Chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ tu bổ di tích Chùa Cầu

http://baovanhoa.vn/van-hoa/di-san/artmid/488/articleid/51506/nhat-ban-ho-tro-chuyen-gia-tu-van-ve-du-an-tu-bo-di-tich-chua-cau-hoi-an

Ngày 26.3, tại TP Hội An đã diễn ra Lễ ký kết “Hỗ trợ chuyên gia Nhật Bản tư vấn về dự án tu bổ di tích Chùa Cầu” giữa thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản nhằm phục vụ mục tiêu đạt kết quả tốt nhất trong công tác tu bổ di tích Chùa Cầu trong thời gian tới.

Dự lễ ký kết có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương; Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, ông Shimizu Akira; lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, TP Hội An… cùng các đơn vị liên quan.

Nội dung ký kết “Hỗ trợ chuyên gia Nhật Bản về dự án tu bổ di tích Chùa Cầu” tập trung ở một số hoạt động nhằm thúc đẩy năng lực của Trung tâm Hội An về bảo tồn Khu phố cổ Hội An thông qua hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho trùng tu Chùa Cầu – dự án do phía thành phố Hội An thực hiện một cách độc lập.

JICA sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho Trung tâm Hội An thông qua việc phái cử các chuyên gia đến Hội An trong quá trình thực hiện trùng tu Chùa Cầu. Hoạt động sẽ có khả năng thay đổi tuỳ vào tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam hoặc Hội An; Bất cứ vấn đề phát sinh nào liên quan đến hoạt động sẽ do cả phía Việt Nam (bao gồm UBND thành phố Hội An) và phía Nhật Bản cùng tham vấn để giải quyết.

Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Shimizu Akira, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam nhấn mạnh: “Công việc tu bổ Chùa Cầu gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi kiến thức và chuyên môn kỹ thuật cao. Căn cứ theo đề nghị hợp tác của TP Hội An dựa trên quá trình hợp tác lâu dài với JICA, JICA dự kiến sẽ hỗ trợ Dự án Tu bổ Chùa Cầu , thông qua các hoạt động phái cử chuyên gia và tình nguyện viên Nhật Bản”.

Cho đến nay, JICA đã và đang tích cực hỗ trợ một cách liên tục và đa dạng đối với việc bảo tồn phố cổ Hội An trong hơn 20 năm qua. Trước khi Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999, JICA đã phái cử 5 chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật về bảo tồn và tu bổ công trình kiến trúc truyền thống và từ năm 2003 đã phái cử 11 tình nguyện viên Nhật Bản tới làm việc tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.

Kết quả của sự hợp tác lâu dài này, là việc tu bổ các công trình kiến trúc truyền thống và bảo tồn toàn bộ các dãy phố của khu vực phố cổ đều đã được tiến hành một cách thuận lợi. Ngoài ra, JICA đã thực hiện dự án viện trợ không hoàn lại nhằm cải thiện chất lượng nước và môi trường vệ sinh tại khu vực Chùa Cầu, nỗ lực hỗ trợ một cách toàn diện nhằm bảo vệ môi trường của khu vực này. JICA tin tưởng rằng những thành quả hợp tác này sẽ được phát huy trong việc tu bổ Chùa Cầu.

“Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới ngành Du lịch của TP Hội An, làm lượng khách du lịch giảm mạnh, các ngành nghề chủ yếu cũng bị đình trệ. JICA hy vọng việc tu bổ Chùa Cầu sẽ giúp thúc đẩy kinh tế của TP Hội An thời kỳ hậu Covid-19. Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Chúng tôi hy vọng rằng Chùa Cầu – biểu tượng của lịch sử giao lưu Việt – Nhật, được tu bổ thành công sẽ là bước ngoặt lớn, giúp thu hút thêm nhiều khách du lịch hơn, và công trình này sẽ trở thành cầu nối thúc đẩy hơn nữa giao lưu giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản nói chung, và giữa TP Hội An và Nhật Bản nói riêng”, ông Shimizu Akira nhấn mạnh.

Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định: Lễ ký kết “Hỗ trợ chuyên gia Nhật Bản về dự án tu bổ di tích Chùa Cầu” giữa UBND TP Hội An và Văn phòng JICA Việt Nam là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với kết quả khoa học tu bổ di tích và đặc biệt hơn nữa là càng làm gắn kết chặt chẽ thêm mối quan hệ hữu nghị lâu đời giữa 2 đất nước Việt Nam và Nhật Bản.

Với tính chất đặc biệt là biểu trưng di sản văn hóa Hội An, biểu tượng cho tình hữu nghị lâu đời giữa Việt Nam – Nhật Bản nên việc tu bổ di tích Chùa Cầu phải tiến hành hết sức thận trọng, cần có sự hỗ trợ vật chất, kỹ thuật và của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt là kinh nghiệm từ Nhật Bản để cùng tham gia với Việt Nam tu bổ di tích đặc biệt này. với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản về chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm, chắc chắn rằng di tích Chùa Cầu sẽ được tu bổ đạt kết quả tốt nhất, những giá trị của di tích sẽ được bảo tồn một cách chân xác, toàn vẹn và đảm bảo bền vững lâu dài trong tương lai.

Dịp này, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An với sự hỗ trợ của Quỹ SUMITOMO – Nhật Bản đã xuất bản và giới thiệu ấn phẩm đặc biệt về di tích Chùa Cầu nhằm thông tin về kết quả sưu tầm nghiên cứu về di tích Chùa Cầu và dự án tu bổ di tích Chùa Cầu sắp được triển khai.

Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, chất lượng, hiệu quả

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, tỉnh Quảng Nam và các địa phương cả nước tiếp tục nhất quán chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, chất lượng, hiệu quả.

Tối 26/3, tại Đảo Ký ức Hội An (TP.Hội An) diễn ra lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022 với chủ đề “Quảng Nam – Điểm đến du lịch xanh”. Sự kiện do Bộ VHTTDL phối hợp UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức.

Tham dự lễ khai mạc có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo nhiều cơ quan ban ngành Trung ương, địa phương…

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh khẳng định: Cùng với cả nước, Quảng Nam vô cùng khao khát phục hồi và phát triển mạnh mẽ hoạt động du lịch, bởi đó không chỉ đơn thuần là một ngành kinh tế, mà du lịch còn đem lại ý nghĩa xã hội vô cùng to lớn khi khơi dậy, lan tỏa và truyền tải đến bạn bè năm châu những giá trị của lịch sử, văn hóa và thiên nhiên vô cùng đặc sắc ở khắp các vùng miền của Tổ quốc.

Ông Lê Trí Thanh cho rằng, du lịch xanh sẽ là xu hướng du lịch tất yếu được lựa chọn của nhân loại, bởi nó đề cao ý thức của con người trong việc tôn trọng tự nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái và khôi phục đa dạng sinh học.

Đặc biệt, với việc ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh, Quảng Nam đã thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ cùng chung sức đồng lòng với người dân, cộng đồng doanh nghiệp tạo lập môi trường du lịch mới mẻ, thân thiện, an toàn và có trách nhiệm.

“Năm Du lịch quốc gia 2022 lấy chủ đề “Quảng Nam – Điểm đến du lịch xanh” nhằm truyền tải thông điệp đến với bạn bè, du khách khắp nơi về một Quảng Nam lấy phát triển xanh và bền vững làm trụ cột, qua đó kêu gọi cùng chung tay vì một Việt Nam xanh, góp phần gìn giữ cho hành tinh của chúng ta mãi mãi xanh tươi, hòa bình và hạnh phúc”, ông Lê Trí Thanh nói.

Cần tư duy và cách làm mới để biến “nguy” thành “cơ”

Phát biểu chỉ đạo tại lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022 là một trong những sự kiện quan trọng, đánh dấu hoạt động mở cửa du lịch trở lại.

