Theo Tờ trình, sự chuyển hướng nhanh đến bất ngờ từ công nghệ sản xuất phim nhựa 35mm sang công nghệ số đã đặt điện ảnh Việt Nam trước những thách thức mới, đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn về trang thiết bị, kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực trong tất cả các công đoạn làm phim, từ sản xuất đến phát hành, phổ biến và lưu trữ phim. Đây là yếu tố đòi hỏi chúng ta phải có những quyết sách kịp thời vừa ứng phó với sự biến động của công nghệ, vừa tạo nền tảng để điện ảnh Việt Nam hội nhập quốc tế. Cần quan tâm đến đầu tư không chỉ về trang thiết bị mà trước hết là phát triển nguồn nhân lực với tư duy nghệ thuật sáng tạo, kiến thức và kỹ năng sản xuất mới để theo kịp với tiến trình đổi mới, hội nhập quốc tế khi gia nhập cộng đồng ASEAN, WTO…

Xây dựng Chiến lược, trong đó đề ra những phương hướng, mục tiêu, giải pháp để ngành điện ảnh Việt Nam phát triển bền vững là thực hiện Luật Điện ảnh (Điều 8 quy định về xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển sự nghiệp điện ảnh). Chỉ có Chiến lược mới cụ thể hóa được từng bước đi cho ngành điện ảnh trong sáng tác, sản xuất, phát hành và phổ biến phim, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư chuyển đổi công nghệ kỹ thuật, đầu tư tài chính, hợp tác quốc tế, xã hội hóa hoạt động điện ảnh… theo hướng “củng cố và phát triển nền điện ảnh Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc; hiện đại hoá công nghiệp điện ảnh” đã được chỉ ra trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Với quan điểm, xây dựng nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc, sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, giáo dục, thẩm mỹ, giải trí, đạt hiệu quả kinh tế-xã hội cao, theo đúng định hướng phát triển văn học, nghệ thuật của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ mới. Phát triển điện ảnh Việt Nam theo hướng công nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, Nhà nước tạo hành lang pháp lý và cơ hội bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển điện ảnh; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trong các lĩnh vực: sản xuất phim, phổ biến phim, đào tạo nguồn nhân lực và đổi mới kỹ thuật công nghệ. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động điện ảnh, khuyến khích các nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao số lượng và chất lượng tác phẩm điện ảnh, mở rộng thị trường điện ảnh và hợp tác quốc tế.