Trong tháng 5/2015, quá trình đàm phán một số hiệp định thương mại tự do được thúc đẩy mạnh mẽ.

Ngày 29/5: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên đường dự ký FTA Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu

Việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ tạo khuôn khổ pháp lý thông thoáng và ổn định để phát triển quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với các nước thành viên của Liên minh; từ đó, tăng cường quan hệ song phương và trao đổi các biện pháp nhằm triển khai cụ thể Hiệp định với từng nước.

Ngày 24/5: Hồng Kông kỳ vọng ký kết FTA với ASEAN cuối năm nay

Ngày 24/5, phát biểu tại Diễn đàn lãnh đạo ASEAN được tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông CY Leung cho biết ông mong muốn kết thúc thành công các vòng đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) Hồng Kông-ASEAN vào cuối năm nay. FTA Hồng Kông – ASEAN dự kiến ​​sẽ bao gồm việc loại bỏ, giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế quan; quy tắc xuất xứ ưu đãi; tự do hóa thương mại dịch vụ; tự do hóa đầu tư, xúc tiến và bảo hộ đầu tư, cơ chế giải quyết tranh chấp nảy sinh.

Được sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc, Hồng Kông đã giành được sự đồng thuận của ASEAN để tiến hành đàm phán chính thức FTA Hồng Kông-ASEAN từ tháng 7 năm ngoái. “Vòng thứ ba của quá trình đàm phán FTA này vừa kết thúc tháng trước tại Hồng Kông. Tất cả đang tiến triển khá thuận lợi”, ông Leung khẳng định.

Các doanh nghiệp ASEAN có thể thiết lập cơ sở sản xuất tại Hồng Kông, sản xuất hàng hóa đáp ứng các quy tắc xuất xứ của hiệp định CEPA (hiệp định đối tác kinh tế chặt chẽ hơn giữa Trung Quốc và Hồng Kông) nhằm được miễn thuế xuất khẩu khi bán vào Trung Quốc. Các công ty ASEAN cũng có thể chỉ đơn giản là đối tác của một công ty Hồng Kông để tận dụng tất cả những lợi thế hiệp định CEPA dành các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ.

Ấn Độ, Ireland thúc đẩy FTA Ấn Độ-EU đi đúng hướng

Ireland hy vọng việc kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên và tạo cơ hội lớn hơn cho các công ty Ấn Độ thâm nhập vào thị trường EU bao gồm 28 nước thành viên.

Nhiều vấn đề đã được đưa ra thảo luận trong cuộc gặp gần đây giữa Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Ấn Độ Nirmala Sitharaman và Bộ trưởng việc làm, doanh nghiệp và cải cách Ireland Richard Bruton. Trong cuộc gặp, hai Bộ trưởng cũng đã thảo luận về các cách thức thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương. “Chúng tôi đã thảo luận về sự hợp tác giữa hai nước chúng ta trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, dược phẩm, các dịch vụ. Các công ty Ấn Độ để coi Ireland như một cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang châu Âu”, Bộ trưởng Bruton khẳng định. Trong giai đoạn 2013-2014, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đứng ở mức 972 triệu USD.

Hiệp định thương mại Việt Nam-EU có thể sớm ký kết mùa Hè này

Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) đang trong giai đoạn cuối cùng đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do nhằm có thể đi đến ký kết trong thời gian sớm nhất. Hội thảo thông báo cho các doanh nghiệp Bỉ về những cơ hội mà họ sẽ có được một khi hiệp định được ký kết.

ông Mauro Petriccione, Phó Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Thương mại thuộc Ủy ban châu Âu (EC), Trưởng đoàn đàm phán EVFTA, cho biết đến nay trong tiến trình đàm phán, những lĩnh vực mà hai bên đã đạt được là đồ gỗ, dịch vụ, đầu tư, hàng rào thuế quan, mua sắm chính phủ, sức cạnh tranh, phát triển bền vững. Ông cũng đánh giá cao nền kinh tế Việt Nam năng động, phát triển tốt và có nhiều triển vọng cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ châu Âu.

Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) Vương Thừa Phong nêu lên những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam như khả năng cạnh tranh thấp so với các doanh nghiệp EU về vốn, công nghệ, quy mô, kinh nghiệm, thiếu kỹ năng quản lý kinh doanh, chất lượng nguồn nhân lực thấp. Việt Nam hiện vẫn phải đối mặt với các vấn đề xã hội như khoảng cách giàu-nghèo, sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, tác động môi trường và các vấn đề phát triển bền vững.