Thủ tướng cho rằng, đại dịch Covid-19 đã thay đổi cấu trúc xã hội và thói quen của người dân nhưng cũng tạo ra xu hướng mới trong du lịch. Bên cạnh đó, khi du lịch thế giới phục hồi, chúng ta phải đối mặt với thách thức cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và các điểm đến trên toàn cầu. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến được lựa chọn du lịch hàng đầu, điểm đến trải nghiệm hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Trong điều kiện mới, hoàn cảnh mới, cơ hội mới, cần có tư duy và cách làm mới để biến “nguy” thành “cơ”.

“Muốn vậy, chúng ta cần kiên định với những giá trị bền vững mà nhiều năm qua đất nước Việt Nam, du lịch Việt Nam đã tạo dựng và xác lập trong lòng du khách quốc tế. Đó là thông điệp hòa bình, hòa giải, “Việt Nam – Đất nước an toàn”, hình ảnh “Việt Nam điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”, một điểm đến với “vẻ đẹp bất tận”. Ngành Du lịch cần chủ động, sáng tạo và ứng phó linh hoạt để đưa du lịch tiếp tục phát triển, sẵn sàng đón dòng khách du lịch trở lại trong năm 2022 và những năm tiếp theo”, Thủ tướng nêu rõ.

Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, tỉnh Quảng Nam và các địa phương cả nước tiếp tục nhất quán chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, chất lượng, hiệu quả.

Đặc biệt, phát triển du lịch phải gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc – một nhiệm vụ rất quan trọng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo và nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

“Phát triển đồng thời du lịch quốc tế và du lịch nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Chúng ta cần xây dựng những thương hiệu du lịch lớn mang tầm quốc tế với bản sắc Việt Nam, gắn với mảnh đất thiêng liêng mà anh dũng, gắn với bản sắc văn hóa đặc sắc và con người Việt Nam thân thiện, đôn hậu”, Thủ tướng nói.

Xây dựng môi trường du lịch thân thiện, an toàn

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tập trung xây dựng môi trường du lịch “xanh” đúng như chủ đề Năm Du lịch quốc gia 2022. Đó là môi trường du lịch mà ở đó có sự thân thiện, an toàn giữa người dân và du khách; là sự cam kết của tất cả các bên liên quan, bao gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, khai thác du lịch nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên, môi trường. Điều này cũng góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26): Đạt mức phát thải ròng bằng “0″ vào năm 2050.

Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch cần quán triệt nghiêm chỉnh, tuân thủ các quy định, hướng dẫn về bảo đảm an toàn phòng, chống COVID-19. Chủ động tuyển dụng, bồi dưỡng, bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu mới của du khách trong bối cảnh hậu COVID-19. Tăng cường thu hút đầu tư và đổi mới công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch.

Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tại điểm đến nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách, cảnh quan môi trường, vệ sinh dịch tễ; bảo đảm việc ứng xử văn hóa, văn minh tại các khu, điểm du lịch.

Huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư trong hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch cạnh tranh và có trách nhiệm. Đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức trong cộng đồng, để mỗi người dân là một “đại sứ du lịch”.

Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương, các vùng miền, tạo thành chuỗi các điểm đến và phát huy sức mạnh sáng tạo của mỗi người dân trong vùng nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp cho phát triển du lịch. Xây dựng cơ chế, chính sách mang tính đột phá, đưa du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Chủ động, linh hoạt và đẩy mạnh hơn nữa việc mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với việc thích ứng an toàn, linh hoạt trong bối cảnh bình thường mới, bảo đảm an toàn, khoa học, phù hợp với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Cần cơ cấu lại thị trường khách du lịch để tập trung quảng bá, xúc tiến các thị trường tiềm năng và làm mới các sản phẩm du lịch để phù hợp xu hướng của thế giới hậu COVID-19.

