Tổng Cục an ninh (Bộ Công an) đã giải đáp những thắc mắc của DN lữ hành xung quanh các quy định về thủ tục nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của khách du lịch nước ngoài tại Việt Nam trong Hội nghị phổ biến Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật XNC) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015, gồm 9 chương, 55 điều, quy định chi tiết về thị thực, nhập cảnh, quá cảnh, xuất cảnh, cư trú; quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài; quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam…

DN phải nắm chắc luật

Một số quy định mới của Luật XNC vừa ban hành đã có nhiều tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của lữ hành quốc tế, đặc biệt là với khách tàu biển. Chẳng hạn như việc nâng phí visa tàu biển từ 5 USD lên 45 USD (gấp 9 lần). Rồi thay vì sử dụng một visa chung cho cả đoàn khách tàu biển (với số lượng hàng nghìn người) thì Luật XNC mới yêu cầu phải làm visa rời cho từng khách.

Một visa muốn được hoàn chỉnh phải thông qua đến 7 con dấu. Trong khi đó, khách du lịch tàu biển thường chỉ quá cảnh Việt Nam để sang nước thứ 2 hoặc tham quan mua sắm ở Việt Nam trong ngày rồi lại quay lại tàu biển đến điểm khác. Do đó DN lữ hành cho rằng Luật XNC mới sẽ khiến sự phát triển của du lịch tàu biển nói riêng và du lịch quốc tế nói chung gặp trở ngại do vấn đề thời gian, thủ tục.

Một nguyên nhân khác là cơ quan xây dựng Luật trong quá trình khảo sát đã không nhận được đầy đủ ý kiến từ đối tượng chịu tác động trực tiếp của Luật là Tổng cục Du lịch, Hiệp hội du lịch và các DN lữ hành.

Những khó khăn bất cập do một số quy định về visa tàu biển của Luật XNC đã được tháo gỡ nhờ các chỉ thị của Chính phủ. Tuy nhiên về lâu dài, việc DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch phải nắm rõ Luật XNC bởi nhiều hoạt động của DN, đặc biệt là hoạt động đón khách quốc tế tới Việt Nam liên quan trực tiếp đến việc thực hiện Luật này.

Cần thời gian kiểm định thực tế

Tại Hội nghị, Đại tá Trần Văn Dự (Phó Cục trưởng Cục Quản lý XNC, Bộ Công an) đã điểm qua tình hình thực hiện quy định xuất nhập cảnh từ thời điểm xây dựng Pháp lệnh XNC cách đây 14 năm, đồng thời phổ biến cụ thể những điểm mới của Luật XNC so với Pháp lệnh nói trên.

Những thắc mắc, vướng mắc của DN du lịch khi thực hiện Luật trong thực tế đã được lãnh đạo Cục Quản lý XNC (Bộ Công an) giải đáp cụ thể, rõ ràng từng trường hợp. Theo lãnh đạo Cục, việc phổ biến Luật đến các DN là vô cùng cần thiết, đặc biệt khi ngày 1/7/2015 tới đây, Nghị quyết về việc miễn thị thực đơn phương cho công dân 5 nước châu Âu bao gồm: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy khi nhập cảnh Việt Nam chính thức có hiệu lực.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Quản lý XNC cũng cho biết, cần có thời gian để đánh giá, nhìn nhận Luật XNC đi vào thực tiễn có vướng mắc gì và cần điều chỉnh vấn đề nào để phù hợp với thực tế. Do vậy, nếu DN gặp khó khăn hay vướng mắc trong quá trình làm thủ tục xin cấp thị thực cho khách, có thể phản ánh trực tiếp tới lãnh đạo Cục.

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết, trong thời gian tới Tổng cục Du lịch sẽ kết hợp với Cục Quản lý XNC để chia sẻ công khai thông tin và những vấn đề liên quan đến xuất nhập cảnh trên trang web của Tổng cục để phổ biến rộng rãi đến du khách và doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho DN đón khách quốc tế vào Việt Nam.

Chinhphu.vn