Nếu có lộ trình và hướng đi đúng đắn, công nghệ “Make in Viet Nam” sẽ vươn tầm thế giới và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp lớn vào GDP quốc gia.Trình bày tham luận góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định ngành TT&TT sẽ nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số mọi mặt kinh tế-xã hội trên cơ sở tập hợp, phát huy sức mạnh của toàn xã hội.
“Lĩnh vực TT&TT sẽ tạo nền móng cho chuyển đổi số, phát triển đồng bộ cả 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số, và xã hội số; góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới vào năm 2030”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Để đạt được các mục tiêu trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trước hết Việt Nam cần làm chủ hạ tầng số, bởi hạ tầng số đóng vai trò quyết định trong phát triển kinh tế số, xã hội số. Thứ hai, phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chính phủ số, chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả.
Theo Bộ trưởng TT&TT, Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định phát triển kinh tế tư nhân ở hầu hết các lĩnh vực, và kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Các nền tảng “Make in Viet Nam” sẽ gánh vác trên vai sứ mệnh lớn lao, đó là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ thực hiện chuyển đổi số. Để thực hiện mục tiêu chiến lược đó, ngành TT&TT đặt mục tiêu phát triển doanh nghiệp công nghệ số, cứ 1.000 người dân/1 doanh nghiệp công nghệ số.
“Tôi nghĩ rằng đã đến lúc người Việt phải có công nghệ của riêng mình”, anh Trịnh Công Duy, kiến trúc sư trưởng của dự án Map 4D – đạt giải Nhì tại Cuộc thi Viet Solutions 2020 tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia dành cho các cá nhân, doanh nghiệp trên toàn cầu do Bộ TT&TT và Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) phối hợp tổ chức. Đó là lý do nhóm kỹ sư công nghệ thông tin người miền Trung tạo ra một bản đồ thuần Việt, do người Việt làm chủ nhưng có những tiện ích mà các đối thủ toàn cầu chưa có.
Với hơn 300 sản phẩm dự thi từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, Map 4D giành chiến thắng rõ ràng không phải vì nó là sản phẩm Việt. Map 4D được đánh giá cao bởi những điểm khác biệt mà các bản đồ khác không có.
Map 4D được xây dựng bằng nhiều lớp dữ liệu như đường phố, môi trường, nhiệt độ, nhà hàng, quy hoạch đô thị, giao thông. Trên một nền tảng bản đồ 3D, người dùng có thể quan sát được mọi góc cạnh của 1 vật thể, so sánh chúng với quá khứ, thậm chí là các dự án trong tương lai nếu có. Công nghệ VR360 còn cho phép đi sâu vào tòa nhà thông qua những hình ảnh thực tế nhất.
Nói một cách dễ hiểu, trên một nền tảng bản đồ tương tự như Google Maps hay Here Maps, người dùng có thể biết thời tiết ở khu vực này đang mưa hay nắng, khu vực kia có quy hoạch như thế nào trong tương lai. Thậm chí, trong siêu thị có những hàng hóa gì cũng có thể được hiển thị trên bản đồ.
Cũng là một sản phẩm “Make in Viet Nam”, ứng dụng công chứng online có tên CCOL tại
website www.congchungtructuyen.vn đã được lưu hành, giúp các tổ chức hành nghề công chứng có thể hạn chế tụ tập đông người, hạn chế lây lan dịch bệnh, đồng thời cũng giúp cho khách hàng không phải chờ đợi quá lâu.
Đây là một giải pháp hay và thực sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay, khi mà dịch COVID-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp và cuộc công chứng mua bán nhà hôm 27/1 của cô giáo Hải Dương trong hơn 1h đồng hồ biến đây trở thành nơi lây nhiễm COVID-19 cho ít nhất 2 người ở Hà Nội và hàng chục trường hợp F1.
Thông qua ứng dụng kết nối công chứng trực tuyến CCOL, người dân chỉ cần ngồi ở nhà thao tác trực tuyến để lựa chọn sử dụng dịch vụ, giúp giảm tụ tập có thể lây nhiễm chéo cho mọi người và tiết kiệm tối đa thời gian. Chỉ với 3 bước đơn giản, người dùng có thể dễ dàng gửi hồ sơ, tài liệu, lựa chọn công chứng viên, thời gian thực hiện công chứng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam là một thị trường của gần 100 triệu dân, có khả năng tiếp cận với thị trường ASEAN gần 600 triệu dân, thị trường RCEP hơn 2 tỷ dân và nhiều thị trường quan trọng khác.
Nếu có lộ trình và hướng đi đúng đắn, công nghệ “Make in Viet Nam” sẽ vươn tầm thế giới và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp lớn vào GDP quốc gia. Chuyển đổi số và “Make in Viet Nam” sẽ là con đường đúng đắn và bền vững nhất để nâng tầm và đưa sản phẩm Make in Viet Nam tiếp cận với các thị trường ngoài nước.
Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84