Việt Nam – EU: Thúc đẩy hợp tác thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia
Chiều ngày 31/5, Thứ trưởng Lê Công Thành có buổi tiếp và làm việc với ông Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam cùng đại diện các Đại sứ quán các nước châu Âu tại Việt Nam trao đổi về các vấn đề liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại buổi tiếp, ông Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu cũng như Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Ông Bruno Angelet cho biết, phía EU mong muốn trao đổi thông tin liên quan đến tình hình thực hiện NDC cũng như quan điểm, định hướng của Việt Nam đối với vấn đề biến đổi khí hậu trong thời gian tới.
“Chúng tôi biết Việt Nam đã cam kết tự thực hiện cắt giảm 8% phát thải khí nhà kính và có thể đạt 25% khi có thêm hỗ trợ quốc tế so với kịch bản phát triển thông thường giai đoạn 2021-2030. Chúng tôi muốn biết thêm tình hình thực hiện NDC hay những mục tiêu lớn hơn của Việt Nam trong thời gian tới.” – Ông Bruno Angelet nói.
Trao đổi với phái đoàn EU, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam trong NDC. Trước mắt, Việt Nam vẫn đặt mục tiêu cắt giảm 8% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường. Các Bộ, ngành, địa phương đang xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện mục tiêu này. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định quy định lộ trình và phương thức tham gia giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
“Các hành động này đang thể hiện quyết tâm lớn của Chính phủ Việt Nam khi thực hiện các cam kết với quốc tế. Nền kinh tế Việt Nam cũng đang phát triển và trong quá trình chuyển đổi nhằm đạt được các mục tiêu lớn hơn trong giảm phát thải.” – Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam cũng đang rà soát, cập nhật NDC của mình nhằm đưa ra các đóng góp thể hiện được nỗ lực cao nhất và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của quốc gia. Việc rà soát, cập nhật NDC được tiến hành cho tất cả các lĩnh vực gồm: năng lượng (bao gồm cả giao thông vận tải); nông nghiệp; sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và rừng (LULUCF); chất thải. Đồng thời, Chính phủ cũng xem xét bổ sung, cập nhật các nội dung về thích ứng với biến đổi khí hậu, đánh giá tác động kinh tế xã hội của các phương án giảm phát thải khí nhà kính, lồng ghép giới trong NDC, đồng lợi ích giữa thích ứng và giảm phát thải khí nhà kính…
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang cùng các Bộ ngành và đối tác phát triển xây dựng Chương trình hỗ trợ thực hiện NDC (NDC-IP) tiếp nối Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) từ năm 2020 phù hợp với tình hình thực tế, tập trung vào hỗ trợ đạt được các mục tiêu của NDC.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng thông tin thêm, Bộ đã trình Chính phủ về việc Việt Nam phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, nhằm cùng các nước thành viên tham gia loại trừ các chất HFC, tránh cho nhiệt độ Trái Đất gia tăng 0,5 độC vào năm 2100.
Trao đổi về nội dung phía EU quan tâm về phát triển năng lượng tái tạo, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, với vai trò quản lý về môi trường, Bộ sẽ có ý kiến với Chính phủ về giảm dần sản xuất nhiệt điện dựa vào năng lượng hóa thạch và tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo. “Hiện nay, Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ về năng lượng tái tạo, cụ thể là năng lượng mặt trời. Đây là bước phát triển tốt nhằm tạo đà cho Chính phủ rà soát và tăng cường tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới.” – Thứ trưởng Lê Công Thành nói.
Kết thúc buổi tiếp, hai bên nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu để giúp Việt Nam tăng cường hơn nữa các cam kết của mình trong NDC.
Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137