Với 3.260 km đường bờ biển, hơn 3.000 hòn đảo, nhiều bãi biển nối tiếng, Việt Nam có đủ tiềm năng, lợi thế trở thành điểm đến của du lịch thể thao biển.

Việt Nam là quốc gia có 3.260 km đường bờ biển, hơn 3.000 hòn đảo, nhiều bãi biển nối tiếng được bạn bè quốc tế biết đến, đánh giá cao và được bình chọn trong danh sách những bãi biển đẹp nhất khu vực và thế giới như Mỹ Khê (Đà Nẵng), An Bàng (Quảng Nam), Nha Trang, Côn Đảo, Phú Quốc, Vịnh Hạ Long. Bên cạnh đó, khu vực biển đảo của Việt Nam tập trung 7 trên tổng số 13 di sản thế giới, nhiều khu dự trữ sinh quyền và bảo tồn thiên nhiên. Xét về tài nguyên, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch thể thao biển.

Trong những năm vừa qua, một số địa phương tại Việt Nam đã có hướng đi tích cực trong việc hướng tới phát triển thể thao biển theo một cách bài bản, có hệ thống, có thể kể đến như Bình Thuận. Xác định mục tiêu phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững, Bình Thuận tập trung vào thế mạnh du lịch biển, xây dựng các sản phẩm phù hợp để trở thành trung tâm du lịch thể thao biển mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Bên cạnh việc tập trung thu hút đầu tư các dự án tổ hợp, dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp có gắn với dịch vụ vui chơi, giải trí, thể thao… Bình Thuận còn đăng cai tổ chức Giải lướt ván buồm Cúp thế giới PWA Mũi Né – Việt Nam. Không chỉ có Bình Thuận, Ninh Thuận cũng là tình tập trung cho du lịch thể thao biển một cách bài bản thông qua việc đăng cai tổ chức các giải thể thao mạo hiểm dưới nước như Festival lướt ván diều, thu hút đông đảo sự tham gia của các vận động viên từ các nước trên thế giới, tạo được tiếng vang lớn.  Giải đua Thuyền buồm quốc tế và Ván chèo đứng diễn ra tại thành phố biển Quy Nhơn tỉnh Bình Định vào tháng 10 vừa qua đã thu hút hơn 100 vận động viên trong nước và quốc tế. Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi sự kiện kéo dài đến hết năm sau tại Bình Định trong đó đặc biệt có Giải đua thuyền máy Nhà nghề quốc tế Grand Prix Bình Định dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 3 năm 2024. Giải có sự tham gia của các vận động viên đến từ 30 quốc gia trên thế giới. Đây không chỉ là dịp cho những người yêu thích các môn thể thao dưới biển được chứng kiến những cuộc đua tốc độ, kịch tính, mà còn là cơ hội để quảng bá và thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Trong giai đoạn tới Bình Định muốn trở thành tâm điểm của các sự kiện đua thuyền buồm, motor nước và các môn thể thao biển khác nhằm thu hút du khách toàn cầu. Ngoài ra, Nha Trang và Đà Nẵng cũng là những địa phương tích cực, chủ động trong việc hướng tới phát triển du lịch thể thao biển thông qua việc đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao biển như Festival biển, cuộc thi Ironman quốc tế.

Theo Dự thảo Quy hoạch Hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2045, bốn dòng sản phẩm chính của du lịch Việt Nam là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch đô thị. Đề xuất phát triển thêm 3 loại hình du lịch mới, trong đó có du lịch thể thao, bao gồm du lịch thể thao biển, du lịch thể thao mạo hiềm và du lịch golf. Theo Dự thảo, du lịch biển đảo là ưu tiên hàng đầu trong định hướng phát triển của du lịch Việt nam giai đoạn này. Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển một số trung tâm nghỉ dưỡng biển cao cấp có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế như Hạ Long, Nha Trang, Vĩnh Hy, Phú Quốc, Côn Đảo, Lý Sơn. Trong đó, ưu tiên huy động nguồn lực xây dựng vịnh Hạ Long – Bái Tử Long, vịnh Vân Phong – Nha Trang – Cam Ranh, đảo Phú Quốc và một số bãi biển đẹp ở Quy Nhơn, Đà Nẵng, Bình Thuận… trở thành những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển đẳng cấp hàng đầu thế giới, nhằm tạo dựng thương hiệu và vị thế cạnh tranh quốc tế của du lịch Việt Nam. Từ dự thảo Quy hoạch có thế thấy, Chính phủ tập trung chú trọng vào phát triển du lịch biển và du lịch thể thao để phát triển trong giai đoạn tiếp theo, du lịch thể thao biển có liên quan chặt chẽ với cả 2 dòng sản phẩm chính này.

Định hướng đã được xác định rõ, trong giai đoạn tới để Việt Nam thực sự trở thành điểm đến của du lịch thể thao biển tại khu vực và quốc tế, cần triển khai một số giải pháp chính như:

- Các địa phương có tài nguyên xác định hướng phát triển phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, tránh sự trùng lập, đầu tư thiếu bài bản gây lãng phí tài nguyên.

- Tăng cường tổ chức và phối hợp tổ chức các giải thể thao biển khu vực và quốc tế để nâng cao năng lực tổ chức các sự kiện lớn, đồng thời thu hút được các vận động viên quốc tế tham dự cũng là hình thức quảng bá hình ảnh, uy tín của Việt Nam.

- Xây dựng, hỗ trợ chính sách về giá, thuế cho các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp đầu tư các sản phẩm du lịch thể thao biển. Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp hỗ trợ chi phí khi cần thiết do gặp phải rủi ro do tác động của khí hậu, thời tiết khiến các chương trình du lịch thể thao biển, sự kiện thể thao biển phải hủy hoặc thay đổi. Đặc biệt đối với các sự kiện thể thao biển có quy mô lớn, bên cạnh chính sách khuyến khích, hỗ trợ còn cần sự phối hợp chặt chẽ trong khâu tổ chức đảm bảo mọi yếu tố tốt nhất để doanh nghiệp tổ chức thành công sự kiện.

- Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến giới thiệu tiềm năng du lịch biển nói chung và năng lực đăng cai, tổ chức các sự kiện thể thao biển nói riêng tại các diễn đàn du lịch, hội nghị, hội thảo quốc tế về du lịch.

- Tăng cường năng lực, kiến thức về du lịch cho những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch gồm cả quản lý nhà nước về du lịch cũng như các cơ quan, tổ chức, tham gia, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

- Tăng cường công tác an toàn, an ninh trật tự trên địa bàn đây cũng là một trong những yếu tố tiên quyết quyết định khả năng phát triển du lịch.

Nguyễn Lan Hương