Tại cuộc họp của Ủy ban Quy tắc xuất xứ của WTO vào ngày 30 tháng 4 vừa qua, các nước kém phát triển (LDCs) đã thúc giục các thành viên WTO nhanh chóng thực hiện Quyết định của Hội nghị Bộ trưởng Bali tháng 12 năm 2013 về quy tắc xuất xứ ưu đãi. 

Các thành viên WTO cũng thống nhất bắt đầu bằng việc “thực hành kiến thức” để giúp các thành viên hiểu rõ hơn về tác động của quy tắc xuất xứ không ưu đãi quốc gia trong thương mại quốc tế.

Nhóm LDCs đã đưa ra một danh sách đề xuất “các yếu tố cần thảo luận” nhằm tiến tới thực hiện một cuộc trao đổi về cách thức các thành viên cần đáp ứng Quyết định Bali 2013 và xác định cách tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các sản phẩm của các quốc gia LDC. Danh sách này đưa ra 6 câu hỏi cụ thể cho các nước cấp ưu đãi khi áp dụng các cơ chế về quy tắc xuất xứ.

Thay mặt nhóm, Bangladesh cho rằng các nước cấp ưu đãi không sử dụng chung một hệ thống quy tắc xuất xứ duy nhất. Tuy nhiên, có “bằng chứng rõ ràng” rằng, trong điều kiện nhất định, việc cải cách quy tắc xuất xứ để phản ánh đúng thực tế các chuỗi giá trị toàn cầu hiện nay và thực tế thương mại có thể tạo ra kết quả tích cực cho nước kém phát triển.

Quyết định Bali 2013 đưa ra hướng dẫn cho các thành viên để phát triển các thỏa thuận về quy tắc xuất xứ áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia LDC với mục đích tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho hàng hóa của các quốc gia LDC. Quyết định Bali 2013 cũng kêu gọi các thành viên nên xem xét lại sự phát triển quy tắc xuất xứ ưu đãi áp dụng cho các nước kém phát triển nhập khẩu mỗi năm một lần.

Một số thành viên của nhóm LDC cho biết quy tắc xuất xứ ưu đãi là một trong những ưu tiên hậu Bali của họ và rằng đây là thời điểm để thực hiện Quyết định 2013.

Canada cho biết quy tắc của hệ thống nguồn gốc xuất xứ của mình nói chung là phù hợp với hướng dẫn của Quyết định Bali. EU cam kết sẽ sớm trả lời cho 6 câu hỏi của nhóm LDC và mong muốn tiến hành thảo luận về các đề xuất của nhóm. Mỹ lưu ý rằng nước này đang tiến hành các hành động pháp lý để khôi phục lại hệ thống ưu đãi tổng quát cho các nước LDCs thông qua Quốc hội Mỹ, trong khi đó Trung Quốc gần đây cũng đã có những thay đổi chương trình miễn thuế của mình, mà kết quả là nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia LDC đã tăng 27% trong quý đầu tiên của năm 2015.

Ban Thư ký WTO cũng đã có báo cáo về các quy tắc xuất xứ không ưu đãi được thực hiện bởi các thành viên cũng như thực trạng tiến độ của chương trình công tác WTO trong việc hài hòa hóa các quy tắc xuất xứ không ưu đãi. Ngoài ra, Ban thư ký của Tổ chức Hải quan thế giới đã trình bày về tình hình thực hiện quy tắc xuất xứ không ưu đãi. Các thành viên khác trình bày về thực trạng các hoạt động và pháp luật hiện hành của mình.

Một số thành viên tham gia tranh luận rằng những quy tắc xuất xứ không ưu đãi vẫn là một công cụ chính sách thương mại rất phù hợp và rằng chính sự thiếu hài hòa đang là yếu tố cản trở thương mại quốc tế. Chủ tọa hội nghị đã kết luận rằng cần tiếp tục thực hiện việc thực hành kiến thức  tại cuộc họp Ủy ban tiếp theo và đề xuất mở rộng và phân tích sâu sắc thêm về các quy định hiện hành.

Hội nghị kết thúc với việc bầu ông Christian Wegener (Đan Mạch) thay ông Chen làm chủ tịch Ủy ban.

Theo: Tổ chức Thương mại Thế giới – PT