05

Triển khai nhiệm vụ công tác văn hóa, văn nghệ năm 2021 có trọng tâm, trọng điểm(TG)- Căn cứ Hướng dẫn số 173-HD/BTGTW, ngày 1/2/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương về “Công tác văn hóa, văn nghệ năm 2021” và tình hình, điều kiện thực tiễn, các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; coi trọng chất lượng, hiệu quả, tạo sức lan tỏa, tác động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.CHỦ ĐỘNG, TÍCH CỰC CHỈ ĐẠO, HƯỚNG DẪN, ĐỊNH HƯỚNG CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, VĂN NGHỆ

Năm 2020 là năm diễn ra nhiều sự kiện lớn gắn với các chương trình, hoạt động văn hóa, văn nghệ; đồng thời là năm diễn ra đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; năm tiếp tục diễn ra đại hội các hội văn học, nghệ thuật và Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam.

Thực hiện Hướng dẫn số 122-HD/BTGTW, ngày 12/2/2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương về công tác văn hóa, văn nghệ năm 2020, các cấp, các ngành, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn nghệ, triển khai có trọng tâm, trọng điểm, đạt nhiều kết quả.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ được các ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy các cấp quan tâm, chú trọng; thường xuyên chỉ đạo, định hướng kịp thời, vừa đảm bảo việc phòng, chống dịch bệnh, vừa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Trong năm, nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức, gắn với hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; tập trung vào các hoạt động lớn như: hoạt động mừng Xuân Canh Tý; kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng; 75 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 255 năm Ngày sinh (1765 -2020) và tưởng niệm 200 năm Ngày mất (1820- 2020) Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du… với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: tổ chức các chương trình nghệ thuật, cầu truyền hình, triển lãm, trưng bày, chiếu phim, tuyên truyền cổ động, cuộc thi… Năm 2020 là năm gắn với kỷ niệm năm tròn, năm chẵn ngày thành lập tỉnh, thành và ngày kỷ niệm các sự kiện lớn của một số địa phương, đơn vị. Cấp ủy, chính quyền đã tập trung chỉ đạo, tổ chức nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng kỷ niệm.

Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều chương trình, hoạt động lớn, tiêu biểu như: Chương trình cầu truyền hình trực tiếp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam “Ánh sáng niềm tin”; Chương trình cầu truyền hình trực tiếp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh “Hồ Chí Minh – Sáng ngời ý chí Việt Nam”; triển lãm với chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”, “Những tấm gương bình dị mà cao quý”…; tổ chức Hội nghị “Gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ” nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập ngành Tuyên giáo của Đảng, với gần 200 đại biểu tham dự….

Nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19, Ban Tuyên giáo Trung ương đã khích lệ, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước cùng các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và địa phương tích cực tổ chức nhiều hoạt động thiết thực; sáng tạo nhiều tác phẩm có ý nghĩa, góp phần cổ vũ, tuyên truyền cho công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Các ban, bộ, ngành Trung ương, Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy tham mưu cho cấp ủy tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ thiết thực nhằm chia sẻ, đồng hành với công tác phòng, chống dịch Covid-19, tiêu biểu như Đà Nẵng, Hà Nội, Tây Ninh, Cục Tuyên huấn, Bộ Công an…

Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tích cực trong việc vận động các nhạc sĩ sáng tác và tổ chức biên soạn, xuất bản tập ca khúc “Niềm tin” ngay trong những ngày đầu tháng 4/2020; xây dựng kế hoạch, tổ chức thành công chương trình âm nhạc trực tuyến “Niềm tin – Chúng ta là người chiến thắng”, giới thiệu các ca khúc viết về đề tài phòng, chống dịch Covid-19, tạo ấn tượng sâu sắc, góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng trước dịch bệnh; đồng thời tăng thêm sức mạnh tinh thần, niềm tin vào cuộc sống; cổ vũ, động viên các lực lượng trên mặt trận phòng, chống dịch.

Nhiều tác phẩm thuộc lĩnh vực sân khấu, nhất là các thể loại Chèo, Cải lương được các nghệ sĩ, hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sáng tác, quảng bá trên các phương tiện truyền thông, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Hội Mỹ thuật Việt Nam cùng các nghệ sĩ tạo hình trong và ngoài nước đã sáng tác nhiều tác phẩm mỹ thuật, phần lớn là các tranh cổ động, áp phích (như bộ tem “Chung tay phòng chống Dịch Covid-19”; các áp phích với khẩu hiệu “Ở nhà là yêu nước”, “Chống dịch như chống giặc”…). Các tác phẩm này được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, báo chí, trên các mạng xã hội và trưng bày tại các điểm công cộng, nhằm cổ động, khơi dậy tình yêu đất nước, tinh thần đoàn kết trong thời điểm khó khăn của đất nước.

Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã tổ chức buổi lễ phát động, kêu gọi các hội viên, nhà báo và những người yêu nhiếp ảnh trên toàn quốc tham gia triển lãm ảnh về đề tài “Việt Nam phòng, chống dịch Covid-19 qua ống kính nhiếp ảnh”; phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội tổ chức triển lãm ảnh thời sự – nghệ thuật với chủ đề “Việt Nam phòng, chống dịch Covid-19”.

Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức cuộc thi “Thiết kế ý tưởng kiến trúc bệnh viện dã chiến”…

TRIỂN KHAI NHIỀU HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ CÁC CẤP, TIẾN TỚI ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Năm 2020 là năm diễn ra đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Vì vậy, công tác tuyên truyền, tổ chức các chương trình, hoạt động văn hóa, văn nghệ trước, trong và sau đại hội Đảng các cấp là nhiệm vụ trọng tâm, được cấp ủy các cấp quan tâm chỉ đạo sát sao. Căn cứ Hướng dẫn số 123-HD/BTGTW, ngày 28/02/2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ban Tuyên giáo các địa phương, đơn vị tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ đại hội Đảng ở địa phương, đơn vị; định hướng, chỉ đạo tuyên truyền theo từng thời điểm, từng cấp.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng đại hội Đảng các cấp được các ban, ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng; coi trọng chất lượng và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị và tình hình phòng, chống dịch bệnh, tập trung vào các hoạt động: tuyên truyền cổ động trực quan (pano, khẩu hiệu, chiếu phim, triển lãm, chương trình nghệ thuật, hội thi, hội diễn…), các hoạt động tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng…

Việc tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ có sức lan tỏa rộng rãi, tạo sự phấn khởi, đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng vào sự thành công của đại hội Đảng các cấp. Sau thành công đại hội đảng bộ các cấp, cấp ủy các địa phương, ban, ngành, đoàn thể tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các phong trào thi đua yêu nước, hướng tới chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Bắc Ninh tổ chức tuyên truyền 36 buổi tại 8 huyện, thị, thành phố; 70 buổi chiếu phim tư liệu, ca nhạc; phát hành số đặc biệt Tạp chí Người Kinh Bắc chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh, đại hội đảng bộ các cấp; tổ chức Trại sáng tác “Chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX và đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025”; Triển lãm mỹ thuật, ảnh nghệ thuật, kiến trúc “Bắc Ninh – bản sắc và phát triển”; xét giải tranh cổ động chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh; phát hành nhiều ấn phẩm chào mừng Đại hội….Điện Biên tổ chức chương trình văn hóa, văn nghệ chào mừng khai mạc và thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; triển lãm ảnh “Đảng bộ tỉnh Điện Biên – dấu ấn một nhiệm kỳ”; chiếu phim ca ngợi Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh…Tây Ninh thực hiện gần 3.000 pa nô, khẩu hiệu treo trụ đèn, 4 pa nô chiến lược, 68 cụm pa nô, 4.000 cờ các loại, 5 cụm tiểu cảnh, 5 màn hình LED, in 1.000 sách phóng sự ảnh “Tây Ninh qua một nhiệm kỳ 2015-2020”; gần 150 buổi thông tin tuyên truyền lưu động; 04 chương trình nghệ thuật; 15 cuộc triển lãm…

Vĩnh Phúc: thực hiện phim tài liệu “Đảng bộ Vĩnh Phúc – dấu ấn một chặng đường”; tổ chức cuộc thi sáng tác tranh cổ động, tổ chức trên 30 đợt tuyên truyền cổ động, 120 buổi phát thanh lưu động và biểu diễn nghệ thuật, 5 cuộc triển lãm; xuất bản tập thơ chào mừng Đại hội đại biểu tỉnh lần thứ XVII, 48 buổi chiếu phim phục vụ nhiệm vụ chính trị; tổ chức Liên hoan văn nghệ quần chúng chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII với chủ đề “Sáng mãi niềm tin với Đảng”…

Đảng ủy Khối các cơ quan TW: tổ chức Liên hoan tuyên truyền ca khúc cách mạng năm 2020 “Sáng mãi niềm tin theo Đảng”; Đoàn Khối xây dựng chương trình văn nghệ “Tuổi trẻ Khối các cơ quan TW tự hào tiến bước dưới cờ Đảng”…

TÍCH CỰC THAM MƯU CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC SƠ KẾT, TỔNG KẾT CÁC CHỈ THỊ, NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG VỀ VĂN HÓA, VĂN NGHỆ

Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã bám sát Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, tham mưu cho cấp ủy xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo, tiến hành sơ kết, tổng kết Chỉ thị 41-CT/TW và Chỉ thị 46-CT/TW đảm bảo yêu cầu. Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI, sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội được tăng cường, đạt những kết quả quan trọng. Nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội được nâng cao; nhận thức và ý thức, trách nhiệm của đa số cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân khi tham gia các hoạt động lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực. Các ban, bộ, ngành Trung ương quan tâm hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị. Cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đưa nội dung quản lý và tổ chức lễ hội vào chương trình, kế hoạch, nghị quyết của đơn vị; ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể và kịp thời chấn chỉnh những vi phạm. Hoạt động lễ hội ngày càng đi vào nền nếp, đảm bảo đúng quy định, được tổ chức trang trọng, thiết thực, phù hợp với thuần phong mỹ tục; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử tốt đẹp của dân tộc; có ý nghĩa giáo dục, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần lành mạnh của các tầng lớp nhân dân. Việc phân cấp quản lý, tổ chức lễ hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong quá trình tổ chức lễ hội có nhiều chuyển biến. Công tác xã hội hóa nguồn lực để tổ chức lễ hội ngày càng phát huy hiệu quả.  Những hạn chế, tiêu cực, biến tướng trong các hoạt động lễ hội giảm đáng kể.

Thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”, cấp ủy các địa phương, đơn vị đã tích cực, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, đạt nhiều kết quả. Huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp xã hội trong việc triển khai, thực hiện Chỉ thị; nâng cao ý thức cảnh giác, tinh thần trách nhiệm phòng, chống sự xâm nhập và tác động của các sản phẩm văn hóa độc hại; tạo dựng nhiều phong trào quần chúng ở cơ quan, đơn vị, địa bàn dân cư, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự xâm nhập và tác động tiêu cực của các sản phẩm văn hóa độc hại. Đúc rút được nhiều kinh nghiệm nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo, quản lý xã hội, quản lý văn hóa của cơ quan Đảng, Nhà nước trong đấu tranh ngăn chặn, chống lại sự xâm nhập và tác động tiêu cực của các sản phẩm văn hóa độc hại. Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp đã chủ động tham gia thực hiện Chỉ thị, vận động các thành viên, hội viên chấp hành nghiêm túc pháp luật, hưởng ứng các phong trào văn hóa nhằm ngăn chặn, chống lại sự xâm nhập và tác động tiêu cực của các sản phẩm văn hóa độc hại. Đội ngũ văn nghệ sĩ đã sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng, nghệ thuật; cùng với quá trình chủ động hội nhập quốc tế, nhiều sản phẩm văn hóa có giá trị của thế giới được chọn lọc giới thiệu, phổ biến, từng bước đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa phong phú, đa dạng của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong kỷ nguyên hội nhập và phát triển.

Trên cơ sở sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tham mưu trình Thường trực Ban Bí thư, Bộ Chính trị và đã được Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4/6/2020 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Thực hiện Kết luận 76-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 159-HD/BTGTW, ngày 11/11/2020 triển khai Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị; đồng thời tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai Kết luận số 76-KL/TW và Hướng dẫn số 159-HD/BTGTW tại Hội nghị Báo cáo viên toàn quốc. Căn cứ Kết luận 76-KL/TW và Hướng dẫn 159-HD/BTGTW, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, các địa phương, đơn vị xây dựng văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA LIÊN HIỆP, CÁC HỘI, CHI HỘI VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT

Trong năm 2020, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm, tạo điều kiện đối với đội ngũ văn nghệ sĩ và liên hiệp, các hội, chi hội văn học, nghệ thuật; hỗ trợ, khuyến khích các hội viên, văn nghệ sĩ tham gia sáng tác, quảng bá các tác phẩm, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, địa phương, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân. Các Hội Trung ương và địa phương tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng hoạt động; xây dựng chương trình, kế hoạch năm, đề ra những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tập hợp hội viên; định hướng sáng tác; tổ chức tọa đàm, hội thảo, các cuộc thi, trại sáng tác nhằm phát hiện, bồi dưỡng tài năng, khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sáng tác.

Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức các hội thảo, lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh các nhà văn, nhà thơ Tố Hữu, Chế Lan viên, Tô Hoài…; tổ chức cuộc thi và trao giải thưởng tiểu thuyết và ký đề tài bảo vệ an ninh và bình yên cuộc sống; tổ chức đi thực tế sáng tác tại Trường Sa, biên giới, phía Bắc, Đồng Bằng Sông Cửu Long; mở 2 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, 3 trại sáng tác…Hội Nhạc sĩ Việt Nam phát động đợt sáng tác bài hát chung tay phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức lớp tập huấn chuyên môn âm nhạc khu vực Nam bộ, khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên; tổ chức trại sáng tác âm nhạc tại Đà Lạt…Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức 15 đoàn đi thực tế; 13 trại sáng tác; 46 triển lãm; tổ chức Lễ trao Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2020 theo khu vực.

Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ IV; Liên hoan sân khấu Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân năm 2020; tổ chức Cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang – 2020”; Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2020; tổ chức 2 trại sáng tác kịch bản sân khấu …

Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp tổ chức Cuộc thi ý tưởng “Bệnh viện dã chiến”; Cuộc thi Thiết kế Cột mốc số 0; tổ chức Hội thảo “Kiến trúc thích ứng thiên tai bão lũ”; Liên hoan Sinh viên Kiến trúc; phối hợp tổ chức Sự kiện “Italian design day” lần thứ IV với chủ đề “Vẽ nên tương lai, phát triển, sáng tạo, bền vững, vẻ đẹp”…

Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930-1/8/2020), Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị “Gặp mặt đại biểu trí trức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ” với gần 200 đại biểu đại diện cho giới trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trên cả nước tham dự, nhằm thể hiện sự trân trọng, tôn vinh và tri ân với những cống hiến, đóng góp quan trọng của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện Chỉ thị số số 31-CT/TW, ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đại hội các hội văn học, nghệ thuật và Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 87-HD/BTGTW, ngày 25/3/2019 thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW; thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Giúp việc để chỉ đạo, hướng dẫn các hội chuyên ngành và Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam tổ chức Đại hội; trong đó Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc.

Đối với Đại hội Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam và các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan hướng dẫn các hội làm tốt công tác chuẩn bị, từ nội dung văn kiện đến các điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức thành công Đại hội. Đối với liên hiệp và các hội, chi hội văn học, nghệ thuật địa phương, đơn vị đến nhiệm kỳ đại hội, Ban Tuyên giáo địa phương, đơn vị tham mưu cho cấp ủy quan tâm hướng dẫn, chỉ đạo liên hiệp, các hội, chi hội văn học, nghệ thuật chuẩn bị tốt mọi điều kiện theo quy định, tổ chức thành công đại hội nhiệm kỳ 2020-2025.

LÀM TỐT CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CƠ SỞ

Năm 2020, các ban, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp trên cả nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo, định hướng công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các bộ, ngành ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, đơn vị triển khai thực hiện.

Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33- NQ/TW; trong đó chú trọng xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh”…

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị quan tâm chỉ đạo. Trong điều kiện ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng được các ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền địa phương cân nhắc, chỉ đạo, định hướng kịp thời phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân; hướng tới đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, đơn vị.

Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa được cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị của di sản nhằm nâng cao ý thức của nhân dân trong việc giữ gìn, bảo vệ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn về định hướng hoạt động, tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia. Công tác nghiên cứu, sưu tầm, đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích được quan tâm; thực hiện rà soát, thẩm định, lập danh sách di tích, cụm di tích, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xếp hạng, cấp bằng di tích.

Chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án của Chính phủ về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số; duy trì hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa dân gian; mở các lớp tập huấn, truyền dạy văn hóa phi vật thể; tổ chức các cuộc thi, liên hoan… nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nhất là những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số năm 2020; xây dựng câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ dân gian cho các dân tộc rất ít người tại huyện Tam Đường – Lai Châu; khảo sát, xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa, Quảng Nam, Lào Cai; xây dựng mô hình điểm CLB sinh hoạt văn hóa của dân tộc La Ha vùng di dân tái định cư thủy điện tại huyện Quỳnh Nhai – Sơn La; tổ chức tập huấn và xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới đối với dân tộc Hà Nhì ở Bát Xát – Lào Cai, dân tộc Thái ở Con Cuông – Nghệ An, dân tộc Mường ở Thanh Sơn – Phú Thọ, dân tộc Dao đỏ ở Hoàng Su Phì – Hà Giang; mô hình chế tác, trình diễn đàn tính dân tộc Thái; mô hình bảo tồn, phát huy nghệ thuật múa xòe, múa sạp dân tộc Thái trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Lai Châu, Điện Biên…; triển khai 6 mô hình về bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, trong đó tập trung bảo tồn nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ đồng bào dân tộc thiểu số dưới 10.000 người như (dân tộc Si La – Điện Biên; La Ha – Sơn La; Lô Lô, La Chí – Hà Giang; Pà Thẻn – Tuyên Quang; Phù Lá – Lào Cai)…

CÔNG TÁC QUẢN LÝ, TỔ CHỨC LỄ HỘI PHÙ HỢP VỚI ĐIỀU KIỆN THỰC TIỄN CỦA ĐỊA PHƯƠNG

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện theo tinh thần Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 5/2/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội”; Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư (khóa IX) về việc “Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; Nghị định 110/2018/NĐ-CP, ngày 29/8/2018 của Chính phủ Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Đặc biệt, năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ: Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19; Chỉ thị số 19/CT/TTg, ngày 24/4/2020 về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới… Đồng thời Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chính quyền địa phương, ngành văn hóa, bảo tàng, ban quản lý di tích triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, dừng các lễ hội diễn ra tại di tích; đẩy mạnh tuyên truyền, phòng chống dịch. Theo đó, các địa phương, đơn vị kịp thời chỉ đạo công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Đối với những lễ hội đầu Xuân đã khai mạc, các địa phương khẩn trương thực hiện biện pháp dừng việc tập trung đông người, yêu cầu việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh; đồng thời dừng tổ chức tất cả các lễ hội chưa khai mạc. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, những địa phương có lễ hội truyền thống cân nhắc kĩ lưỡng việc quản lý và tổ chức; một số lễ hội chỉ tổ chức phần lễ, đảm bảo trang nghiêm, đúng thể thức, không tổ chức phần hội để phòng, chống dịch.

NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2021

Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và nghị quyết đại hội Đảng các cấp; là năm cả hệ thống chính trị cần nỗ lực, quyết tâm vượt qua những khó khăn, thách thức do tác động, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh trong năm 2020 để lại. Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các địa phương, đơn vị cần đặc biệt quan tâm, bám sát tình hình thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn nghệ, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về văn hóa, văn nghệ, trong đó tập trung thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW; Hướng dẫn số 159-HD/BTGTW, ngày 11/11/2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương về triển khai Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”…; cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; xây dựng chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện, đề ra những giải pháp cụ thể, thiết thực gắn với điều kiện, tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị.

Thứ hai, các cấp, các ngành căn cứ Hướng dẫn số 173-HD/BTGTW, ngày 1/2/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương về “Công tác văn hóa, văn nghệ năm 2021” và tình hình, điều kiện thực tiễn để xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; coi trọng chất lượng, hiệu quả, tạo sức lan tỏa, tác động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân; ưu tiên và hướng các hoạt động về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19; chủ động xây dựng phương án, kịch bản đáp ứng kịp thời khi dịch bệnh xảy ra, nhất là nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng.

Thứ ba, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam và các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, địa phương xây dựng chương trình hành động toàn khóa và kế hoạch hoạt động năm 2021 thiết thực, hiệu quả; tập trung nâng cao chất lượng hoạt động, đào tạo, bồi dưỡng hội viên, phát huy tài năng, trí tuệ của đội ngũ văn nghệ sĩ, thúc đẩy hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm; quan tâm đầu tư các sản phẩm văn học, nghệ thuật đỉnh cao, có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật.

Thứ tư, Ban Tuyên giáo các địa phương, đơn vị tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn nghệ; đầu tư nguồn lực để nâng cao chất lượng hoạt động; tạo điều kiện và có cơ chế hỗ trợ các hội văn học, nghệ thuật; quan tâm, động viên, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp văn học, nghệ thuật của địa phương, đơn vị, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ năm, tiến hành sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết về văn hóa, văn nghệ theo chương trình, kế hoạch năm 2021. Trong đó, tập trung tổng kết 10 năm thực hiện Quy định 284-QĐ/TW, ngày 5/2/2010 của Ban Bí thư về tiêu chuẩn, cơ chế lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn hoá, văn học, nghệ thuật.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101