Ngày 28/5/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2015/NĐ-CP về Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật (CSDLQG về pháp luật). Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 20/7/2015.

Nghị định số 52/2015/NĐ-CP gồm 4 chương 28 điều quy định cụ thể về: xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan nhà nước khác ở Trung ương (bao gồm Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) trong việc xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.

CSDLQG về pháp luật được dùng chung trên toàn quốc

CSDLQG về pháp luật là tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật (gọi tắt là văn bản) dưới dạng văn bản điện tử do Chính phủ thống nhất quản lý, bao gồm các cơ sở dữ liệu thành phần: Cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật Trung ương và Cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật địa phương.

Với mục đích nhằm khắc phục tình trạng xây dựng cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật tràn lan, chồng chéo gây lãng phí ngân sách nhà nước và các nguồn lực khác, đồng thời phục vụ công tác phổ biến pháp luật theo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, Điều 2 Nghị định 52/2015/NĐ-CP quy định: CSDLQG về pháp luật được xây dựng thống nhất, dùng chung trên toàn quốc nhằm cung cấp chính xác, kịp thời văn bản phục vụ nhu cầu quản lý nhà nước, phổ biến pháp luật, nghiên cứu, tìm hiểu, áp dụng và thi hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định: Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khai thác, sử dụng miễn phí văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật (Điều 18).

Liên quan đến việc các Bộ, ngành, địa phương sử dụng chung CSDLQG về pháp luật, Nghị định quy định cụ thể về vấn đề trích xuất, kết nối, tích hợp Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật tại Điều 21, theo đó: Trang hoặc Mục văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng hoặc Trang thông tin điện tử của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải thực hiện trích xuất từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có sử dụng văn bản khi thực hiện nâng cấp hoặc xây dựng mới phải bảo đảm khả năng kết nối, tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.

Kể từ thời điểm Nghị định này có hiệu lực đến trước ngày 31 tháng 12 năm 2016 các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân cấp tỉnh hoàn thành việc trích xuất từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật về Trang hoặc Mục văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng hoặc Trang thông tin điện tử của mình (khoản 2 Điều 25).

Sử dụng chữ ký điện tử để xác thực nội dung văn bản trên CSDLQG về pháp luật

Điều 4 của Nghị định quy định: Văn bản trên CSDLQG về pháp luật được sử dụng chính thức trong việc quản lý nhà nước, phổ biến pháp luật, nghiên cứu, tìm hiểu, áp dụng và thi hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Vì vậy, văn bản trên Cơ sở dữ liệu phải bảo đảm tính chính xác, theo đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan nhà nước khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (UBND cấp tỉnh) khi thực hiện việc cập nhật văn bản phải sử dụng chữ ký điện tử để xác thực nội dung của văn bản khi cập nhật văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật (Điều 12).

Bên cạnh đó, Nghị định còn quy định: Điều 4 nêu trên chỉ được áp dụng đối với văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia có chữ ký điện tử. Quy định này không những giúp các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc sử dụng chữ ký điện tử mà còn giúp cho văn bản trên CSDLQG về pháp luật bảo đảm tính chính xác, toàn vẹn phục vụ tích cực công tác quản lý nhà nước, phổ biến pháp luật.

Tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp là đơn vị trực tiếp thực hiện việc cập nhật văn bản

Điều 13 của Nghị định quy định cụ thể trách nhiệm cập nhật văn bản của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan nhà nước khác ở địa phương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh UBND cấp tỉnh. Trong đó, Nghị định giao trực tiếp đến đơn vị thuộc các cơ quan trên thực hiện việc cập nhật, theo đó khoản 5, 6 Điều 13 quy định: Tổ chức pháp chế giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Sở Tư pháp giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc cập nhật văn bản. Đối với cơ quan không có tổ chức pháp chế, Thủ trưởng cơ quan sẽ phân công cho đơn vị trực thuộc thực hiện việc cập nhật văn bản.

Liên quan đến trách nhiệm cập nhật văn bản trên CSDLQG về pháp luật, Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan nhà nước khác ở địa phương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh UBND cấp tỉnh trong việc bảo đảm tính chính xác về nội dung và các thông tin có liên quan đến văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật thuộc trách nhiệm cập nhật của mình (khoản 1 Điều 23).

Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước đối với CSDLQG về pháp luật, Điều 22 của Nghị định quy định Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý nhà nước đối với CSDLQG về pháp luật. Trong nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của mình có trách nhiệm: xây dựng, quản lý và duy trì CSDLQG về pháp luật; bảo đảm về điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ CSDLQG về pháp luật vận hành liên tục, ổn định.

Nghị định 52/2015/NĐ-CP còn có nhiều quy định quan trọng khác giúp các Bộ, ngành, địa phương thực hiện thống nhất việc cập nhật văn bản trên CSDLQG về pháp luật như: Quy trình thực hiện cập nhật văn bản; kiểm tra kết quả cập nhật văn bản; thời hạn cung cấp, đăng tải văn bản; hiệu đính văn bản; cập nhật văn bản được ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực…

(Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp)