1. Hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông

Chính sách của nhà nước phản ánh bản chất, tính chất của nhà nước và chế độ chính trị trong đó nhà nước tồn tại; đồng thời phản ánh ý chí, quan điểm, thái độ, cách xử sự của đảng chính trị phục vụ cho mục đích của đảng, lợi ích và nhu cầu của nhân dân. Nhà nước dựa trên nền tảng nhân dân, là chủ thể đại diện cho quyền lực của nhân dân ban hành chính sách [2]. Do vậy, chính sách luôn được hình thành và song hành với sự phát triển của xã hội, trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Trong xu thế phát triển các ứng dụng công nghệ là thành tựu của CMCN lần thứ tư, kiến trúc xã hội gần như gắn liền với hạ tầng công nghệ. Hiện nay, một xã hội hiện đại thì tiêu chí tối quan trọng đó là sự phát triển công nghệ trong xã hội đó. Ví dụ Singapore là một quốc gia điển hình trong giai đoạn hiện nay đã sử dụng chính sách để thu hút các nhà công nghệ lớn trên thế giới.

Trở lại vấn đề hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam. Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới đối với 141 nền kinh tế (chiếm 99% GDP thế giới), năm 2019, trụ cột Ứng dụng công nghệ thông tin của Việt Nam tăng điểm và tăng hạng nhiều nhất (tăng 25,7 điểm và 54 bậc, từ 43,3 điểm lên 69,0 điểm và theo đó thứ hạng từ vị trí 95 lên vị trí 41). Tất cả các chỉ số thành phần trong trụ cột này đều tăng điểm, tăng hạng (như Thuê bao internet cáp quang, Thuê bao di động, Thuê bao di động băng thông rộng, Số người sử dụng internet, Thuê bao Internet băng thông rộng cố định) [1]. Có thể hiểu rằng, hạ tầng công nghệ thông tin cho hoạt động truyền thông chính sách của nước ta về cơ bản thuận lợi và có thể đáp ứng được nhu cầu truyền thông hiện đại.

2. Cơ sở dữ liệu về chính sách

Hiện nay, sản phầm các công đoạn của  quá trình chính sách thường được các cơ quan nhà nước (quốc hội, chính phủ, các bộ…) công bố rộng rãi trên không gian mạng. Các dự thảo về chính sách, chính sách được thông qua và công bố để thực thi sẽ được công bố trên cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (http://chinhphu.vn/) là nơi cung cấp rất nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản điều hành… Cổng thông tin điện tử của mỗi bộ ngành cũng có mục/chuyên mục về hệ thống văn bản về chuyên ngành theo quy định của Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày ngày 13 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ Quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, hệ thống văn bản chưa được tập trung hóa một cách thực sự có hệ thống và chưa liên thông với nhau; việc liên kết một chính sách với các văn bản chính sách có liên quan cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Để thực hiện được các nhu cầu bức thiết nêu trên, một cơ sở dữ liệu về chính sách cần phải được xây dựng theo công nghệ dữ liệu lớn (big data). Trong đó, mỗi cơ quan ban hành chính sách được xem là 1 nút mạng trong hệ thống, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia (ví dụ là Văn phòng Chính phủ hoặc Bộ Tư pháp) là đầu mối duy nhất – được xem là cơ quan phát hành văn bản/nội dung gốc về chính sách. Mỗi khi có văn bản cập nhật từ các cơ quan ban hành thì văn bản đó cần được cập nhật ngay lên cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành đồng thời cập nhật lên cơ sở dữ liệu quốc gia tập trung.

Việc ứng dụng công nghệ trong quản lý và phát hành văn bản chính sách sẽ tạo điều kiện để cơ quan tuyền thông chính sách phát/ban hành bản gốc nội dung (có thể là dạng text, dạng thông tin đa phương tiện gồm âm thành, hình ảnh…), điều này đảm bảo sự đồng bộ thông điệp truyền thông trên toàn lãnh thổ.

3. Nhân lực tham gia hệ thống truyền thông chính sách

Đặc trưng của CMCN lần thứ tư là máy móc trở thành công cụ để tối ưu hóa sức lao động của con người, con người vẫn là yếu tố trung tâm trong điều khiển và thừa hưởng thành quả, giá trị của công nghệ. Truyền thông nói chung và truyền thông chính sách nói riêng không nằm ngoài xu hướng và quy luật đó. Do vậy, để truyền thông chính sách có hiệu quả cần một đội ngũ nhân lực có mức độ chuyên môn hóa cao để phù hợp với hệ thống công nghệ tương ứng. Ví dụ, để truyền thông chính sách về văn hóa cần phải có một đội ngũ am hiểu về luật pháp, chính sách về văn hóa, đội ngũ chuyên gia về công nghệ, xử lý dữ liệu để tạo thông điệp truyền thông phù hợp với văn hóa Việt Nam và đội ngũ truyền thông trên nền tảng công nghệ số. Đội ngũ chuyên môn công nghệ phải có kỹ năng về công nghệ để có thể xử lý sự cố truyền thông, đảm bảo an toàn thông tin, toàn vẹn thông điệp truyền thông… Thật khó để một người có thể đảm nhận tốt ba chức năng nêu trên vì thông thường đầu vào của sinh viên cho các ngành đào tạo nói trên đôi khi là các khối ngành khác hẳn nhau.

