Nguy cơ mất an toàn thông tin khi sử dụng mạng WiFi

Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) mới đưa ra cảnh báo nguy cơ mất an toàn thông tin trên các thiết bị sử dụng mạng không dây (WiFi).

Cụ thể, ngày 16/10, trên trang web của nhà nghiên cứu bảo mật Mathy Vanhoef (www.krackattacks.com) đã công bố một nhóm lỗ hổng trong giao thức WPA/WPA2, một giao thức được coi là an toàn nhất với WiFi hiện nay cho phép thực hiện kỹ thuật tấn công KRACKs (Key Reinstallation Attacks).

Theo đó, các đối tượng tấn công có thể nghe lén, giải mã giao thức mã hóa và đọc được nội dung của các gói tin mà trước đây được cho là an toàn. Lỗ hổng này có thể bị lợi dụng để đánh cắp các thông tin cá nhân, thông tin nhạy cảm như tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, tài khoản mạng xã hội, tài khoản trực tuyến, thông tin riêng, nội dung chat, thư điện tử, hình ảnh, video… được truyền qua mạng không dây.

Nhà chức trách cho hay, lỗ hổng này tồn tại trong chính nội tại của giao thức WiFi chứ không liên quan đến các sản phẩm hay cách thức triển khai mô hình mạng. Như vậy, bất cứ thiết bị mạng không dây nào sử dụng giao thức mã hóa WPA/WPA2 đều có thể là mục tiêu của tấn công.

Theo đánh giá từ các chuyên gia, các thiết bị Android, Linux, Apple, Windows, OpenBSD, MediaTek, Linksys và nhiều thiết bị khác cũng có thể bị tấn công bằng việc điều chỉnh cách thức tấn công KRACKs phù hợp.

Tùy thuộc vào cấu hình của hệ thống mạng, đối tượng tấn công thậm chí còn có thể thay đổi nội dung gói tin, hay đính kèm mã độc tống tiền, mã độc gián điệp vào các gói tin và để người dùng tự lây nhiễm.

Bảo vệ cách nào?

Để bảo đảm an toàn thông tin và phòng tránh việc đối tượng lợi dụng lỗ hổng để thực hiện những cuộc tấn công mạng nguy hiểm, Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dùng cần thường xuyên theo dõi các bản cập nhật trên các thiết bị cầm tay, các thiết bị di dộng, trình điều khiển card WiFi của máy tính và các thiết bị phát sóng Wi-Fi để cập nhật ngay khi có các bản vá mới.

Cùng lúc, cần phải cẩn trọng khi sử dụng WiFi, đặc biệt là WiFi công cộng, chỉ truy cập các trang web sử dụng giao thức bảo mật HTTPS và thận trọng khi nhập thông tin các tài khoản cá nhân, hay các thông tin nhạy cảm khác trên các trang web.

Người dùng cũng nên tiếp tục duy trì giao thức mã hóa WPA/WPA2 cho các thiết bị phát sóng không dây sử dụng tại gia đình kết hợp với mật mã ở mức độ khó cao. Lý do là bởi đây vẫn là giao thức mã hóa an toàn nhất hiện nay, có thể ngăn chặn được các hình thức tấn công giải mã khác.

Các cơ quan, tổ chức cũng cần cảnh báo tới người dùng và thực hiện các biện pháp như trên.

Bên cạnh đó, các tổ chức phải chủ động theo dõi thông tin từ cơ quan chức năng để kịp thời cập nhật các bản vá cho các thiết bị mạng của mình; liên hệ ngay với nhà chức trách cũng như các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực an toàn thông tin để được hỗ trợ khi cần thiết.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200 201