PATA: Vaccine có vai trò quan trọng trong đảm bảo phục hồi du lịch bền vững

https://bvhttdl.gov.vn/pata-vaccine-co-vai-tro-quan-trong-trong-dam-bao-phuc-hoi-du-lich-ben-vung-20220218094057115.htm

Theo Hiệp hội Du lịch Châu Á Thái Bình Dương (PATA), ngành du lịch Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Nam Á đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng vào năm 2021, khi tổng lượng khách quốc tế đạt chưa đầy 10% so với năm 2019.

Một số điểm đến tại khu vực này đã dần dần mở cửa trở lại kể từ năm ngoái, từ Thái Lan đến Fiji, nhưng quá trình này không tương đồng do biến chủng Omicron và tỷ lệ tiêm chủng không đồng đều. Tuy vậy, bất chấp những thách thức này, ngành du lịch của khu vực vẫn đang có tín hiệu lạc quan về đà phục hồi.

Theo chia sẻ của bà Liz Ortiguera, Giám đốc điều hành PATA, với trang Skift, việc đẩy nhanh quá trình khôi phục ngành du lịch đồng nghĩa với việc hỗ trợ cho các thành viên thực thi các biện pháp đón dòng khách quay lại, thâm nhập vào các thị trường mới và đặc biệt là ưu tiên vận động cho công bằng vaccine.

Bà Ortiguera cho biết: “Không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn và nhận thức về điều đó cần được nâng cao. PATA đã thành lập Liên minh vắc xin trong lĩnh vực du lịch toàn cầu vào tháng 12 năm 2021, hợp tác với Quỹ Virgin Atlantic, và trở thành hiệp hội du lịch đầu tiên chính thức vận động cho công bằng vaccine và kêu gọi ngành du lịch toàn cầu hành động”.

Tập trung và sức khỏe và an toàn

Theo bà Liz Ortiguera, châu Á Thái Bình Dương rất đa dạng về quy mô, cơ cấu và thành phần của các quốc gia thành viên, và ngay từ đầu đã tập trung cao độ vào sức khỏe và an toàn. Các nhà lãnh đạo về du lịch khu vực luôn quan tâm tới sức khỏe và an toàn và các điểm đến cũng đang rất lưu tâm đến điều đó. Trong khi tỷ lệ tiêm chủng khu vực ngày càng được nâng cao thì vẫn cần thêm rất nhiều vaccine để bảo đảm an toàn cho người dân và tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế.

Tình hình dịch bệnh hiện tại cũng đã khiến các quốc gia đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là cân nhắc sức khỏe và an toàn cộng đồng cũng như nhu cầu phát triển kinh tế. Đây cũng là một quá trình ra quyết định rất thách thức đối với tất cả các quốc gia. Trước đại dịch, du lịch là một động lực thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm tại châu Á Thái Bình Dương. 1/10 việc làm ở châu Á Thái Bình Dương liên quan đến du lịch và lữ hành.

Theo bà Liz Ortiguera, hiện tại, châu Á Thái Bình Dương sẽ một lần nữa trở thành động lực cho tăng trưởng toàn cầu với nhiều nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ và với quy mô dân số lớn ở khu vực này. Tuy nhiên, quy mô dân số lớn như vậy cũng chịu nhiều nguy cơ ảnh hưởng trong dịch Covid-19. Vì vậy việc hỗ trợ các nước này, đặc biệt là phân khúc bị ảnh hưởng nhiều nhất trong dịch là lao động phi chính thức, cũng đang được PATA và nhiều chính quyền khu vực chú ý.

Trong hoạt động du lịch, những người bán hàng, hướng dẫn viên du lịch, người lái xe hay chủ các khách sạn là những bên dựa vào du lịch như kế sinh nhai chính cũng chịu thiệt hại nhiều nhất trong đại dịch. Những nhóm này cần được tiếp cận với các khóa đào tạo về y tế và an toàn cũng như cách họ có thể thích ứng tốt nhất với môi trường du lịch mới cùng nhiều yêu cầu mới từ khách hàng. Vì vậy, để du lịch được phát triển trở lại, phân khúc này cần được nâng cao nhận thức về y tế và an toàn. Chẳng hạn như dạy họ cách đeo khẩu trang đúng cách, dạy họ cách thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên, cách quảng bá hoạt động trên Google, cách giới thiệu bản thân và hoạt động của mình trên môi trường trực tuyến hay nhiều công cụ tương tự. Một số hoạt động như vậy đã được thí điểm tại Thái Lan vào tháng 12 năm ngoái và PATA đang quan tâm đến việc mở rộng hoạt động này sang các thị trường khác.

Dự báo về tình hình phục hồi du lịch

Trong bối cảnh tình hình toàn cầu thay đổi nhanh chóng, về vấn đề y tế và du lịch, thông tin và triển vọng phát triển của ngành đang được liên tục cập nhật. Đặc biệt là về tâm lý của người tiêu dùng, định hướng phát triển các sản phẩm du lịch cũng như sự thay đổi về mặt chính sách.

Theo dự báo của PATA, du lịch có thể phục hồi về mức 2019 vào năm 2024 tới. Đồng thời, triển vọng phục hồi cũng không đồng đều giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Có một số ví dụ nổi bật như Maldives – nơi dự kiến sẽ có lượng khách quốc tế trong năm nay đạt mức khoảng 90% so với năm 2019.

Vì vậy, mục tiêu của PATA và của ngành du lịch khu vực nói chung là giúp tìm ra các phương pháp phục hồi du lịch hiệu quả nhất. Đồng thời tìm cách xác định các thị trường nguồn mới trong khi chờ đợi các thị trường cũ mở cửa lại, cũng như gợi mở các quy định về y tế và an toàn giúp hành trình thăm thú của du khách được thuận lợi. PATA cũng đang tìm kiếm các tuyến đường nhanh nhất để đưa doanh nghiệp lữ hành hoạt động trở lại.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100