Dệt may Việt Nam cần tỉnh táo trước làn sóng “đầu tư cơ hội” của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc muốn hiện thực hóa ý đồ biến Việt Nam thành nơi xuất khẩu hộ cho họ

Ngày hôm qua, 1 tập đoàn của Trung Quốc đầu tư 200 triệu USD vào sản xuất dệt may tại Hải Dương, cùng ngày 1 liên doanh khác được chấp nhận đầu tư vào dệt may hơn 120 triệu USD tại Bình Dương.

Sự đổ bộ ồ ạt của các nhà đầu tư Trung Quốc trong thời gian gần đây đang khiến nhiều người lo ngại, khi cho rằng các DN Trung Quốc đang tận dụng các cơ hội giảm thuế 0% từ Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam sắp ký kết. Nguy cơ ngành dệt may Việt “may nhờ, xuất khẩu hộ” ngày càng rõ rệt hơn bao giờ hết.

Ồ ạt FDI Trung Quốc vào dệt may

Ngày 6/10/2014, Tập đoàn TAL (Hong Kong) cũng được Hải Dương chấp nhận đầu tư 200 triệu USD giai đoạn 1 Nhà máy sản xuất sợi, dệt nhuộm và may mặc. Nhà máy được đặt tại KCN Đại An, khu công nghiệp lớn của Hải Dương.

Dự kiến cả giai đoạn 1 và 2 của TAL tại Hải Dương có tổng vốn 600 triệu USD. Hiện, Tập đoàn TAL đã đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam từ năm 2004 với 1 nhà máy tại Thái Bình và có nhiều sản phẩm xuất đi Mỹ với các thương hiệu như Burberry, Banana Republic, Tommy Hilfiger…

Cùng ngày, 1 liên doanh khác của Tập đoàn Haputex Development Limited (Hồng Kông) và Cổ phần Đầu tư phát triển Việt Hương đã đầu tư 120 triệu USD xây dựng Công ty TNHH liên doanh Nam Phương Textile Limited. Dự án rộng 12ha tập trung vào lĩnh vực dệt vải, sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2015.

Trước đó, tháng 4/2014, tập đoàn Dệt may Yulun Giang Tô (Trung Quốc) được Nam Định cấp phép xây dựng nhà máy sản xuất sợi – dệt – nhuộm với số vốn 68 triệu USD. Cũng tại thủ phủ ngành dệt may lớn nhất Việt Nam, một nhà đầu tư Hồng Kông cũng đề xuất xây dựng dự án Khu công nghiệp dệt may hơn 1.000 ha.

Năm 2013, tập đoàn Dệt may Texhong (Hồng Kông) cũng đã xây dựng nhà máy sản xuất sợi 300 triệu USD tại Quảng Ninh.

Tại TP HCM, địa phương được đánh giá là không ưa những dự án dệt may vì chiếm quỹ đất lớn, ô nhiễm môi trường và sử dụng lao động chất lượng thấp thì đầu năm 2014 cũng đã chấp nhận cho hai nhà đầu tư là Sheico (Đài Loan) cam kết đầu tư 50 triệu USD và Công ty Gain Lucky Limited thuộc tập đoàn Shenzhou International (Trung Quốc), triển khai dự án dệt sợi, vải và may thành phẩm chuyên dụng thể thao.