Đặc biệt, trong một số trường hợp như đối với Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là những hiệp định thương mại mang tính đa phương mới, có mức độ tự do hóa cao hơn. Khi tham gia những hiệp định này, Việt Nam cần phải cam kết sâu hơn đối với những nội dung truyền thống như hàng hóa hay dịch vụ mà còn cả những nội dung phi truyền thống như lao động, môi trường, thương mại điện tử…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, để thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế đa tầng nấc, Việt Nam không nên hội nhập một cách hình thức, mà phải hội nhập thực chất để phục vụ mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, phân bổ lại nguồn lực theo hướng hiệu quả và minh bạch hơn.

“Cần có sự thay đổi về định hướng chính sách phát triển. Để phục vụ mục tiêu phát triển, các cấp độ hội nhập kinh tế quốc tế đều cho phép dành đối xử đặc biệt và khác biệt cho những nước đang phát triển như Việt Nam. Chúng ta có thể tận dụng nhưng không nên lạm dụng sự đối xử đặc biệt và khác biệt đó. Việc có được 1 thời gian chuyển đổi dài để duy trì một biện pháp hỗ trợ thiếu hiệu quả nào đó sẽ không tốt bằng việc chủ động tái cơ cấu và thúc đẩy tính cạnh tranh. Môi trường cạnh tranh đến lượt nó sẽ thúc đẩy việc nâng cao năng suất trình độ công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, những thành tố hết sức quan trọng đối với phát triển bền vững trong dài hạn”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chỉ rõ.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển thì cho rằng, Việt Nam cần phải tiếp tục gắn hội nhập kinh tế quốc tế với cải cách trong nước. Hai tiến trình này có mối quan hệ biện chứng nhau bởi chủ động cải cách là để tạo tiền đề cho hội nhập và ngược lại, lấy hội nhập với bên ngoài để thúc đẩy cải cách trong nước.

“Lấy cải cách, lấy hội nhập kinh tế làm trọng tâm, đồng thời đẩy mạnh hội nhập trên những lĩnh vực khác. Ở trong nước thì lấy cải cách kinh tế làm trọng tâm, đồng thời mở rộng diện cải cách sang các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Trước hết là phải cải cách hệ thống chính trị bởi cải cách hệ thống chính trị sẽ mở đường cho cải cách kinh tế và phải làm sao cải cách chính trị đồng bộ với cải cách kinh tế để tác động ngược trở lại tích cực hơn đối với cải cách kinh tế”, ông Tuyển cho biết.