Truyền thông số, truyền thông xã hội là các phương thức truyền thông phổ biến của xã hội đương đại. Truyền thông số được hiểu là việc sử dụng các thiết bị và đường truyền với kỹ thuật số để truyền tải thông điệp truyền thông đến đích nhận. Truyền thông số cùng với các hình thức truyền thông khác (như truyền hình tương tự trên mặt đất, báo tiếng qua phát sóng radio, tạp chí bản giấy, báo giấy,…) hình thành nên hệ thống truyền thông xã hội.

Ngày này, với sự phát triển công nghệ là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư, công nghệ số được ứng dụng trên hầu hết các lĩnh vực đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội … Truyền thông không nằm ngoài xu hướng đó. Các hình thức truyền thông có xu hướng sử dụng công nghệ số: tạp chí, báo giấy dần chuyển thành tạp chí và báo điện tử, truyền hình tương tự thay thế bởi truyền hình kỹ thuật số, chương trình phát thanh, truyền thanh từng bước chuyển từ công nghệ tương tự sang kỹ thuật số. Đây là một xu hướng tất yếu của hoạt động truyền thông để phù hợp với yêu cầu và nhu cầu xủa xã hội kỷ nguyên 4.0. Vì vậy, có thể nói rằng, về khía cạnh công cụ truyền thông thì truyền thông số gần như sẽ được hiểu là truyền thông xã hội trong thời gian không xa. Nói cách khác, truyền thông xã hội sẽ gồm các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số gồm thiết bị đầu cuối, đường truyền và nhân lực vận hành.

Trong xu thế phát triển các thành tựu công nghệ của cuộc CMCN lần thứ tư như: Internet kết nối vạn vật – IoT (Internet of thing),  Dữ liệu lớn (big data), Trí tuệ nhân tạo – AI (artificial intelligence), Máy học (machine learning); công nghệ xử lý chuỗi khối (blockchain), ứng dụng công nghệ thực tế ảo – VR (virtual reality)… sẽ là các công cụ về công nghệ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động truyền thông chính sách thời kỳ mới.

Trong khuôn khổ tham luận hội thảo khoa học “Công nghệ truyền thông chính sách trong kỷ nguyên 4.0″, tôi xin được trao đổi nội dung “Truyền thông số nâng cao năng lực của xã hội trong tiếp cận và tham gia quy trình chính sách” và tập trung một số vấn đề chính: Một là cơ hội và khó khăn trong truyền thông chính sách trên môi trường số; Hai là một số yêu cầu về công nghệ đối với công tác truyền thông chính sách bằng phương thức truyền thông số; Ba là một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách trên nền tảng các công nghệ mới là thành tựu của cuộc CMCN lần thứ tư.

1. Cơ hội và khó khăn trong truyền thống chính sách

1.1. Cơ hội

a) Công nghệ số đa dạng hóa hình thức cung cấp thông tin

Với công nghệ số, các thông tin về chính sách sau khi được cơ quan có thẩm quyền ban hành sẽ được đưa lên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử. Đường truyền kỹ thuật số giúp việc truyền tải thông tin dữ liệu một cách nhanh chóng đến các kênh truyền thông: Báo điện tử, các đài truyền hình trên toàn quốc, mạng xã hội, trên các ứng dụng cho điện thoại thông minh…

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết tháng 8/2021, Việt Nam có 59.118.367 thuê bao di động băng rộng gồm cả thuê bao 3G và 4G. Số lượng thuê bao truy nhập Internet băng rộng cố định là 14.143.345 trong đó chỉ riêng số thuê bao truy nhập Internet qua hệ thống cáp quang tới nhà thuê bao – FTTH (Fiber to the Home) là 13.104.117 [1]. Có thể thấy rằng “đích đến trực tiếp” để chuyển tải/truyền thông nội dung, hình thức thể hiện nội dung chính sách trong chính lãnh thổ Việt Nam là rất lớn. Ngoài ra, các website, báo điện tử qua kênh truyền internet, tivi truyền qua vệ tinh… với tính chất “xuyên biên giới” việc cung cấp thông tin cũng như hình thức dữ liệu của thông điệp cũng có những thay đổi căn bản theo hướng rất tích cực so với trước đây.

Hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tạo ra âm thanh, cử chỉ của một biên tập viên truyền hình (ảo). Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo kết hợp với dữ liệu lớn trên internet về văn bản, chính sách, biên tập viên (ảo) này sẽ có khả năng tổng hợp, phân tích dữ liệu có liên quan đến chính sách trên internet một cách siêu việt thông qua máy tính điện tử. Nguy cơ hiện hữu đối với nghề biên tập viên truyền hình cũng như biên tập các báo điện tử. Trí tuệ nhân tạo cũng có thể phân tích nhu cầu, mong muốn của người dân khi tìm kiếm, tra cứu văn bản để lựa chọn văn bản (có chứa nội dung chính sách) một cách phù hợp nhất.

b) Phạm vi, quy mô lớn, mức độ lan truyền nhanh chóng

Việc cung cấp thông tin kịp thời đến với người đọc là một yếu tố quan trọng đảm bảo tính thời sự của thông tin. Thông tin phong phú, kịp thời tạo điều kiện để người dân lựa chọn, tiếp cận tri thức hữu ích cho bản thân. Với công nghệ số và các ứng dụng trên nền tảng internet, thông tin dữ liệu được truyền đưa với tốc độ rất nhanh theo tỉ lệ hàm mũ so với số lượng nguồn phát tin.

Với công nghệ số, khái niệm “biên giới” cho kết nối để tương tác hầu như ít được đề cập bởi vốn dĩ các mạng được tạo nên nhằm mở rộng các liên kết nội vùng, ngoại vùng và xuyên biên giới theo nghĩa phạm vi địa lý. Internet nói chung và các công nghệ mạng trên nền tảng công nghệ internet như: Internet vạn vật, dữ liệu lớn, chuỗi khối, máy học… đã tạo điều kiện rất thuận lợi trong tự động thiết lập dữ liệu truyền thông, kết nối và chia sẻ dữ liệu xuyên biên giới trên nhiều kênh truyền với tốc độ cao như internet cáp quang, mạng vệ tinh, mạng di động và các mạng truyền thông không dây khác có kết nối internet theo các họ chuẩn 802 như 802.11 (WIFI), 802.15 (PAN), 802.16 (WiMAX)…

c)  Tạo điều kiện hoàn thiện quy trình chính sách

Trước đây, thông tin về chính sách chủ yếu chỉ trên báo giấy, truyền hình, hay trên báo điện tử của cơ quan nhà nước, đọc giả nhận thụ động và rất khó để tương tác. Tuy nhiên hiện nay, các kênh truyền dữ liệu số đều có gắn chức năng tương tác giữa người đọc với kênh truyền đó với nhiều sắc thái biểu đạt. Tương tác này có thể là bình luận, biểu cảm, hình ảnh, bản nhạc, video,… mức độ lan truyền nhanh chóng trên các nền tảng công nghệ số, dữ liệu truyền đi, hiển thị gần như trên thời gian thực. Công nghệ số đã hỗ trợ năng lực tương tác của người dân với chính sách khi họ được tiếp nhận qua các kênh truyền thông.

Quá trình chính sách thường bao gồm các giai đoạn chính, theo trình tự thời gian là: Lập chương trình nghị sự; Hình thành chính sách; Thông qua chính sách; Thực thi chính sách; Đánh giá chính sách [1]. Như vậy sau khi thông qua chính sách, truyền thông chính sách là một trong những bước đầu tiên của thực thi chính sách. Việc tương tác của người dân về chính sách thông qua các hệ thống truyền thông chính sách (bao gồm cả truyền thống số) là một bước quan trọng và cũng là một kênh tham khảo không thể thiếu để đánh giá tác động của chính sách trong xã hội hiện đại – Kỷ nguyên 4.0.

