Bộ Tài chính cũng đang đề xuất giảm thuế suất thuế NK ưu đãi của 170 mã hàng hóa từ 1/1/2014. Theo Bộ Tài chính, biểu thuế hiện hành có 9.556 dòng thuế. Thực hiện cam kết WTO năm 2014 có 393 dòng thuế thuộc diện cắt giảm, trong đó có 223 dòng thuế đã có mức thuế suất hiện hành năm 2013 thấp hơn hoặc bằng mức cam kết WTO năm 2014 nên chỉ còn 170 dòng thuế phải điều chỉnh giảm mức thuế suất xuống bằng mức cam kết WTO năm 2014.

Theo đề xuất này, trong năm tới sẽ giảm thuế suất thuế NK ưu đãi đối với nhiều mặt hàng thực phẩm như: Cá hồi vân (cá hồi nước ngọt), cá hồi Đại Tây Dương, cá trích giảm từ 12% xuống còn 10%.

Tuy nhiên, việc tăng mức thuế suất NK của một số mặt hàng thủy sản như: cá thu, tôm, nhuyễn thể, cua ghẹ… đang khiến các DN không khỏi lo lắng. Hiện nay, các DN XK tôm đang thiếu nguyên liệu trầm trọng và sản xuất cầm chừng không đủ nguyên liệu vì tôm chết do dịch bệnh, sản lượng nuôi trồng đạt mức thấp. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi thương lái đẩy mạnh mua tôm nguyên liệu tươi đưa sang Trung Quốc.

10 tháng đầu năm nay, XK hải sản cũng giảm mạnh hơn so với dự đoán của nhiều DN, trong đó có nguyên nhân lớn là thiếu nguyên liệu trong nước phục vụ cho hoạt động XK. Tính đến giữa tháng 10/2013, XK mực bạch tuộc giảm kỷ lục gần 16%; nhuyễn thể hai mảnh vỏ cũng giảm gần 5% sau 3 năm liên tiếp sụt giảm. Sau một năm khá khả quan, XK cua ghẹ và giáp xác khác cũng giảm gần 12% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Để đẩy mạnh XK, đa dạng hóa sản phẩm, nhiều DN buộc phải chọn phương án NK nguyên liệu để chế biến XK do nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng khoảng 30% công suất của nhà máy. Chỉ trong vòng 5 năm từ 2009 – 2012, tổng kim ngạch NK thủy sản đã tăng gấp đôi lên gần 700 triệu USD. Như vậy, với mức tăng thuế suất NK như Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ, hoạt động sản xuất, XK của DN hải sản sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay.