Khai mạc Diễn đàn Internet Việt Nam năm 2017

Sáng ngày 27/11, Diễn đàn Internet Việt Nam 2017 (VIF17) đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Sự kiện do Đại sứ quán Thụy Điển và Bộ TT&TT đồng tổ chức. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải đã tham dự và phát biểu tại sự kiện.

Được tổ chức lần đầu tiên với chủ đề “Digital For Good” (Công nghệ số cho những điều tốt đẹp), VIF17 hướng tới cung cấp nền tảng để trao đổi việc tận dụng Internet như một phương thức cung cấp thông tin, thúc đẩy sự phát triển và mở ra những cơ hội mới đầy tiềm năng cho tất cả các thành phần trong xã hội.

 Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực của Đại sứ quán Thụy Điển và các cơ quan trong nước, quốc tế tổ chức Diễn đàn. Thứ trưởng nhận định, trong những năm qua, với sự phát triển vượt bậc của CNTT-TT nói chung và Internet nói riêng, hàng tỷ người trên toàn thế giới đã cùng nhau biến Internet thành một nền tảng gắn kết mọi người, mọi nguồn lực tại các quốc gia. Internet đã và đang đóng vai trò quan trọng trong mọi mặt của cuộc sống, từ cuộc sống hàng ngày của người dân, hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp đến hoạt động của cơ quan Nhà nước, Chính phủ. Sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của Internet, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), các thiết bị di động thông minh đã thúc đẩy quá trình kết nối, chia sẻ thông tin, tri thức và liên kết hàng tỷ người trên khắp thế giới lại với nhau.

 Trong 20 năm phát triển, Việt Nam hiện có khoảng trên 50 triệu người  dùng Internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình của thế giới, nằm trong số những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất tại châu Á. Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết, hiện nay, Chính phủ, Bộ TT&TT đang nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của Internet, công nghiệp nội dung số và ứng dụng giá trị gia tăng trên Internet, song hành cùng sự phát triển của nhiều loại hình dịch vụ, mang lại sự tiện ích và hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp.

 Theo Thứ trưởng Phạm Hồng Hải, bên cạnh những lợi ích, những thay đổi to lớn, mạnh mẽ mà chúng ta chứng kiến, hiện nay các nước trên thế giới đều quan tâm và lưu ý hơn về mặt trái, về các thách thức như an ninh thông tin, thông tin độc hại, những tác động tiêu cực về văn hóa xã hội. Hiện nay, lượng thông tin xấu, độc trên Internet và mạng xã hội ngày càng nhiều, vấn nạn tấn công mạng, mất an toàn thông tin như thư rác, mã độc tống tiền đang nhằm vào nhiều cơ quan, tổ chức doanh nghiệp tại Việt Nam, hiện đang gia tăng cả về số lượng và quy mô.

 Các nước châu Âu cũng đã và đang có nhiều quy định liên quan đến việc sử dụng Internet nhằm hạn chế những tác động tiêu cực, bảo vệ quyền riêng tư và ngăn chặn việc sử dụng Internet cho các mục đích phá hoại, khủng bố… Đối với các nhà cung cấp dịch vụ mạng viễn thông và mạng xã hội, EU cũng ban hành các biện pháp ngăn chặn được việc lợi dụng mạng xã hội để phát tán tin tức giả mạo và phá hoại.

 Thứ trưởng Phạm Hồng Hải hy vọng Diễn đàn sẽ thảo luận xung quanh đóng góp của Internet vào một xã hội sáng tạo, bền vững và cởi mở, tiếp tục là dịp cho các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam trao đổi, tham khảo kinh nghiệm, các mô hình đã áp dụng hiệu quả của các nước nói chung và Thụy Điển nói riêng để xác định xu hướng phát triển trong giai đoạn tới.

 Đại diện Ban tổ chức cho biết, Diễn đàn Internet Việt Nam được tổ chức với mong muốn trở thành một sự kiện thường niên để các thành viên chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, đại diện cộng đồng, giới học giả, lãnh đạo doanh nghiệp, doanh nhân xã hội, nhà đầu tư và các bên liên quan khác cùng thảo luận về những tiềm lực của Internet trong việc đóng góp và phát triển cộng đồng nơi chúng ta đang sống, tạo ra một xã hội cởi mở, bền vững và sáng tạo. Chương trình năm nay sẽ tập trung trao đổi về các chủ đề như Chính phủ điện tử, Dữ liệu Mở cho đến các vấn đề như Thành phố Thông minh hay Truyền thông Mạng xã hội….

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200 201