứng dụng kỹ nghệ của người dạy đến người học phụ thuộc phần lớn vào khả năng hiểu biết và cập nhật công nghệ của người dạy. Đây là điều kiện cần để khai sáng, gợi mở tư duy tìm tòi, khám phá, ứng dụng sáng tạo công nghệ mới của người học.
Ngoài ra, trong xu thế CMCN lần thứ 4, việc ứng dụng công nghệ thông tin dường như là tất yếu, đến một lúc nào đó sẽ được xem là việc làm đương nhiên và đơn giản. Quả đúng như vậy vì ứng dụng công nghệ thông tin mới chỉ là một phần nhỏ của thành tựu CMCN lần thứ 4 cùng với các công nghệ mới khác như công nghệ vật liệu, tự động hóa, công nghệ ảo hóa, trí tuệ nhân tạo… Khi đó, vấn đề trang bị kiến thức cơ bản của nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật đến với nhân lực văn hóa nghệ thuật thông qua các hình thức đào tạo là không thể xem nhẹ.
Như vậy, với yêu cầu nguồn lao động chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong đó chú trọng đến ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động nghề nghiệp đã trở nên cấp thiết. Cuộc CMCN lần thứ 4 đã và dang diễn ra theo quy luật phát triển, sự trợ giúp của máy móc với mức độ tự động hóa cao, trí tuệ nhân tạo sẽ dần dần thay thế sức lao động của con người trong đó bao gồm cả việc sáng tạo các tác phẩm văn hóa nghệ thuật. Phương thức quản lý hiện đại sẽ sử dụng ít nhân lực nhưng đòi hỏi phải có trình độ cao không những về năng khiếu mà còn kiến thức khoa học công nghệ. Điều này đặt ra khá nhiều thách thức cho nhà quản lý công tác đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật, nhân lực phục vụ các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng và các lĩnh vực ngành nghề cung cấp sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch nói chung.
Đề xuất, kiến nghị
CMCN lần thứ 4 được cho là đã và đang diễn ra trên thế giới và ở Việt Nam, một trong những đặc trưng của cuộc CMCN lần này là không phụ thuộc hoàn toàn vào thiết bị, máy móc mà là tùy thuộc vào khả năng, trí tuệ của con người, năng lực sáng tạo. Việt Nam là quốc gia chủ yếu sử dụng các thành tựu của CMCM lần thứ 4 thông qua việc tiếp nhận có chọn lọc các công nghệ mới, là nước “đi sau” về công nghệ nên có thể học hỏi được kinh nghiệm của các nước “đi trước”. Nguồn nhân lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và nhân lực lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có tính chất đặc thù thiên hướng đến tài năng nên nhìn chung nền tảng về khoa học kỹ thuật, công nghệ còn hạn chế. Trong xu thế phát triển của CMCN lần thứ 4, việc chuẩn bị nhân lực để thích ứng với công nghệ mới, phương thức mới là lựa chọn tất yếu. Trong điều kiện hiện tại về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nền tảng nhân lực, nguồn lực tài chính của các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật đã đặt ra nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức. Tôi mạnh dạn kiến nghị một số nội dung nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong xu thế cuộc CMCN lần thứ 4 như sau:
a) Cơ chế chính sách
- Từng bước triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch” đã được phê duyệt;
- Các cơ sở đào tạo có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích sự sáng tạo của người dạy, người học trong việc ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm, dịch vụ văn hóa nghệ thuật;
- Chủ động nguồn tài chính của cơ quan, đơn vị (trong khi chưa có mục lục chi ngân sách riêng) để thực hiện các nhiệm vụ bức thiết cho ứng dụng thành tựu CMCN lần thứ 4, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội;
- Cơ chế phối hợp với doanh nghiệp, chuyên gia để cung cấp thông tin, nói chuyện chuyên đề về công nghệ mới ứng dụng trong ngành, chuyên ngành đào tạo;
- Thiết lập cơ chế chính sách hỗ trợ, liên kết các cơ sở dữ liệu lớn về văn hóa nghệ thuật ở các cơ sở đào tạo của Bộ, cơ quan quản lý có liên quan, các tổ chức trong và ngoài nước (nếu có thể) nhằm tạo một hệ thống cơ sở dữ liệu theo chuyên ngành, cung cấp thông tin chính thống phục vụ nghiên cứu, đào tạo.
b) Cập nhật phương thức đào tạo
- Nhà trường, giảng viên phải luôn cập nhật công nghệ mới, căn cứ trên cơ sở hạ tầng hiện có để lựa chọn phương thức đào tạo phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả như thông qua ứng dụng mô hình đào tạo trực tuyến, chia sẻ thông tin dữ liệu đa phương tiện theo nhóm người sử dụng, qua mạng xã hội…
- Nghiên cứu để từng bước thực hiện giáo trình điện tử sử dụng công nghệ 3D, 4D, sử dụng công nghệ mô phỏng âm thanh ánh sáng trong đào tạo các loại hình nghệ thuật, sân khấu…
c) Cập nhật chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân lực
- Nghiên cứu để cập nhật và thay đổi hình thức, điều kiện của đối tượng tuyển sinh trong đó chú trọng hơn tư duy khoa học tự nhiên ngoài năng khiếu và các môn khoa học xã hội;
- Rà soát trình các cấp có thẩm quyền để cập nhật chương trình đào tạo thậm chí mở ngành mới có tính chất đặc thù như dựng phim 3D, 4D, kỹ xảo điện ảnh, âm thanh ánh sáng sân khấu, các ngành phục vụ công nghiệp văn hóa;
- Trong công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đào tạo sau đại học chú trọng trang bị kiến thức về khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin, các công nghệ cơ bản là nền tảng để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hoạt động văn hóa nghệ thuật nắm bắt, ứng dụng, vận hành có hiệu quả thiết bị, máy móc… trong công tác quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ; chú trọng gắn nội dung về công nghệ, xu hướng ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật, nghệ thuật biểu diễn…
[1] Dự thảo Báo cáo tổng kết năm 2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
[2] Tham khảo: http://daotao.huc.edu.vn/index.php/trinh-do-dai-hoc/
Dương Viết Huy