Phấn đấu để những khách đã đi rồi sẽ trở lại nhiều hơn

Thực hiện các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển bền vững. Chú trọng xây dựng văn hóa, văn minh du lịch, khuyến khích mỗi người dân và mỗi khách du lịch có trách nhiệm cùng chung tay xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và bền vững. Phấn đấu để có thêm nhiều hơn nữa du khách đến du lịch, trải nghiệm, kinh doanh và làm ăn lâu dài ở Việt Nam; những khách đã đi rồi sẽ trở lại nhiều hơn.

Các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp, hợp tác chặt chẽ với Quảng Nam và các địa phương trong vùng duyên hải miền Trung, tạo điều kiện và kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động du lịch, thu hút đầu tư.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động phát triển du lịch, thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân trên chính mảnh đất quê hương mình, góp phần giảm nghèo; tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo diện mạo mới cho cả vùng.

Cần truyền thông, quảng bá mạnh mẽ du lịch Việt Nam ra thế giới bằng nhiều kênh và hình thức khác nhau. Đặc biệt, giới thiệu những địa danh nổi tiếng, những nét đặc trưng riêng có của thiên nhiên, văn hóa, con người Việt Nam, trong đó chú trọng giới thiệu văn hóa phi vật thể. Mở rộng dịch vụ, thu hút đầu tư phát triển du lịch, nâng cao tính cạnh tranh để Việt Nam trở thành điểm đến, điểm quay trở lại hấp dẫn.

Thủ tướng nhấn mạnh: Chủ đề của năm 2022 là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”. Theo đó, những “từ khóa” chủ đạo của du lịch Việt Nam trong năm 2022 và giai đoạn sắp tới sẽ là: Hòa bình, hợp tác, phát triển, xanh hóa, an toàn, thân thiện, số hóa, kết nối.

Thủ tướng biểu dương Bộ VHTTDL, tỉnh Quảng Nam cùng các địa phương đã có nhiều nỗ lực để triển khai các hoạt động, chương trình phát động du lịch trên phạm vi cả nước.

Ngành du lịch sẽ giương những cánh buồm để vận hành phù hợp

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022 được tổ chức tại Hội An với chủ đề “Điểm đến du lịch xanh” là một trong những minh chứng sinh động về việc toàn ngành đang cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, của Chính phủ, của Quốc hội đối với nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, trong đó có du lịch; đặc biệt sau khi Chính phủ đồng ý mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022.

Bộ trưởng bày tỏ cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Chính phủ nói chung và Thủ tướng nói riêng về những chỉ đạo đối với ngành du lịch. “Toàn ngành xin tiếp thu chỉ đạo sâu sắc đó để bổ sung vào nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển du lịch Việt Nam trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Bộ VHTTDL ý thức sâu sắc và đầy đủ rằng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch xanh luôn mang đậm dấu ấn của văn hóa, bởi lẽ du lịch không chỉ là ngành kinh tế đơn thuần, mà còn là ngành kinh tế tổng hợp.

Sau lễ phát động này, Bộ VHTTDL sẽ nỗ lực hơn nữa để tập trung chỉ đạo đúng tinh thần và chủ trương mà Thủ tướng đã nêu, đó là: Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển.

“Như quy luật của tự nhiên, khi mùa xuân đến, cây cối sẽ đâm chồi nẩy lộc, đơm hoa, kết trái để dâng cho đời hoa thơm, quả ngọt. Bình minh đang lên, với sắc màu tươi đỏ trên thương cảng của Hội An, du lịch sẽ giương những cánh buồm để vận hành phù hợp với quy luật chung ấy”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Người đứng đầu ngành VHTTDL bày tỏ tin tưởng rằng, sắp tới toàn ngành sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn của Đảng, Nhà nước, chính phủ và Thủ tướng, cũng như của các bộ, ngành, để chúng ta thúc đẩy du lịch, phát triển sản phẩm du lịch – điểm đến xanh hóa; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch, cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chất lượng và bền vững. Như vậy thì chắc chắn Năm Du lịch 2022 sẽ thành công.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100