Điện Biên: Nỗ lực bảo tồn nghệ thuật múa dân gianVừa qua, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn nghệ thuật múa dân gian các dân tộc tỉnh Điện Biên phục vụ phát triển du lịch”. Đề tài nghiên cứu thực trạng, phân tích những yếu tố tác động đến công tác bảo tồn, phát huy nghệ thuật múa dân gian của các dân tộc tại Điện Biên trong bối cảnh hiện nay. Qua đó, đề xuất các nhóm giải pháp góp phần bảo tồn, phát triển và quảng bá giá trị nghệ thuật múa dân gian truyền thống phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc tỉnh ta đã được tập trung triển khai một cách khá toàn diện. Tuy nhiên, hoạt động sáng tác, truyền dạy và biểu diễn đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế nếu không được giải quyết triệt để sẽ để lại nhiều hệ lụy cho thế hệ tương lai. Đầu tiên, phải kể đến ảnh hưởng của quá trình mở cửa hội nhập và quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, làm nảy sinh hiện tượng đánh mất bản sắc, thậm chí là tiêu biến nhiều di sản văn hóa, nhất là đối với những nhóm dân tộc “yếu thế” đặc biệt ít người. Hơn nữa, nghệ thuật múa dân gian các dân tộc tỉnh Điện Biên đã và đang đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền. Nếu không kịp thời bảo tồn, lưu giữ thì rất có thể nhiều di sản văn hóa phi vật thể sẽ mất đi vĩnh viễn, không có khả năng phục hồi.

Một nguyên nhân khách quan khác là năng lực đội ngũ cán bộ làm văn hóa còn chưa thực sự đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng nên trong một số thời điểm, tại một số nơi, việc sưu tầm, bảo tồn và khai thác các di sản văn hóa, đặc biệt là nghệ thuật múa dân gian truyền thống chưa được thực hiện đầy đủ và đúng phương pháp. Trong lĩnh vực nghệ thuật múa dân gian truyền thống, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có rất ít công trình nghiên cứu khoa học đã được thực hiện và công bố. Vì vậy, hệ thống tư liệu hóa ít ỏi, không tương xứng với tiềm năng, thế mạnh về văn hóa dân tộc của tỉnh.

Việc khai thác, phát huy giá trị nghệ thuật múa dân gian truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên trong hoạt động du lịch còn nhiều hạn chế, như: Chưa được quản lý chặt chẽ và đồng bộ; chưa có các quy định mang tính chuẩn hóa; chưa có sự kiểm định về chất lượng cũng như tính bản sắc của các tiết mục trình diễn, dễ tác động không tốt đến cảm thụ nghệ thuật của khán giả; hiệu quả kinh tế – xã hội chưa được như mong muốn; công tác giới thiệu, quảng bá chưa hiệu quả…

Do đó, rất cần phải đẩy mạnh công tác sưu tầm, phục dựng các điệu múa truyền thống kết hợp với biên dựng thành những tiết mục mang hơi thở thời đại.

Nỗ lực nghiên cứu, sưu tầm

Đứng trước những khó khăn, thách thức như vậy, nhóm thực hiện đề tài do Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh chủ trì đã phối hợp với các nghệ sĩ, nghệ nhân và những người am hiểu về múa dân gian, sưu tầm, thu thập tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau. Qua 6 tháng triển khai, nhóm đã phục dựng, bảo tồn được 10 tiết mục, thể hiện các điệu múa đặc trưng của 5 dân tộc đại diện là Thái, Mông, Dao, Khơ Mú và Hà Nhì. Đồng thời, tổ chức công diễn tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh vừa như một bản báo cáo quá trình nghiên cứu, vừa lấy thêm ý kiến đóng góp của khán giả, hội đồng tư vấn…

Ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, Chủ nhiệm Đề tài chia sẻ: “5 dân tộc trên đều có đặc trưng văn hóa riêng độc đáo, có nền nghệ thuật trình diễn dân gian phong phú, giàu bản sắc truyền thống và đã đón nhận được nhiều sự quan tâm, yêu mến của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên cũng như bạn bè, du khách trong và ngoài nước. Các tiết mục được phục dựng, bảo tồn đều là những điệu múa truyền thống được sưu tầm, lưu truyền trong dân gian, đảm bảo khai thác âm nhạc, đạo cụ và trang phục truyền thống của cộng đồng dân tộc”.

Trong buổi công diễn có nhiều tiết mục độc đáo, hấp dẫn, để lại ấn tượng trong lòng khán giả, như: Lễ nhảy lửa của dân tộc Dao, ngành Dao Khâu; hội tra hạt của dân tộc Khơ Mú; múa vui được mùa của dân tộc Hà Nhì; vui xuân của dân tộc Mông và múa Cút piêu của dân tộc Thái, ngành Thái đen… Theo nhiều khán giả, chuyên gia tại buổi công diễn, các tiết mục đã mang lại cảm nhận chân thực và cái nhìn sâu hơn về di sản văn hóa, xây dựng, phát triển những giá trị mới về nghệ thuật, đặc biệt là bảo tồn, phát triển ngôn ngữ múa, âm nhạc của các dân tộc. Đây không chỉ là các tiết mục mang tính biểu diễn mà sẽ là tư liệu khoa học đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật múa gắn với phát triển du lịch hiện nay, những năm tiếp theo, góp phần phát triển phong trào văn hóa cơ sở, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù.

Việc nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn nghệ thuật múa dân gian các dân tộc Điện Biên phục vụ phát triển du lịch là một việc rất kịp thời nhằm nâng cao nhận thức về hoạt động bảo tồn văn hóa, khơi dậy niềm tự hào và tình yêu của các thế hệ người dân đối với các di sản văn hóa quý báu của cha ông. Đồng thời, vừa bảo tồn, vừa phát huy các giá trị nghệ thuật múa dân gian, vừa góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch cộng đồng.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100