93/ APEC 2017: Thắt chặt quan hệ đối tác thương mại song phương Việt Nam-Singapore

Sau khi Chính phủ Việt Nam và Singapore thống nhất nâng mức quan hệ lên tầm đối tác chiến lược, thương mại hàng hóa song phương giữa hai nước luôn đạt tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Không dừng lại ở đó, Singapore còn tích cực hỗ trợ Việt Nam xây dựng chương trình nghị sự chuẩn bị cho APEC 2017.

*Bạn hàng lớn

Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Singapore trong năm 2016 đạt gần 20 tỷ SGD, tương đương gần 14 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt trên 4 tỷ SGD, tương đương gần 3 tỷ USD và nhập khẩu từ Singapore đạt gần 15,7 tỷ SGD, tương đương trên 11 tỷ USD. Vì thế, Việt Nam vẫn tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Singapore.

Các chuyên gia thương mại cho biết, năm 2016 nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang Singapore đều giảm so với năm ngoái. Trong đó, mặt hàng xăng dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ giảm mạnh tới 782%, chỉ đạt 223 triệu SGD.

Ngoài ra các mặt hàng có mức giảm trên dưới 20% như: khoáng sản; gạo và ngũ cốc; đồ uống và rượu; máy quang học và dụng cụ đo lường; giầy dép; giấy và các sản phẩm từ giấy… Một số mặt hàng giảm nhẹ bao gồm nhựa và các sản phẩm từ nhựa; máy móc thiết bị linh kiện phụ tùng…

Tuy nhiên, vẫn có một số mặt hàng có tăng trưởng cao như: các sản phẩm từ sắt thép tăng đột biến tới 468%, đạt 172 triệu SGD. Thép cũng là mặt hàng xuất khẩu đứng thứ 20 đã vươn lên thành mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 5 sang Singapore. Bên cạnh đó, mỡ dầu động thực vật tăng mạnh trên 87%, đạt 39 triệu SGD; đồ da và túi du lịch các loại tăng 24%, đạt 41 triệu SGD; thuốc lá và nguyên liệu tăng 29%, đạt 81 triệu SGD; các sản phẩm thủy tinh và kính xây dựng tăng 20%, đạt 449 triệu SGD, thủy sản tăng 5%, đạt 103 triệu SGD, rau quả tăng 9%, đạt gần 30 triệu SGD….

Theo phân tích từ giới chuyên gia, nguyên nhân của cán cân thương mại hai nước giảm hơn trước do nền kinh tế của Singapore suy giảm trong năm 2016, chỉ đạt mức tăng trưởng 1,8% khiến thương mại hai chiều giữa Singapore và các đối tác chủ yếu đều giảm. Dù vậy, Singapore vẫn là đối tác thương mại lớn của Việt Nam trên toàn thế giới và chỉ đứng sau Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc… Đồng thời, là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong số các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Bên cạnh đó, Việt Nam và Singapore cũng có nhiều điểm tương đồng và có sự phối hợp tích cực tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ ASEAN, APEC, ASEM… Cả hai bên cũng đang nỗ lực hiện thực hóa chủ trương để không chỉ kết nối hai nền kinh tế mà còn kết nối giữa các nền kinh tế trong khu vực ASEAN.

Đáng lưu ý là đầu tư trực tiếp từ Singapore vào Việt Nam liên tục tăng từ năm 1998. Do đó, Singapore tiếp tục là nhà đầu tư lớn của Việt Nam (đứng thứ 3/101 nước và vùng lãnh thổ) với tổng vốn 39 tỷ USD. Đặc biệt, Singapore chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng.

Nhận định từ giới chuyên gia cho thấy, hầu hết các dự án của nhà đầu tư Singapore tại Việt Nam hoạt động hiệu quả, đóng góp lớn vào việc tạo công ăn việc làm, tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Điển hình trong số các dự án của Singapore tại Việt Nam là Công ty liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam- Singapore (VSIP).

