Biểu diễn nghệ thuật là một hoạt động văn hóa có tính xã hội hóa rất cao. Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật rất phong phú, đa dạng. Loại hình nghệ thuật biểu diễn bao gồm sân khấu, âm nhạc, múa và các hình thức diễn xướng dân gian từ truyền thống đến hiện đại của Việt Nam và thế giới. Hoạt động nghệ thuật biểu diễn là hoạt động tạo ra những sản phẩm nghệ thuật được định hình dưới dạng văn bản, âm thanh, hình ảnh để truyền đạt trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các phương tiện kỹ thuật tới công chúng dưới các hình thức biểu diễn nghệ thuật; lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật. Biểu diễn nghệ thuật là hoạt động thể hiện các loại hình nghệ thuật biểu diễn, thi người đẹp, người mẫu hoặc kết hợp giữa loại hình nghệ thuật biểu diễn với trình diễn thời trang, các hoạt động văn hoá, thể thao [1].

Trong xu hướng toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh của các ứng dụng công nghệ đặc biệt là công nghệ trên nền tảng internet thì mọi hoạt động lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật có tác động gần như tức thời đến đời sống văn hóa, xã hội của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Để đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới đó, nhu cầu chuyển đổi số trong hoạt động lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật là điều rất cần thiết, phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ.

Hiện nay chưa có khái niệm tổng quát về chuyển đổi số để có thể đúng với mọi ngành, mọi lĩnh vực nhưng về góc nhìn công nghệ có thể hiểu chuyển đổi số gắn với nội hàm của 3 từ tiếng Anh[2]: Digitization, DigitalizationDigital Transformation. Digitization, tiếng Việt gọi là số hoá, là số hoá thông tin. Thông tin được số hoá và lưu trữ, xử lý trên máy tính. Digitalization, tiếng Việt gọi là ứng dụng công nghệ thông tin, là số hoá các quy trình. Là số hoá chiều dọc, số hoá các chức năng của một tổ chức (ví dụ các phần mềm ứng dụng trong cơ quan, đơn vị để hỗ trợ hoạt động chuyên môn). Hoạt động này tập trung nhiều về công nghệ nâng cao năng suất lao động. Digital Transformation, tiếng Việt gọi là chuyển đổi số (CĐS), là số hoá toàn bộ tổ chức, 100% hoạt động của tổ chức được chuyển lên trên môi trường số và tiếp theo là thay đổi cách hoạt động của tổ chức. Hoạt động chuyển đổi số sẽ gắn với thay đổi về chiến lược của tổ chức, vận hành của tổ chức…

Như vậy, về góc nhìn công nghệ có thể hiểu Chuyển đổi số trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật của Việt Nam là việc sử dụng công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể, toàn diện tất cả các khía cạnh liên quan đến hoạt động lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật trên lãnh thổ Việt Nam. Hiệu quả của quá trình chuyển đổi số này là nâng cao chất lượng quản lý và cung cấp dịch vụ văn hóa lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật bằng công nghệ đến nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Theo cách hiểu tổng quát này, nhu cầu chuyển đổi số trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật có thể chia thành một số nhóm chính: Thứ nhất là chuyển đổi số phục vụ công tác quản lý nhà nước của ngành, liên ngành bao gồm việc cung cấp dịch vụ công, thống kê số liệu quản lý nhà nước về biểu diễn nghệ thuật. Nhóm công việc này thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về biểu diễn nghệ thuật (có thể) phối hợp với các cơ quan có liên quan (ví dụ cơ quan thống kê, cơ quan kiểm soát an ninh văn hóa…) từ trung ương đến địa phương. Thứ hai là chuyển đổi số trong hoạt động sáng tạo, sản xuất tác phẩm các loại hình nghệ thuật truyền thống và đương đại theo quy định của pháp luật. Thứ ba là chuyển đổi số trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật bao gồm biểu diễn trực tiếp trên sân khấu hoặc qua bản ghi âm, ghi hình trên không gian mạng. Hoạt động này đòi hỏi việc ứng dụng hài hòa nhiều công nghệ để phù hợp với hình thức thể hiện chuyển tải giá trị nghệ thuật đến người xem trên sân khấu hoặc qua internet, truyền hình số, vệ tinh…

Nhóm công việc thứ hai và thứ ba này chủ yếu được thực hiện bởi các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật từ trung ương đến địa phương, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đi kèm trên lãnh thổ Việt Nam.

