Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã mượn câu nói nổi tiếng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, khi ông phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được tổ chức tại TP.HCM trong 2 ngày (27/6 và 28/6/2016).

Với chủ đề “Vì ĐBSCL thịnh vượng và thích ứng với khí hậu” Diễn đàn ĐBSCL 2016 đã được khai mạc sáng 27/6 tại TP.HCM. Tới dự và chủ trì Diễn đàn có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Cao Đức Phát; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Sơn Minh Thắng.

Tham dự Diễn đàn còn có Đại diện Đại sứ quán CHLB Đức, Hà Lan; các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và TP.HCM…Diễn đàn sẽ diễn ra trong 2 ngày (27 và 28/6/2016).

ĐBSCL có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam; chiếm khoảng 12% diện tích, 20% dân số và trên 15% GDP của cả nước; là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa lớn nhất Việt Nam, đóng góp 41% giá trị sản xuất nông nghiệp, gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu (khoảng 7-8 triệu tấn/năm), cung cấp khoảng 1/5 sản lượng gạo thương mại toàn cầu. Tỷ lệ hộ nghèo là 3,9% thấp hơn bình quân cả nước (4,45%).

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã mượn một câu nói nổi tiếng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: “Hãy cứu mình trước khi trời cứu”, để nói về những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ Việt Nam trong công tác chỉ đạo ứng phó BĐKH, phòng chống thiên tai…vùng ĐBSCL. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Để triển khai các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP21, Chính phủ đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể như: Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; hoàn thiện thể chế, ban hành chiến lược, kế hoạch hành động; thành lập Ủy ban Quốc gia về ứng phó BĐKH; tăng cường các nguồn lực đầu tư; lồng ghép các yêu cầu ứng phó BĐKH vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; sử dụng bền vững tài nguyên nước.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đặc biệt lưu ý việc tăng cường các hoạt động khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn hiện nay, trong đó có việc chuyển nước sang lưu vực sông khác, và nhất là việc khai thác thủy điện trên dòng chính sông Mekong từ cao nguyên Tây Tạng trở xuống càng làm trầm trọng thêm nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngọt của vùng ĐBSCL. Việc trao đổi thông tin dữ liệu quốc tế và quốc gia liên quan đến ĐBSCL cần được tăng cường nhằm cung cấp thông tin dữ liệu một cách đồng bộ, hệ thống về quy hoạch, các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ công tác hoạch định chính sách, các quyết định đầu tư và thực hiện các kế hoạch, chương trình, dự án.