Tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội lớn về thương mại, đầu tư… song cũng đứng trước nhiều thách thức, buộc phải nâng cao cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cải cách mạnh hơn về môi trường đầu tư kinh doanh. Nhận định này được đưa ra tại Hội thảo “Đàm phán hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các lợi ích và thách thức mới cho doanh nghiệp” tổ chức chiều nay (16/8), tại Hà Nội.

Đàm phán Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một đàm phán thương mại tự do giữa 12 nước thành viên, với mục tiêu thiết lập một khu vực thương mại tự do chung cho các nước đối tác trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Theo các chuyên gia kinh tế, riêng về thương mại, khi Hiệp định này có hiệu lực, 90% dòng thuế sẽ được giảm về 0%. Đàm phán Đối tác Xuyên Thái Bình Dương gồm nhiều đối tác quan trọng của Việt Nam như: Mỹ, Nhật Bản, Australia… Nhiều mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản của Việt Nam có khả năng mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu do thuế suất giảm sâu.

Chẳng hạn, hiện nay ngành dệt may xuất khẩu vào Mỹ với mức thuế suất trung bình 17%, cao nhất 32%, thì khi thuế giảm xuống 0%, kim ngạch xuất khẩu có thể tăng mạnh.

Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương là một trong những đàm phán thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, bao gồm không chỉ các vấn đề về mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ mà còn cả những vấn đề phi thương mại.