9/7

Chỉ số GQII – đo lường mức độ phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia

Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) được coi là nền tảng cơ bản của thương mại quốc tế, là tiền đề để các quốc gia trên thế giới, nhất là các quốc gia đang phát triển, tiếp cận thị trường quốc tế theo nguyên tắc hiện đại.

GQII là một chỉ số tổng hợp

Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) được coi là nền tảng cơ bản của thương mại quốc tế, là tiền đề để các quốc gia trên thế giới, nhất là các quốc gia đang phát triển, tiếp cận thị trường quốc tế theo nguyên tắc hiện đại. Mặc dù nhiều sản phẩm và dịch vụ được sản xuất ở các quốc gia đang phát triển đạt chất lượng cao nhưng vẫn rất khó để các quốc gia này có thể quảng bá sản phẩm và dịch vụ ra thế giới nếu NQI không hoạt động một cách hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tương tự như hạ tầng vật lý, phát triển NQI được coi là nhiệm vụ của mỗi Chính phủ trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế ngày càng diễn ra mạnh mẽ.

Trước đây, các thuật ngữ “đo lường học, tiêu chuẩn kỹ thuật, thử nghiệm và chất lượng” với “tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm chất lượng, công nhận, đo lường học” thường được sử dụng để mô tả về NQI. Tuy nhiên, đến năm 2017, định nghĩa về NQI đã được xác nhận bởi các tổ chức quốc tế về đo lường (Văn phòng Cân đo quốc tế (BIPM), Tổ chức Đo lường pháp định quốc tế (OIML)), tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn (ISO, IEC, ITU), tổ chức quốc tế về công nhận (Diễn đàn Công nhận quốc tế (IAF), Hiệp hội Công nhận phòng thí nghiệm quốc tế (ILAC)), Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Ngân hàng Thế giới (WB)…

Theo đó, NQI được hiểu là một hệ thống bao gồm các tổ chức cùng với chính sách, khung pháp lý và chế định tương ứng, các hoạt động cần thiết nhằm hỗ trợ và nâng cao chất lượng, tính an toàn và lành mạnh của môi trường, các dịch vụ và quy trình của toàn bộ nền kinh tế.

Được xây dựng trên nền tảng của NQI, Chỉ số Hạ tầng chất lượng toàn cầu (Global Quality Infrastructure Index, GQII) là một chỉ số mới, cung cấp thông tin về sự phát triển của NQI trên toàn thế giới. GQII và cơ sở dữ liệu GQII cung cấp các thông tin có giá trị cho các nhà nghiên cứu về sản xuất và thương mại.

GQII cho phép xem xét dữ liệu NQI của một quốc gia, nền kinh tế trong bối cảnh đất nước và so sánh với các quốc gia, nền kinh tế khác. Đồng thời, GQII cũng có thể so sánh dữ liệu NQI với các bảng xếp hạng toàn cầu khác như Chỉ số mức độ phức tạp kinh tế (Economic Complexity Index, ECI).

GQII đo lường mức độ phát triển NQI tương đối của một quốc gia, nền kinh tế

GQII tuân theo cách thức tiếp cận có hệ thống và đo lường mức độ phát triển NQI ở các nước phát triển và các nước đang phát triển. GQII thể hiện dữ liệu từ các tổ chức NQI quốc gia, quốc tế về đo lường, tiêu chuẩn hóa, công nhận và hoạt động đánh giá sự phù hợp.

GQII xác định các chỉ số cho từng thành phần và mối liên hệ giữa các thành phần của NQI. Một số chỉ số thành phần đã được quốc tế công nhận. Một số chỉ số khác đề cập đến phạm vi hoặc nhu cầu đối với các tổ chức đánh giá sự phù hợp được công nhận đối hệ thống quản lý chứng nhận. Các chỉ số cùng nhau cung cấp thước đo về mức độ phát triển NQI trong một quốc gia, nền kinh tế nhất định.

Công thức của GQII bao gồm các chỉ số về đo lường, tiêu chuẩn và công nhận, tính toán mức độ phát triển NQI tương đối của một quốc gia, nền kinh tế. Công thức dựa trên giả định đơn giản hóa rằng ba thành phần, cụ thể là đo lường, tiêu chuẩn và công nhận, đóng góp như nhau vào hệ thống NQI cùng với chỉ số phụ thể hiện mức độ phát triển tương đối của đo lường, tiêu chuẩn và công nhận trong quốc gia, nền kinh tế.

GQII được xây dựng dựa trên dữ liệu công bố trên các trang web của các tổ chức NQI. Do đó, độ tin cậy của GQII được giới hạn bởi tính sẵn có và chất lượng của dữ liệu do các tổ chức NQI cung cấp. Các dữ liệu đều có sẵn, miễn phí và có thể tải xuống trên trang web GQII [https://gqii. org].

Trong công bố mới nhất, Ulrich Harmes-Liedtke và Juan José Oteiza đã xác định các chỉ số chính để đánh giá tình trạng phát triển NQI của các quốc gia, nền kinh tế. Từ đó, GQII cung cấp các số liệu về NQI và các thành phần cho 184 quốc gia, nền kinh tế trên toàn thế giới, qua đó cho phép đánh giá và xếp hạng sự phát triển của NQI tại từng quốc gia, nền kinh tế. Một “phát hiện” quan trọng là có mối tương quan chặt chẽ giữa sự phát triển NQI với hiệu quả kinh tế (GDP bình quân đầu người), xuất khẩu (Export) và năng lực cạnh tranh (Competitiveness). Trong một nghiên năm 2019, nhóm tác giả này đã chứng minh, làm rõ mối tương quan này đối với chỉ số ECI.

GQII cao hơn ở các quốc gia, nền kinh tế có hàm lượng tri thức cao trong các sản phẩm xuất khẩu. Các quốc gia, nền kinh tế này chiếm phần lớn tỷ trọng thương mại xuất khẩu của thế giới. NQI càng cao thì năng lực xuất khẩu càng cao, giá trị gia tăng của các sản phẩm và dịch vụ có hàm lượng tri thức càng lớn.

Bộ KHCN

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118