Phán quyết gần đây của WTO đối với quy định dán nhãn hàng hóa của Mỹ cho thấy bằng cách nào các quy tắc thương mại quốc tế có thể vượt lên trên ưu tiên của quốc gia. Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại của WTO cho phép một nước thành viên ban hành quy định dán nhãn xuất xứ hàng hóa miễn là quy định đó không hạn chế hoặc bóp méo thương mại và do đó Quốc hội Mỹ đã đưa yêu cầu dán nhãn vào Đạo luật nông nghiệp năm 2008. Ngay sau đó, Canada và Mexico đã phản đối mạnh mẽ. Tuy nhiên, do chi phí để theo dõi và cách ly gia súc nhập khẩu tăng khiến các nhà chế biến thịt của Mỹ giảm mua gia súc từ bên ngoài. Theo WTO, điều này cũng không nhất thiết là vấn đề, nhưng quan trọng hơn là Mỹ đã không thể chứng minh được những tổn hại không tránh khỏi cho một đối tượng mục tiêu mà quy định pháp lý này hướng tới.

Liên quan đến quy định kéo dài 7 năm của Mỹ về yêu cầu dán nhãn công bố xuất xứ trên sản phẩm thịt bò và thịt heo, ngày 18 tháng 5 vừa qua, WTO đã công bố kết luận lần thứ 4, trong đó cho rằng quy định này của Mỹ vi phạm các thỏa thuận quốc tế, gây thiệt hại cho các nhà cung cấp thịt của Mexico và Canada mà không mang lại lợi ích tương xứng cho người tiêu dùng.

Hiện tại các nhà xuất khẩu của Mỹ đang phải đối mặt với án phạt thương mại có thể lên đến 2 tỉ USD thông qua các biện pháp trừng phạt của Canada và Mexico nếu quy định dán nhãn không được gỡ bỏ hoặc tiết giảm. Chủ tịch Ủy ban Nông nghiệp Hạ viện Mỹ mới đây đã giới thiệu một dự luật về chấm dứt quy định dán nhãn đối với thịt bò, thịt lợn như một bước đi nhằm tránh lặp lại cuộc chiến thương mại đối với sản phẩm thịt gà.

Những người phản đối việc trao cơ chế đàm phán nhanh (TPA) cho chính quyền Tổng thống Obama và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) lập luận rằng chỉ riêng yêu cầu dán nhãn cũng đã cho thấy cách mà những thỏa thuận thương mại có thể gây tổn hại đến người tiêu dùng. Nhưng như WTO đã chỉ ra, quy định này miễn trừ áp dụng đối với thịt đã được cắt miếng. Nguyên tắc an toàn được áp dụng tại đây là quy định của chính quyền liên bang rằng tất cả các sản phẩm thịt được bán tại Mỹ phải vượt qua được đợt kiểm tra với các tiêu chí ít nhất phải tương tự như của Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Obama nói rằng TPP sẽ nâng cao tiêu chuẩn tại các nước đối tác thương mại với Mỹ thay vì là cuộc chạy đua giật lùi trong các tiêu chuẩn. Đó là mục đích đúng đắn và Quốc hội Mỹ cần đảm bảo rằng bất kỳ hiệp định thương mại nào cũng phải đáp ứng được mục tiêu đó.