1.2. Khó khăn

a)   Tư duy về công nghệ

Phát hiện các công nghệ mới để ứng dụng vào quy trình phổ biến chính sách là việc làm không dễ. Từ quan điểm chính sách ban hành bản giấy nên hầu hết quá trình cung cấp thông tin về chính sách đến người dân chủ yếu ở dạng ký tự mà thường không kết hợp các công nghệ mới về nghe nhìn để tạo thông điệp gần gũi giúp người dân dễ hình dung, dễ nhớ hơn về chính sách.

Hơn nữa, thông thường chính sách sẽ hướng đến một nhóm đối tượng nhất định nhưng hiện nay việc phổ biến chủ yếu là đại trà mà gần như chưa áp dụng công nghệ để “khoanh vùng” đối tượng điều chỉnh của văn bản. Về phía đối tượng cần điều chỉnh đôi khi chưa thực sự hiểu rõ và cập nhật nội dung văn bản, chính sách mới, các cập nhật thay đổi cần phải biết để thực hiện theo đúng pháp luật. Đây là một trong những mắt xích quan trọng cần có sự nghiên cứu cẩn trọng giữa nhà ban hành chính sách, các cơ quan truyền thống chính sách và đối tượng điều chỉnh của chính sách tương ứng đó.

b) Nhận thức, chuẩn mực chung về chính sách

Công tác phổ biến, tuyên truyền của cơ quan thông qua chính sách của nhà nước (như Chính phủ, các bộ ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố…), các đơn vị truyền thông đến nhân dân phải đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán trên toàn lãnh thổ. Tuy nhiên, đôi khi cách hiểu và biểu đạt thông điệp truyền thông chính sách của mỗi nơi có thể khác nhau. Do vậy, hiệu quả truyền thông trên cùng một chính sách có thể chưa đạt cùng một kết quả như mong muốn. Đây là một thực tiễn khách quan tùy thuộc vào nhiều yếu tố trong đó nhân lực hiểu biết về chính sách, chuyển tải thành thông điệp truyền thông đóng vai trò quan trọng.

Về phía đối tượng điều chỉnh của chính sách: Với tỉ lệ không nhiều người dân các đô thị, thành phố lớn được tiếp cận nhiều kênh thông tin và có cơ hội để tự mình đánh giá tác động/hiệu quả của chính sách thì phần lớn người dân nhiều nơi vẫn còn nghèo, chưa có điều kiện tiếp cận được với nội dung chính sách chứ chưa nói đến đánh giá hiệu quả. Do đó, tiếp nhận các chính sách của những đối tượng đó đôi khi không đạt kết quả như mong muốn, thậm chí họ còn có thể phản kháng, theo tâm lý đám đông; nhận thức chưa đúng đắn có thể gây nên những xáo trộn, gây ảnh hưởng xấu đến gia đình, cộng đồng và xã hội.

c) Nguồn lực để truyền thông chính sách

Ứng dụng công nghệ số trong truyền thông chính sách phải đảm bảo tính đồng bộ về hạ tầng công nghệ truyền thông. Như tôi đã trình bày ở nội dung trước, ngoài việc đồng bộ trên toàn hệ thống về mặt quan điểm, chủ trương trong truyền đạt thông điệp cần đảm bảo sự đồng bộ và có sự liên kết (ví dụ giữa chính sách này với chính sách khác nhưng có liên quan đến cùng một đối tượng điều chỉnh) trong hệ thống truyền thông sử dụng công nghệ số.

Ngoài ra, xuất phát từ đặc điểm ngành nghề, hầu hết nhân lực làm công tác biên tập viên, người làm công tác truyền thông chưa được trang bị nhiều kiến thức về khoa học, năng lực công nghệ đặc biệt là công nghệ cao, thành tựu mới về công nghệ. Vì vậy, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển tải kịp thời thông tin dạng số khi có chính sách mới ra đời. Ứng dụng công nghệ để ứng phó kịp thời với khủng hoảng truyền thông, đấu tranh để phản bác luận điệu sai trái của một số phần tử xấu trong quá trình thực hiện chính sách cũng đặt ra các vấn đề mà nguồn nhân lực truyền thông cần phải xử lý một cách hiệu quả.

Dương Viết Huy


[1] Số liệu thống kê tháng 8/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông.