Ông Sveinung Roren- Trưởng đoàn đàm phán phía EFTA đã dự đoán như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương. Ông Sveinung Roren cho rằng, đơn giản hóa các quy tắc, thủ tục xuất nhập khẩu cùng với việc cung cấp các thông tin về quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi thương mại là những yếu tố quan trọng đằng sau sự gia tăng này.

Đáng chú ý, trong quá trình phân tích các tác động của FTA Việt Nam- EFTA đối với quan hệ thương mại song phương, Na Uy đang nhìn thấy nhiều tiềm năng lớn để thúc đẩy nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam vào thị trường này.

Ông Sveinung Roren chia sẻ, Na Uy được biết tới là quốc gia nhập khẩu lớn các mặt hàng thực phẩm. Ước tính khoảng 50% lượng tiêu thụ thực phẩm của Na Uy được nhập khẩu từ các quốc gia khác. Trong khi đó, nhập khẩu nông sản của Na Uy từ Việt Nam chỉ đạt khoảng 13 triệu USD, dù đã tăng đáng kể nhưng vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với tổng lượng nông sản nhập khẩu. Các mặt hàng nông sản chủ yếu mà Na Uy nhập từ Việt Nam là các loại hạt, cà phê, rau, trái cây…

Theo ông Sveinung Roren, tác động tích cực của FTA đối với Việt Nam là mang lại nhiều lợi ích trong việc tăng xuất khẩu các mặt hàng nông sản vào 4 thị trường khối EFTA. Riêng đối với thị trường Na Uy, Việt Nam có lợi thế hơn so với các nước không có FTA khi tiếp cận, và việc có FTA cũng nói lên rằng, hàng hóa của Việt Nam được đánh giá khá cao tại đây.

Ông Sveinung Roren cũng khuyến cáo: Doanh nghiệp hai bên nên tích cực tìm hiểu thị trường của nhau và thiết lập các mối quan hệ hợp tác ở giai đoạn này. Đây sẽ là những tiền đề quan trọng để khai thác tốt FTA trong tương lai.