Thương vụ Việt Nam tại Singapore cũng cho biết, theo thỏa thuận về Hiệp định khung về Kết nối Việt Nam – Singapore, các cuộc họp cấp Bộ trưởng Công Thương được tổ chức định kỳ (8 tháng) và luân phiên tại mỗi nước để rà soát tình hình triển khai Hiệp định và hoạch định phưong hướng hợp tác tiếp theo. Cho tới nay, hai bên đã họp được 12 kỳ, kỳ thứ 11 được tổ chức ngày 16-17/4/2015 tại Thừa Thiên – Huế và kỳ thứ 12 tại Singapore (tháng 9/2016).

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), bên cạnh việc tăng trưởng hai nước luôn đạt bình quân trên 12%/năm, Singapore còn là thị trường nhập khẩu 90% lương thực, thực phẩm để đáp ứng nhu cầu trong nước. Do vậy, đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam phát huy thế mạnh về sản xuất với các sản phẩm về gạo, cà phê, chè, các loại rau quả và sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Cùng đó, các doanh nghiệp Singapore lại có thế mạnh về khâu chế biến, đóng gói, gia tăng giá trị… và đặc biệt là có quan hệ về thị trường khá rộng rãi. Bowirm Singapore được ví như một trung tâm trung chuyển hàng hóa đi các nơi trên thế giới cùng với các thế mạnh về kinh nghiệm quản lý, chế biến và tiếp thị ra thị trường. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng cơ hội tiếp cận các thị trường ASEAN thông qua Singapore.

*Thắt chặt liên kết

Để thắt chặt mối quan hệ giữa hai nước, nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng nước Cộng hòa Singapore Lý Hiển Long và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21-24/3.

Dự kiến, hai bên sẽ trao đổi các phương hướng chiến lược, biện pháp cụ thể nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược trong thời gian tới, bắt kịp với những chuyển biến nhanh chóng hiện nay của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bên cạnh đó, hỗ trợ lẫn nhau phát triển bền vững, thịnh vượng, thúc đẩy hợp tác giữa hai nước tại các diễn đàn đa phương; trong đó có ASEAN, APEC, ASEM và Liên Hợp quốc.

Trước đó, ngày 20/5/2016 tại cuộc hội kiến với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ mọi mặt với Singapore. Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang nhập siêu lớn từ Singapore. Do vậy, Việt Nam đề nghị Singapore tạo điều kiện hơn nữa cho các loại hàng Việt Nam có thế mạnh như nông-thủy sản, may mặc nhằm giúp cân bằng cán cân thương mại.

Để khai thác tốt hơn nữa mối quan hệ mang tầm đối tác chiến lược của hai nước, theo các chuyên gia vẫn cần một số giải pháp cấp thiết. Trong đó, Singapore có thế mạnh về vốn, nghiên cứu phát triển, công nghệ và thị trường. Ngược lại, Việt Nam cũng có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, lao động và thị trường… Do đó, cần dựa vào những lợi thế của mỗi bên để hướng mối quan hệ hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước sẽ đi theo hướng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Mặt khác, phải nâng cấp hiệu quả cơ chế hợp tác kinh tế hiện có; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước phát triển đầu tư kinh doanh vào thị trường của nhau thông qua hỗ trợ các hoạt động hợp tác xúc tiến đầu tư và thương mại, thúc đẩy phương thức hợp tác mới, nhất là các hình thức đối tác công tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng của Việt Nam.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh thêm, việc chủ động thu hút đầu tư từ các Tập đoàn xuyên quốc gia có trụ sở đặt tại Singapore để hút vốn vào các lĩnh vực như y tế, giáo dục, phát triển hạ tầng, công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, dịch vụ lưu trú, du lịch… Xác định các dự án then chốt có tính chất động lực để tập trung sức lực triển khai thực hiện, đặc biệt là các dự án về khu công nghiệp, khu đô thị, logictics… Các lĩnh vực này đã được triển khai rất tốt trong thời gian qua và được xem là hình mẫu để phát triển.

Ngoài ra, hai bên cần tạo ra một cơ chế trao đổi thông tin định kỳ cũng như cung cấp thông tin về tình hình và khuynh hướng phát triển kinh tế – xã hội. Cùng đó là môi trường chính sách pháp luật của mỗi bên để làm cơ sở dữ liệu cung cấp cho doanh nghiệp trong quá trình thâm nhập môi trường, tìm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, xúc tiến đầu tư và thắt chặt mối quan hệ hơn nữa./.

Nguồn: Bnews

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199