Du lịch y tế là một ngành đang phát triển với tốc độ nhanh, mang lại nguồn lợi kinh tế lớn vì vậy mà rất nhiều quốc gia đã tập trung để phát triển loại hình này.

Du lịch y tế (Medical Tourism) là một ngành đang phát triển nhanh chóng, khi ngày càng nhiều người chọn kết hợp chăm sóc sức khỏe hoặc điều trị y tế với việc du lịch. Ngành này đang mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho nhiều quốc gia, đồng thời tạo cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao với chi phí hợp lý hơn.

Quy mô thị trường du lịch y tế toàn cầu

Theo Allied Market Research, quy mô thị trường du lịch y tế toàn cầu đạt khoảng 105,3 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến đạt 273,7 tỷ USD vào năm 2031, với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) 11.3% trong giai đoạn 2023–2031. Hàng năm, có khoảng 14-16 triệu người trên toàn thế giới đi du lịch y tế, với mức chi tiêu trung bình từ 3.000–10.000 USD/người/chuyến. Các quốc gia hiện đang dẫn đầu thị trường du lịch y tế trên thế giới gồm, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Mỹ…Theo đó, Ấn Độ tiếp nhận khoảng 2 triệu khách y tế/năm, doanh thu ước tính 5-6 tỷ USD. Thái Lan đón hơn 3 triệu khách du lịch y tế với doanh thu 4 tỷ USD. Singapore nổi tiếng với dịch vụ y tế chất lượng cao, thu hút khoảng 500.000 khách du lịch y tế mỗi năm và thu về 500 triệu USD doanh thu.

Các loại hình dịch vụ phổ biến trong du lịch y tế

Phẫu thuật thẩm mỹ và chăm sóc ngoại hình: Các quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc, và Brazil là điểm đến hàng đầu. Hàn Quốc được mệnh danh là “thủ đô phẫu thuật thẩm mỹ” thế giới, với hơn 50.000 khách du lịch y tế mỗi năm. Phẫu thuật nâng mũi, làm mắt hai mí và căng da mặt chiếm hơn 60% tổng số ca. Brazil thu hút khoảng 500.000 khách/năm đến thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ với chi phí thấp hơn 30–50% so với Mỹ.

Điều trị các bệnh nghiêm trọng: Các quốc gia có hệ thống y tế tiên tiến, như Mỹ, Đức, Singapore, được lựa chọn để điều trị ung thư, tim mạch, hoặc cấy ghép nội tạng. Mỹ đón khoảng 1,5 triệu khách du lịch y tế hàng năm, chủ yếu đến từ Canada và châu Âu, nhờ các công nghệ tiên tiến. Singapore, thu hút khoảng 22% khách quốc tế đến điều trị ung thư nhờ hệ thống chăm sóc sức khỏe hàng đầu châu Á.

Phẫu thuật nha khoa: Mexico, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ là những điểm đến hàng đầu cho dịch vụ nha khoa, với chi phí thấp hơn 50–70% so với các nước phát triển. Mexico đón khoảng 1 triệu khách mỗi năm từ Mỹ để thực hiện các dịch vụ nha khoa như cấy ghép và chỉnh nha.

Chăm sóc sức khỏe tổng quát và phục hồi chức năng: Các quốc gia như Thái Lan, Ấn Độ, và Malaysia nổi tiếng với các trung tâm trị liệu truyền thống, chăm sóc toàn diện. Thái Lan thu hút hơn 500.000 khách du lịch y tế chọn Thái Lan để phục hồi chức năng hoặc điều trị bằng liệu pháp Ayurveda.

Nguyên nhân và động lực thúc đẩy du lịch y tế

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của thị trường du lịch y tế, trong đó đầu tiên phải kể đến đó là vấn đề kinh tế. Điều trị y tế tại các nước phát triển thường rất đắt đỏ, trong khi chi phí tại các quốc gia đang phát triển thấp hơn từ 30–90% mà vẫn đảm bảo chất lượng. Ví dụ, một ca phẫu thuật tim tại Ấn Độ có giá khoảng 5.000 USD, trong khi tại Mỹ là 50.000–70.000 USD.

Nguyên nhân kế đến đó là nhiều quốc gia phát triển y tế chất lượng cao như Singapore, Đức, và Hàn Quốc đầu tư mạnh vào công nghệ y tế hiện đại và bác sĩ có trình độ cao. Nhiều bệnh viện đạt chuẩn JCI (Joint Commission International) – tiêu chuẩn y tế quốc tế. Ấn Độ hiên có khoảng 38 bệnh viện đạt JCI, tập trung tại Delhi, Mumbai, và Bangalore.

Thời gian chờ đợi ngắn cũng khiến những người bênh tìm đến du lịch y tế. Các nước như Canada, Anh có thời gian chờ đợi lâu (3–6 tháng) cho các dịch vụ y tế, trong khi ở các nước như Thái Lan hoặc Ấn Độ, bệnh nhân có thể được điều trị ngay lập tức.

Thách thức đối với ngành du lịch y tế

Mang lại nguồn lợi kinh tế lớn song du lịch y tế cũng tiềm ẩn nhiều thách thức và rủi ro, trong đó phải kể đến rủi ro pháp lý và chất lượng. Sự không đồng bộ trong tiêu chuẩn y tế giữa các quốc gia dẫn đến lo ngại về chất lượng điều trị. Điều này đã xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ với nhiều ca tai biến liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ.

Thiên tai dịch bênh cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng phát triển của loại hình này. Ví du như khi COVID 19 diễn ra, số lượng khách du lịch y tế toàn cầu giảm hơn 60% do các hạn chế đi lại.

Yếu tố văn hóa và ngôn ngữ cũng cản trở khả năng phát triển khi khách hàng thường gặp khó khăn trong giao tiếp và khác biệt văn hóa khi điều trị ở nước ngoài.

Tiềm năng phát triển và triển vọng phát triển thị trường này trong giai đoạn tiếp

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo ngành du lịch y tế sẽ đạt mức tăng trưởng 15%/năm trong thập kỷ tới nhờ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Kết hợp du lịch y tế với du lịch nghỉ dưỡng đang trở thành xu hướng phổ biến, đặc biệt tại Thái Lan, Maldives, và Ấn Độ.

Việc phát triển công nghệ đóng góp vào sự phát triển của nhiều ngành trong đó có ngành du lịch. Nền tảng trực tuyến giúp bệnh nhân dễ dàng tìm kiếm dịch vụ y tế phù hợp. Ví dụ: BookDoc (Malaysia) kết nối bệnh nhân với hơn 50.000 bác sĩ tại Đông Nam Á. Nhiêu thị trường mới nổi như Việt Nam, Indonesia, và Philippines đang nổi lên như điểm đến y tế mới nhờ chi phí cạnh tranh và dịch vụ chất lượng cao.

Du lịch y tế là một phân khúc đầy tiềm năng với sự tăng trưởng mạnh mẽ và khả năng tạo ra lợi nhuận cao. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, ngành này cần đối mặt với các thách thức về chất lượng, an toàn, và pháp lý. Các quốc gia muốn tham gia thị trường này cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ, và xây dựng chiến lược tiếp thị hiệu quả để thu hút khách du lịch quốc tế.

Bài học từ việc phát triển du lịch y tế trên thế giới cho việc phát triển tại Việt Nam

Du lịch y tế là một ngành kinh tế kết hợp giữa du lịch và chăm sóc sức khỏe, bao gồm các dịch vụ như phẫu thuật thẩm mỹ, điều trị bệnh, phục hồi chức năng, và chăm sóc sức khỏe tổng thể. Nhiều quốc gia đã khai thác thành công loại hình này, mang lại nguồn thu lớn và tạo dựng thương hiệu quốc gia. Từ đó, Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng để phát triển du lịch y tế, khai thác tiềm năng sẵn có.

Các quốc gia điển hình thành công trong việc phát triển loại hình này như Singapore,Thái Lan, Ấn Độ, Mỹ đều có những điểm chung như dịch vụ chất lượng cao, các quốc gia này sở hữu hệ thống y tế hiện đại, đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và chi phí cạnh tranh. Kết hợp hài hòa du lịch y tế và du lịch nghỉ dưỡng, khách y tế được trải nghiệm các điểm đến du lịch hấp dẫn, giúp phục hồi cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Thực hiện việc quảng bá hiệu quả với các chiến dịch marketing tập trung vào lợi ích kép của du lịch y tế, thu hút khách quốc tế.

Bài học từ các quốc gia phát triển du lịch y tế

Thái Lan là Trung tâm du lịch y tế Đông Nam Á. Mô hình phát triển của ngành du lịch Thái Lan là tập trung xây dựng đất nước thành điểm đến hàng đầu với các dịch vụ như phẫu thuật thẩm mỹ, nha khoa, điều trị hiếm muộn, và trị liệu spa. Các bệnh viện lớn như Bumrungrad International Hospital cung cấp dịch vụ đa ngôn ngữ, đón hơn 1,1 triệu bệnh nhân quốc tế mỗi năm. Yếu tố thành công của Thái Lan là chi phí thấp, chất lượng cao. Điều trị tại Thái Lan chỉ bằng 20-50% so với các quốc gia phát triển. Đội ngũ bác sĩ được đào tạo tại các nước phát triển và sử dụng thiết bị y tế tiên tiến.  Bên canh đó, Thái Lan là quốc gia có hạ tầng du lịch phát triển rất tốt. Khách y tế có thể kết hợp tham quan các điểm du lịch nổi tiếng như Bangkok, Phuket, Chiang Mai.

Ấn Độ tập trung vào dịch vụ y tế kết hợp công nghệ cao. Mô hình phát triển của Ấn Độ nổi bật với các dịch vụ phẫu thuật tim, chỉnh hình, điều trị ung thư và ghép tạng. Chi phí điều trị tại Ấn Độ thấp hơn 60-80% so với các nước phát triển. Yếu tố thành công đến từ hợp tác quốc tế và công nghệ tiên tiến. Ấn Độ chủ động liên kết với các tổ chức y tế và bảo hiểm toàn cầu để thu hút bệnh nhân. Sử dụng robot phẫu thuật và các kỹ thuật y tế hiện đại.

Hàn Quốc chú trọng phát triển du lịch thẩm mỹ và công nghệ làm đẹp. Mô hình phát triển của Hàn Quốc dẫn đầu về phẫu thuật thẩm mỹ và trị liệu da, với khoảng 2 triệu khách quốc tế mỗi năm. Phát triển các khu vực chuyên biệt như Gangnam – trung tâm làm đẹp nổi tiếng toàn cầu. Yếu tố thành công đến từ thương hiệu quốc gia và sự hỗ trợ từ Chính phủ. Phẫu thuật thẩm mỹ của Hàn Quốc phát triển gắn liền với làn song Hallyu và văn hóa K-Beauty với sự phát triển của ngành công nghiệp giải trí. Chính phủ đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và chiến dịch quảng bá du lịch y tế.

Singapore đầu tư phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe cao cấp. Mô hình phát triển tập trung vào các dịch vụ cao cấp như điều trị ung thư, ghép tạng, và kiểm tra sức khỏe tổng quát. Các bệnh viện đạt tiêu chuẩn JCI (Joint Commission International) và hợp tác với các trung tâm nghiên cứu y khoa hàng đầu thế giới. Yếu tố thành công có được từ uy tín quốc tế và phát triển các dịch vụ bổ trợ đa dạng. Uy tín về ngành y học của Singapore được xếp hạng cao về chất lượng và dịch vụ. Các dịch vụ bổ trợ như dịch vụ hỗ trợ visa và phiên dịch giúp khách y tế dễ dàng tiếp cận dịch vụ được triển khai thực hiện rất tốt.

Tiềm năng phát triển du lịch y tế tại Việt Nam

Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển loại hình này như chi phí cạnh tranh, tài nguyên thiên nhiên đa dạng. Chi phí y tế và dịch vụ nghỉ dưỡng tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, chỉ bằng 30-40% chi phí tại Singapore hay Thái Lan. Nguồn tài nguyên tự nhiên đa dạng vớ nhiều điểm du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh, như suối khoáng nóng (Kim Bôi, Quang Hanh), bùn khoáng (Nha Trang), hay thảo dược truyền thống. Vị trí địa lý thuận lợi khi Việt Nam nằm gần các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Thực tế vài năm gần đây Việt Nam đã hình thành loại hình du lịch này, tuy nhiên quy mô vẫn còn nhiều hạn chế. Theo số liệu thống kê của ngành du lịch hiện chỉ đón khoảng 80.000 khách y tế quốc tế mỗi năm, con số còn khá thấp so với tiềm năng. Các dịch vụ y tế như nha khoa và phẫu thuật thẩm mỹ đang được quan tâm, nhưng chưa có chiến lược phát triển bài bản.

Bài học áp dụng cho Việt Nam

Phát triển cơ sở hạ tầng y tế đạt chuẩn quốc tế có thể học hỏi từ Singapore với việc đầu tư vào bệnh viện đạt chuẩn JCI để thu hút khách quốc tế. Hợp tác với các tổ chức quốc tế để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và đào tạo bác sĩ.

Xây dựng thương hiệu du lịch y tế có thể nghiên cứu mô hình và học hỏi từ Thái Lan và Hàn Quốc, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe để tạo sản phẩm độc đáo. Định vị Nha Trang, Đà Nẵng là trung tâm du lịch y tế với các dịch vụ nha khoa và thẩm mỹ. Phát triển các điểm đến chữa bệnh bằng suối khoáng và y học cổ truyền như Thanh Hóa, Yên Bái.

Chiến lược marketing và liên kết quốc tế tham khảo kinh nghiệm từ Ấn Độ, xây dựng liên kết với các công ty bảo hiểm và tổ chức y tế toàn cầu để tiếp cận khách hàng quốc tế. Tăng cường quảng bá trên các nền tảng số, tập trung vào thị trường mục tiêu như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.

Hỗ trợ từ chính phủ trong đó Hàn Quốc là điển hình khi chính phủ đóng vai trò hỗ trợ trong việc xây dựng chính sách, quảng bá thương hiệu, và đầu tư hạ tầng. Cải thiện quy trình cấp visa cho khách y tế. Xây dựng các trung tâm thông tin du lịch y tế tại các thành phố lớn.

Du lịch y tế là cơ hội lớn để Việt Nam vừa phát triển ngành du lịch, vừa nâng cao vị thế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Bằng cách học hỏi từ những mô hình thành công trên thế giới, Việt Nam có thể tận dụng các lợi thế sẵn có, đầu tư bài bản và chiến lược để đưa du lịch y tế trở thành mũi nhọn kinh tế trong tương lai.

NLH

 
 
 
EMC Đã kết nối EMC