Do vậy, xu hướng phát triển khoa học và công nghệ đòi hỏi việc đào tạo nhân lực các chuyên ngành báo chí, tuyên truyền cần phải được cập nhật (những) môn học mới thậm chí phải mở một mã ngành mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Trong đó cần chú trọng để nâng hàm lượng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào chương trình đào tạo.

4. Một số giải pháp

a) Đối với cơ quan quản lý, cơ quan truyền thông của nhà nước

- Cơ quan quản lý, tổ chức khoa học, công nghệ cần nghiên cứu một cách cẩn trọng, khoa học với số liệu thống kê cụ thể về tác động của truyền thông số đối với quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách. Đây là cơ sở quan trọng trong công tác quản lý nhà nước, hoạch định chính sách phát triển phương thức truyền thông chính sách trong xu thế CMCN lần thứ tư.

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong truyền thông chính sách, phù hợp với chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Bộ Chính trị đó là “Ưu tiên nguồn lực cho triển khai một số chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia về các công nghệ ưu tiên, trọng tâm là công nghệ thông tin và truyền thông” [3].

- Cơ quan truyền thông cần phối hợp với cơ quan ban hành chính sách để tạo thông điệp truyền thông về chính sách đảm bảo đúng pháp luật, phù hợp với xu thế truyền thông số, có tính liên kết trong văn bản về cùng một đối tượng điều chỉnh, tạo điều kiện để nhân dân tra cứu, tương tác với nhà nước.

- Tăng cường công tác truyền thông ở nhiều cấp, nhiều ngành, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trên cùng một thông điệp truyền thông để đảm bảo tính nhất quán trong tuyên truyền, đây là điều kiện quan trọng về sự đồng thuận quan điểm, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước để phản bác luận điệu sai trái của thế lực thù địch (nếu có) về chính sách của Nhà nước.

b) Cơ chế kết nối và chia sẻ dữ liệu về chính sách

- Xây dựng cơ chế về hành chính – công nghệ trong kết nối và chia sẻ dữ liệu về chính sách phục vụ công tác truyền thông trên nền tảng công nghệ số.

- Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về chính sách trong đó hướng mạnh đến việc quản lý tập trung hóa (có cơ quan quản lý dữ liệu gốc về chính sách) đảm bảo tính nhất quán trong cung cấp dữ liệu, an toàn thông tin của thông điệp truyền thông trên không gian mạng.

- Tạo điều kiện về công nghệ và cơ chế (kiểm duyệt) hành chính để nhân dân ở trong nước và bạn bè quốc tế có thể tiếp cận và phản hồi về chính sách, thông điệp truyền thông chính sách khi được phổ biến trên không gian mạng.

c) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

- Các tổ chức đào tạo nhân lực các ngành chuyên sâu như truyền thông đa phương tiện, công nghệ truyền thông và các ngành liên quan khác (như: luật, máy tính và công nghệ thông tin, nghệ thuật nghe nhìn, mỹ thuật ứng dụng…) cần nghiên cứu để cập nhật các môn học phù hợp với xu thế truyền thông số, truyền thông chính sách trong kỷ nguyên 4.0.

- Tập trung bồi dưỡng, tập huấn, lồng ghép vào các chương trình đào tạo ngắn hạn, dài hạn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân lực đang tham gia hoạt động truyền thông chính sách của cơ quan báo chí trên cả nước, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.

Kết luận: Truyền thông chính sách trong kỷ nguyên CMCN lần thứ tư là một hoạt động tổng hợp nhiều ngành và lĩnh vực khác nhau, không còn là một hoạt động của chuyên ngành báo chí tuyên truyền. Trong đó, công nghệ thông tin là công cụ đóng vai trò chủ đạo trong việc chuyển tải thông điệp, nội dung và hàm ý của chính sách đến nhóm đối tượng điều chỉnh của chính sách khi đã được công nghệ “khoanh vùng”. Đây là một trong những yêu cầu căn bản và đặc thù của hoạt động truyền thông chính sách đảm bảo hiệu quả truyền thông trong tình hình mới. Truyền thông chính sách trên nền tảng công nghệ số có tác động mạnh mẽ đến đối tượng điều chỉnh và mức độ tương tác ở chiều ngược lại. Kết quả nhận được này là cơ sở quan trọng để Nhà nước đánh giá tác động và hoàn thiện chính sách. Với xu thế phát triển mạnh mẽ các ứng dụng liên quan đến truyền thông nói chung và truyền thông chính sách nói riêng, các yêu cầu về hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; sự kết nối liên thông và chia sẻ cơ sở dữ liệu về chính sách; nhân lực tham gia hệ thống truyền thông chính sách là một trong các tiêu chí cơ bản để đánh giá hiệu quả hoạt động truyền thông chính sách và hội nhập quốc tế về truyền thông trong kỷ nguyên 4.0 tại Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

[1] Nguyễn Việt Phương – Viện Nghiên cứu Lập pháp, “Quy trình chính sách và phân tích chính sách trong hoạt động lập pháp ở Việt Nam”,  Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Kỳ 2 tháng 1 + Kỳ 1 tháng 2 năm 2016.

[2] PGS.TS Văn Tất Thu – Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, “Bản chất, vai trò của chính sách công”, Tạp chí tổ chức nhà nước, đăng ngày 27/01/2017.

[3] Nghị Quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Dương Viết Huy