Tháng 11

5 năm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vữngViệt Nam ủng hộ và cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực cần thiết, huy động tất cả các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cộng đồng và người dân để thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 và tất cả các mục tiêu phát triển bền vững.Đó là khẳng định của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc 2015. Hội nghị này đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Sau 5 năm, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu song nhiều mục tiêu còn gặp các thách thức.

* Cụ thể hóa chương trình nghị sự 2030

Chương trình nghị sự 2030 có độ bao phủ chính sách phổ quát, rộng lớn, vì lợi ích của mọi người dân trên toàn thế giới, cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Chương trình này đã đưa ra tầm nhìn cho giai đoạn phát triển 15 năm (2016-2030) trên phạm vi toàn cầu với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 169 mục tiêu cụ thể, định hướng phương thức thực hiện, các quan hệ đối tác toàn cầu và các hành động triển khai thực hiện. Các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 là sự tiếp nối của Các mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs) trong giai đoạn 2000-2015 và cũng là sự cụ thể hóa của Chương trình nghị sự 21 được Liên hiệp quốc thông qua vào năm 1992.

Thực hiện cam kết quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 622/2017/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030. Kế hoạch hành động quốc gia 2030 đã đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ và phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thông qua Kế hoạch hành động quốc gia 2030, 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể của Chương trình nghị sự 2030 đã được quốc gia hóa thành 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể của Việt Nam, phù hợp với điều kiện và bối cảnh phát triển của Việt Nam. 115 mục tiêu cụ thể của Việt Nam phản ánh 150/169 mục tiêu cụ thể toàn cầu.

Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu gần 5 năm Việt Nam thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và cũng là năm cuối của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020, tạo đà cho việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030.

Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình nghị sự 2030, thứ hạng của Việt Nam về chỉ số phát triển bền vững liên tục tăng lên trong thời gian qua, xếp thứ 49/166 nước vào năm 2020.

* Nhiều thách thức để hoàn thành các mục tiêu

Theo Báo cáo tiến độ 5 năm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, dự kiến, Việt Nam sẽ đạt được được 5/17 mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030. Đó là các mục tiêu 1 về xóa nghèo; mục tiêu 2 về xóa đói; mục tiêu 4 về giáo dục có chất lượng; mục tiêu 13 về các hành động bảo vệ khí hậu; mục tiêu 17 về quan hệ đối tác toàn cầu.

Tuy nhiên, có tới 10 mục tiêu phát triển bền vững sẽ còn gặp khó khăn, thách thức để hoàn thành. Đó là mục tiêu 3 về sức khỏe tốt và cuộc sống hạnh phúc; mục tiêu 5 về bình đẳng giới; mục tiêu 6 về nước sạch và vệ sinh; mục tiêu 7 về năng lượng sạch và giá cả hợp lý; mục tiêu 8 về tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững; mục tiêu 9 về công nghiệp, sáng tạo và hạ tầng; mục tiêu 10 về giảm bất bình đẳng trong xã hội; mục tiêu 11 về thành phố và cộng đồng bền vững; mục tiêu 15 về bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học; mục tiêu 16 về hòa bình, công lý và thể chế vững mạnh.

Mục tiêu 12 về sản xuất và tiêu dùng bền vững; mục tiêu 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển còn gặp vô cùng nhiều khó khăn và rất khó để hoàn thành vào năm 2030.

Trong số 115 mục tiêu cụ thể, có 54 mục tiêu cụ thể sẽ hoàn thành (chiếm gần 47%), nhưng còn 48 mục tiêu cụ thể (chiếm 41,7%) sẽ còn gặp khó khăn, thách thức phía trước và 13 mục tiêu cụ thể (chiếm 11,3%) rất khó có khả năng đạt vào năm 2030.

Khó khăn trong thực hiện các mục tiêu này rõ rệt từ năm 2020, năm chứng kiến Đại dịch Covid-19 và tác động toàn diện của nó trên phạm vi toàn cầu. Đại dịch Covid-19 có nguy cơ gây ra khủng hoảng kinh tế, xã hội ở nhiều quốc gia, nhất là các nước đang phát triển và các nước chậm phát triển, làm tăng rủi ro không hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 ở nhiều nước.

Bước vào giai đoạn mới 2021-2030, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp hơn dự báo. Khủng hoảng nợ công diễn ra trầm trọng hơn ở nhiều quốc gia, kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn; rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng, nhiều nước tăng cường bảo hộ thương mại trong những năm gần đây. Khoa học, công nghệ phát triển nhanh, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế số trở thành một trong những xu hướng phát triển chủ yếu của thời đại. Thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường gây ra những thiệt hại nặng nề đến thành tựu phát triển của các quốc gia trên thế giới.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100