Thông tư liên tịch số 02/2015/TTLT- BVHTTDL-BNV quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện đã được Bộ VHTTDL và Bộ Nội vụ ký ban hành ngày 19.5.2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15.7.2015. Thông tư quy định cả hai nội dung “ mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp” và “bổ nhiệm, xếp lương” theo chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành thư viện, sẽ áp dụng được ngay khi Thông tư có hiệu lực.

Trước đây, đã có nhiều Thông tư liên tịch quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành, lĩnh vực khác nhưng chỉ quy định về “mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp” mà chưa quy định đồng bộ về “bổ nhiệm, xếp lương”. Chính vì vậy, mặc dù đã có hiệu lực thi hành nhưng các Thông tư này vẫn chưa triển khai thực hiện được mà phải chờ xây dựng bổ sung Thông tư quy định về “bổ nhiệm, xếp lương” của các viên chức chuyên ngành, lĩnh vực đó thì mới thực hiện được.

Thông tư liên tịch quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành thư viện gồm 4 chương 12 điều, được áp dụng đối với viên chức chuyên ngành thư viện làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Thông tư liên tịch là căn cứ để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức chuyên ngành thư viện đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; các cơ sở, tổ chức, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập cũng có thể vận dụng quy định tại Thông tư này để tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ viên chức chuyên ngành thư viện.

Sau khi Thông tư chính thức có hiệu lực, người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp quản lý và sử dụng viên chức có trách nhiệm rà soát lại các vị trí việc làm của đơn vị, lập phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành thư viện thuộc thẩm quyền quản lý, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền phân cấp; quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành thư viện tương ứng trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo thẩm quyền hoặc theo phân cấp, ủy quyền sau khi phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chương I Thông tư quy định cụ thể mã số và phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện, bao gồm: Thư viện viên hạng II, Thư viện viên hạng III, Thư viện viên hạng IV. Bên cạnh đó, quy định rõ tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành thư viện: Có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc được giao, tuân thủ pháp luật; thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của người viên chức trong hoạt động nghề nghiệp. Thực hiện nghiêm túc các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ của ngành; có ý thức nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác; không lạm dụng vị trí công tác, nhiệm vụ được phân công để trục lợi; yêu nghề, luôn có ý thức cải tiến nâng cao chất lượng dịch vụ thư viện để đáp ứng nhu cầu thông tin, tri thức của mọi tầng lớp nhân dân. Tôn trọng quyền được sử dụng thư viện của mọi tầng lớp nhân dân; khi phục vụ luôn có thái độ niềm nở, ân cần, tận tình, chu đáo; trang phục lịch sự, gọn gàng, phù hợp; tác phong nhanh nhẹn, khoa học, cẩn thận. Có ý thức phối hợp, giúp đỡ đồng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác…

Chương II Thông tư quy định cụ thể về “Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp” đối với Thư viện viên hạng II, hạng III, hạng IV (về nhiệm vụ; tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ và việc thăng hạng chức danh Thư viện viên hạng II, hạng III). Trong các nội dung mới của Thông tư, đáng lưu ý là tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với các chức danh nghề nghiệp của thư viện viên được yêu cầu hoàn chỉnh hơn, nâng cao hơn về mọi mặt.

Chương III đưa ra các quy định về nội dung bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp. Về nguyên tắc, việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành thư viện phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhận của viên chức. Khi bổ nhiệm từ ngạch viên chức hiện giữ vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện tương ứng không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Chương III cũng quy định cụ thể về các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp; cách xếp lương.

Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL cho biết, Thông tư liên tịch được ban hành có ý nghĩa nhiều mặt. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, Thông tư là công cụ để bổ nhiệm chức danh, xếp lương đối với viên chức ngành thư viện. Đối với các thư viện, cơ quan, đơn vị sự nghiệp, Thông tư là căn cứ để tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ngành thư viện. Đối với nhân viên thư viện, Thông tư đưa ra những tiêu chí cụ thể để có động lực phấn đấu, nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng nhu cầu thông tin, nâng cao tri thức nhân dân. Thông tư được ban hành cũng tạo cơ hội để người sử dụng thư viện được phục vụ chuyên nghiệp hơn, góp phần nâng cao trình độ dân trí, xây dựng và phát triển nhân cách con người VN, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Bà Vũ Dương Thúy Ngà cũng nhận định, Thông tư có nhiều quy định mới, cụ thể, rõ ràng. Đơn cử như nội dung phân các hạng chức danh nghề nghiệp, tương ứng là những quy định cụ thể về nhiệm vụ, tiêu chuẩn, trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Những quy định về đạo đức nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành thư viện cũng quy định thành từng tiêu chí cụ thể, khác với trước đây chỉ quy định chung chung. “Những tiêu chí này là động lực quan trọng để các cán bộ thư viện nỗ lực phấn đấu, nâng cao trình độ chuyên môn, hoàn thành tốt trách nhiệm trong công việc…”, bà Vũ Dương Thúy Ngà khẳng định.

(nguồn: Báo Văn hóa)