  1. Chuyển đổi số trong quản lý nhà nước lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật

Hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động biểu diễn nghệ thuật là Cục Nghệ thuật biểu diễn – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các hoạt động quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn gồm[3] : (1) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn sau khi được phê duyệt; (2) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu; (3) Quy định về tổ chức thi và liên hoan các loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp; (4) Cấp, thu hồi giấy phép về biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu theo quy định của pháp luật.

Chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật bao gồm 3 nhiệm vụ chính đó là: Cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến đến người dân và doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ trong hoạt động nội bộ của cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương; ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý nhà nước thuộc chức năng và quyền hạn được phân công trên lãnh thổ Việt Nam.

Hiện nay, các dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật đã được cung cấp dưới dạng mức độ 3 (là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ). Mục tiêu hướng đến mức độ 4 (là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng) [4].

Như vậy, chuyển đổi số trong hoạt động cung cấp dịch công đòi hỏi việc ứng dụng đồng bộ công nghệ từ các hoạt động nội bộ trong cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương, địa phương và cung cấp dịch vụ công trực tuyến đến người dân và doanh nghiệp qua internet.

Ngoài ra, việc chuyển đổi số để nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác quản lý nhà nước lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật còn gắn liền với hoạt động của các cơ quan khác có liên quan ví dụ: Số liệu phục vụ thống kê biểu diễn nghệ thuật trên toàn quốc, số liệu này của các địa phương phải được cập nhật theo định kỳ thông qua hệ thống thông tin tập trung. Tuy nhiên, hiện nay các số liệu này chủ yếu vẫn thông qua bản giấy để tổng hợp, việc chuẩn hóa số liệu thống kê lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật trên phạm vi quốc gia vẫn chưa hoàn thiện. Điều này đặt ra nhu cầu lớn trong việc chuyển đổi số trong công tác thống kê biểu diễn nghệ thuật mà cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện.

  1. Chuyển đổi số trong sáng tạo tác phẩm nghệ thuật

Một trong những đặc trưng của cuộc CMCN lần thứ tư là con người không phụ thuộc hoàn toàn vào thiết bị, máy móc mà chúng sẽ là công cụ để giúp việc phát huy khả năng, trí tuệ, năng lực sáng tạo của con người. Lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được xem là các ngành cung cấp dịch vụ tinh thần cho con người và người nghệ sỹ được xem là một mắt xích quan trọng có tính tiên quyết cho chuỗi cung cấp dịch vụ đó.

Ở nước ta, các thế hệ nghệ sỹ, tác giả có thể đi sau về công nghệ nhưng lại được thừa kế các công nghệ hiện đại của thế giới (đã được thế giới sử dụng và chứng minh sự thành công trước đó) để sáng tạo tác phẩm, sản phẩm. Các văn nghệ sỹ có thể trực tiếp sáng tác tác phẩm mỹ thuật, văn học nghệ thuật ngay trên môi trường mạng, cộng đồng mạng có thể tham gia trong quá trình hoàn thành tác phẩm. Đây là xu hướng tất yếu, thay thế dần cũng như hỗ trợ phương thức sáng tạo truyền thống mà chúng ta vẫn quen thuộc từ rất nhiều năm trước. Hiện nay, các thế hệ nghệ sỹ trẻ từng bước tiếp cận và ứng dụng công nghệ một cách có hiệu quả.

Công nghệ tạo lập và xử lý âm thanh, ánh sáng có thể sản xuất được sản phẩm âm nhạc hoàn toàn bằng điện tử, không phải ghi âm, ghi hình như phương pháp truyền thống… Thậm chí mọi người (nghệ sỹ không chuyên) có thể tham gia sản xuất các sản phẩm văn hóa bằng công nghệ số. Ví dụ, trong sáng tác âm nhạc, một người có thể huýt sáo và hệ thống máy tính có thể lấy tần số, cao độ, trường độ, sắc thái…để chuyển thể thành bản nhạc điện tử. Bản nhạc điện tử này có thể nghe bằng nhiều loại nhạc cụ khác nhau, có thể điều chỉnh bản nhạc trên máy tính mà không phải tốn nhiều giấy mực.