Đại sứ cũng đề cập tới những lợi ích mà EVFTA sẽ mang lại cho nền kinh tế Việt Nam và EU như tạo ra thị trường, môi trường kinh doanh ổn định, thúc đầy tăng trưởng trưởng kinh tế cho cả hai bên. Bên cạnh đó, EVFTA có thể giúp EU cân bằng thâm hụt thương mại với Việt Nam, thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều thông qua tự do hóa thương mại và tiếp cận thị trường.

Ông Geert Bourgeois, Thủ hiến các chính phủ vùng Flanders, nhấn mạnh Việt Nam là đối tác quan trọng và đáng tin cậy của EU, vì thế EVFTA sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế hai bên.

Hiện tại, EU là bạn hàng lớn thứ hai về xuất khẩu, thứ năm về nhập khẩu của Việt Nam. Sau khi ký Hiệp định, sẽ có 90% hàng hóa của Việt Nam vào thị trường EU được hưởng mức thuế suất 0%.

Nhật Bản, EU còn nhiều bất đồng trong đàm phán FTA

Bộ Ngoại giao Nhật Bản vừa thông báo Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc vòng đám phán lần thứ 10 về hiệp định thương mại tự do song phương (FTA). Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU ở châu Á, sau Trung Quốc. Tổng GDP của Nhật Bản và EU chiếm hơn 1/3 tổng sản lượng kinh tế của thế giới.

Tại vòng đàm phán hai bên đã tổ chức các phiên thảo luận hiệu quả đối với các lĩnh vực như thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, các biện pháp phi thuế quan, mua sắm chính phủ và một số vấn đề khác. Lịch trình của các vòng tiếp theo sẽ được sắp xếp phù hợp nhưng nội dung chi tiết không được công bố.

EU đề nghị Nhật Bản cắt giảm bớt rào cản khi xem xét cấp phép cho các hãng nước ngoài xây dựng các dự án đường sắt của nước này và các công trình công cộng do chính quyền các địa phương đầu tư, EU kêu gọi Nhật Bản xóa bỏ thuế quan đối với nông sản và các sản phẩm chế biến như pho mát. Ngược lại, Nhật Bản bày tỏ mong muốn nhiều hơn nữa các công ty tư nhân nước mình được tham gia vào ngành công nghiệp điện của EU và yêu cầu EU cắt giảm thuế quan đối với xe hơi nhập khẩu từ Nhật Bản. Tuy vậy, không bên nào bày tỏ dấu hiệu thỏa hiệp.

Nhật Bản và EU có kế hoạch tiếp tục đàm phán cấp chuyên viên trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh các nhà lãnh đạo hai bên vào cuối tháng 6 tới. Dự kiến, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ​​sẽ tái khẳng định với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mục tiêu đạt được FTA này vào cuối năm nay.

Hàn Quốc khởi động đàm phán FTA với các nước Trung Mỹ

Theo thông cáo báo chí ngày 14/5 của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Cho Tae-yong sẽ đề nghị các nước Trung Mỹ, thành viên của Hệ thống Hội nhập Trung Mỹ (SICA), bắt đầu thương lượng về một hiệp định thương mại tự do (FTA) tại một cuộc họp tổ chức ở Guatemala vào ngày 15/5 tớivà sẽ công bố việc hoàn tất các thủ tục trong nước cần thiết để bắt đầu các vòng thương lượng về FTA Hàn Quốc-Trung Mỹ. Tại cuộc họp này, Hàn Quốc và các thành viên SICA, bao gồm Guatemala, El Salvador, Honduras, Nicaragua, Costa Rica, Panama, Bilize và Cộng hòa Dominica, dự kiến sẽ thảo luận các biện pháp làm sâu sắc hơn nữa hợp tác giữa các bên, đặc biệt trong lĩnh vực an toàn xã hội, năng lượng và hạ tầng cơ sở.

Đến nay Hàn Quốc đã ký kết được 15 FTA với 52 nền kinh tế trên thế giới. Hàn Quốc có khoảng 250 doanh nghiệp và 120.000 công dân đang sống và làm việc tại khu vực Trung Mỹ.