Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với hơn 1.300 làng nghề, là một phần gắn liền với sự phát triển của thủ đô. Tuy nhiên hoạt động của các làng nghề này cũng mang đến thực trạng ô nhiễm không dễ giải quyết.

Số lượng làng nghề của Hà Nội chiếm hơn 50% tổng số làng ở khu vực nông thôn. Các làng nghề đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, tạo công việc làm cho người lao động nông thôn, góp phần tích cực đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân. Bên cạnh đó nhiều làng nghề truyền thống được gìn giữ còn góp phần bảo tồn văn hóa, lịch sử truyền thống và tạo thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, mặt trái của các làng nghề hiện nay đó là chưa giải quyết được tình trạng rác thải và ô nhiễm môi trường. Vấn đề này đã được đặt ra từ lâu nhưng giải quyết không dễ bởi làm không tốt sẽ ảnh hưởng tới việc phát triển kinh tế, công ăn việc làm của người lao động nông thôn. Song với tình trạng ô nhiễm ngày một tăng, không còn chỉ là vấn đề rác thải mà tại một số nơi đã có hiện tượng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, đất..nếu không quyết liệt tìm giải pháp sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

Theo kết quả phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề (trong tổng số 1.350 làng nghề, làng có nghề của thành phố) giai đoạn 2017-2020 của Sở NN&PTNT Hà Nội, có tới 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng (chiếm 47,6%), 95 làng nghề ô nhiễm (chiếm 32,5%), 58 làng nghề không ô nhiễm (chiếm 19,9%); tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%…Trong khi đó, kết quả phân tích mẫu nước, không khí, đất tại 228 làng nghề vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội công bố cho thấy: Về môi trường nước có 99 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 78 làng nghề ô nhiễm; môi trường không khí có 12 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 10 làng nghề ô nhiễm; môi trường đất có 6 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng…

Trong số hơn 1.300 làng nghề ở Hà Nội, chỏ có một số ít các làng nghề trong cụm công nghiệm có hệ thống xử lý nước thải, còn lại phần lớn các làng nghề sản xuất trong khu dân cư đều xả thẳng nước ra môi trường. Chất thải rắn chưa được phân loại được xả chung với rác sinh hoạt của người dân. Tại một số làng nghề còn xử lý rác nhựa bằng cách đốt gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm này trong giai đoạn tới, cần thực hiện một số giải pháp như:

- Tăng cường thực hiện Đề án nghiên cứu đánh giá tác động và giải pháp thực hiện xử lý nước thải, rác thải tại các làng nghề. Các sở, ngành đia phương tích cực, chủ động trong việc xây dựng, nâng cấp các hệ thống xử lý chât thải, nước thải đáp ứng yêu cầu.

- Đầu tư các nhà máy, các hệ thống xử lý nước thải, chất thải hiện đại từ ngân sách của thành phố tại các làng nghề hoặc các cụm làng nghề.

- Xây dựng và ban hành các quy định xử phạt nghiêm đối với các cơ sở sản xuất không đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải, nước thải. Các cơ sở làm nghề cũng phải đảm bảo việc tích cực chung tay trong hoạt động môi trường bằng cách ký cam kết bảo vệ môi trường và chịu trách nhiệm trong việc xử lý rác, nước thải của cơ sở.

- Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát tại việc xử lý chất thải rắn, nước thải tại các cơ sở sản xuất của làng nghề. Mỗi làng, xã có nghề truyền thống cần có một đội giám sát thực hiện việc kiểm tra xử lý thác, nước thải thường xuyên, định kỳ.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc bảo vệ môi trường nói chung. Để mỗi người dân tại các làng nghề chủ động trong việc thu gom, phân loại rác, xử lý rác và nước thải.

- Gắn kết trách nhiêm, vai trò của các hội nghề nghiệp, các tổ chức đoàn thể trong việc phối hợp thực hiện các chương trình bảo vệ môi trường.

- Huy động, kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa trong việc đầu tư cho các hoạt động xử lý rác thải, nước thải tại các làng nghề.

Nguyễn Lan Hương