Công nghệ thực tế ảo – VR (virtual reality) có thể giúp con người thông qua kính thực tế ảo (3 chiều) để nhìn thấy không gian ảo về các đối tượng được mô phỏng một cách chân thực nhất. Các thiết bị phần cứng có chức năng tiếp nhận cử chỉ, trạng thái, cảm giác kích thích, hoạt động của con người biến thành các tín hiệu điện tử để tương tác với hệ thống phần mềm trên thời gian thực, có nghĩa là máy tính có khả năng nhận biết được tín hiệu vào của người sử dụng và thay đổi tương ứng ngay lập tức thế giới ảo. Nhờ các thiết bị phần cứng và phần mềm mà việc “ảo hóa tác phẩm” trên “không gian ảo” có tác động toàn diện đến mọi cảm giác của con người như ở trên không gian thực. Trong nhiều trường hợp, chất lượng cảm nhận của con người trên không gian ảo thậm chí còn tốt hơn khi con người ở không gian thực vì thông thường các công nghệ hỗ trợ sẽ điều chỉnh (theo hướng tốt lên) để phù hợp nhất với đặc tính các giác quan, tâm lý của con người.

Công nghệ thực tế ảo sẽ là một trong những xu hướng ứng dụng công nghệ rất quan trọng trong sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật. Khi một số loại nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một (có thể bị thất truyền). Người nghệ sỹ có thể ứng dụng công nghệ để mô hình hóa, mô phỏng các động tác để số hóa, lưu trữ các động tác liên quan đến hình thể (như lĩnh vực, diễn xuất…) của các nghệ sỹ nổi tiếng hoặc tạo dựng một tác phẩm của “nghệ sỹ ảo”. Không gian biểu diễn nghệ thuật không chỉ là ở nhà hát mà hoàn toàn có thể qua không gian mạng thì việc ứng dụng công nghệ mới để sáng tạo tác phẩm nghệ thuật và “biểu diễn” trên không gian ảo, nhà hát ảo … với âm thanh, hình ảnh chất lượng rất cao, thậm chí chất lượng hơn việc nghe – nhìn trực tiếp ở bên ngoài vì chúng đã được công nghệ xử lý nhiễu để tập trung vào thông điệp và đích đến của thông điệp cần chuyển tải. Điều này đã đặt ra cho các nghệ sỹ, người sáng tạo nghệ thuật các yêu cầu bức bách về ứng dụng công nghệ. Đây là xu hướng tất yếu!

Một ví dụ về chuyển đổi số này là Lễ khai mạc SEA Games 31, để tạo hiệu ứng hấp dẫn cho các tiết mục, ê-kíp sáng tạo sử dụng các công nghệ trình chiếu hình ảnh mới nhất hiện nay như công nghệ trình chiếu hình ảnh đồ họa (Mapping), công nghệ thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality – AR), công nghệ thực tế mở rộng (Extended Reality – EX) bao gồm thực tế tăng cường (AR- Augmented Reality), thực tế ảo (VR-Virtual Reality), hay thực tế hỗn hợp (MR-Mixed Reality). Màn trình chiếu mapping với biểu tượng của 40 môn thể thao các quốc gia được thể hiện bằng hình thức tranh Đông Hồ là một trong những điểm nhấn về ứng dụng công nghệ trong sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật.

Như vậy, chuyển đổi số trong sáng tạo tác phẩm nghệ thuật phải được thực hiện thông qua những hạt nhân về nghệ thuật đó là các nghệ sỹ chuyên nghiệp, các đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức được phép hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật trên lãnh thổ Việt Nam, theo pháp luật Việt Nam.

Dương Viết Huy



[1] Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn

[2] Bộ Thông tin và Truyền thông

[3] Nghị định số 79/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

[4] Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ Quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước