Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kinh (KNK), bên cạnh đó, nâng cao năng lực quản lý các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (NAMA) cho Bộ TN&MT và các cơ quan Bộ, ngành liên quan, thông qua thí điểm NAMA về đô thị các bon thấp trong năm 2016.

Đây là những thông tin được đưa ra tại cuộc họp lần thứ 2 Ban Chỉ đạo dự án “Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia” (SPI-NAMA), vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu – Giám đốc dự án đã trình bày những kết quả đạt được từ khi khởi động dự án đến nay và kế hoạch năm 2016 và 2017. Cục KTTV&BĐKH đã phối hợp với chuyên gia đến từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), các Bộ, ngành liên quan cùng rà soát, đánh giá các cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình về giảm nhẹ phát thải KNK, nhằm xây dựng một Nghị định của Chính phủ về Lộ trình và Phương thức để Việt Nam tham gia hoạt động giảm nhẹ KNK toàn cầu.

Dự án cũng nghiên cứu và đề xuất các văn bản quy phạm pháp luật về hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV) cấp quốc gia cho NAMA và hệ thống đăng ký và cơ sở dữ liệu cho NAMA, đồng thời tổ chức các hội thảo, khóa đào tạo, truyền thông nhằm phổ biến thông tin về NAMA.

Đối với TP Hồ Chí Minh – thành phố được lựa chọn thí điểm về NAMA về đô thị các bon thấp, Dự án đã thu thập các thông tin cần thiết để phục vụ thí điểm kiểm kê phát thải KNK, xây dựng hệ thống MRV cấp thành phố, đồng thời đề xuất các chương trình, dự án tiềm năng để thí điểm thực hiện NAMA.

Theo ông Naoki Kakioka, Phó trưởng đại diện JICA tại Việt Nam, JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho Bộ TN&MT để thực hiện hoạt động mới này, phối hợp với các Bộ ngành cùng chia sẻ các ý tưởng, phương án giảm nhẹ phát thải KNK tối ưu cho Việt Nam.