Xác định du lịch là trọng tâm phát triển, trong những năm vừa qua, các cấp chính quyền tỉnh Hà Nam luôn chú trọng và ưu tiên dành nguồn lực cho phát triển du lịch. Trong đó không thể không kể tới nỗ lực bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn từ đó tạo động lực phát triển du lịch tỉnh.

Vị trí vai trò của Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn trong phát triển du lịch tỉnh Hà Nam

Năm 2009, UBND tỉnh Hà Nam phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phục dựng Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn với 3 mục tiêu chính: Khuyến nông; khai thác giá trị văn hóa cổ truyền của cộng đồng cư dân ở Đọi Sơn và vùng phụ cận; đồng thời tạo nguồn thu, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Theo lịch sử, mùa xuân năm 987, lần đầu tiên vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan làm lễ tế thần nông và đích thân xuống đồng cày ruộng để khuyến khích người dân chăm chỉ làm việc. Kể từ đó, các triều đại sau như Lý, Trần, Lê đều tổ chức lễ hội Tịch điền để cầu mùa màng bội thu. Sau đó lễ hội thất truyền trong thời gian dài cho tới khi được phục dựng.

Lễ Tịch điền không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các vị vua đối với người nông dân mà còn tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân lòng biết ơn với tiền nhân, tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp – hoạt động có ý nghĩa vô cùng quan trọng với một quốc gia có nền văn minh lúa nước như Việt Nam. Kể từ khi được phục dựng, cứ vào mùng 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm, tỉnh Hà Nam long trọng tổ chức Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, thu hút được sự quan tâm, tham gia của đông đảo người dân và du khách.

Theo thống kê của Sở VHTTDL, tính đến năm 2022, Hà Nam có trên 100 lễ hội, trong đó có 5 lễ hội vùng được tổ chức với quy mô lớn gồm: Lễ hội đền Trần Thương, huyện Lý Nhân; Lễ hội chùa Long Đọi Sơn, thị xã Duy Tiên; Lễ hội Đền Trúc – Ngũ Động Sơn và Lễ hội chùa Bà Đanh, huyện Kim Bảng; Lễ hội vật võ Liếu Đội, huyên Thanh Liêm. Ngoài những lễ hội truyền thống được tổ chức thường niên kể trên. Hơn mười năm trở lại đây, Hà Nam tập trung đầu tư tổ chức 02 lễ hội đó là lễ hội Tịch điền Đọi Sơn và Lễ phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương với mục tiêu kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với hoạt động phát triển kinh tế, thúc đẩy phát triển du lịch.

Việc xác định chọn lựa đầu tư nguồn lực nhằm phục dựng lễ hội Tịch điền Đọi Sơn từ năm 2009 đã cho thấy vị trí, vai trò quan trọng của lễ hội đối với lịch sử, văn hóa của tỉnh Hà Nam. Kể từ đó đến nay qua 14 năm tổ chức, lễ hội Tịch điền Đọi Sơn đã không còn đơn thuần là một lễ hội dân gian của địa phương mà trở thành thương hiệu văn hóa, du lịch của tỉnh. Điều này cũng cho thấy tầm nhìn và hướng đi đúng của các cấp chính quyền tỉnh Hà Nam trong việc xác định lễ hội nói chung, lễ hội Tịch Điền nói riêng là hồn cốt, là tinh hoa cũng đồng thời là chất liệu để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, tạo dựng thương hiệu du lịch, góp phần thúc đẩy du lịch toàn tỉnh. Thông qua các hoạt động, nghi thức của lễ hội, hình ảnh của tỉnh Hà Nam đã trở nên gần gũi, phổ biến hơn, văn hóa, lịch sử của Hà Nam cũng được nhiều người quan tâm, tìm hiểu hơn và từ đây hình thành mong muốn tới tham quan, du lịch tỉnh để có cơ hội trực tiếp trải nghiệm hoạt động văn hóa, lễ hội của Hà Nam.

Giải pháp khai thác giá trị Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn tạo động lực triển du lịch tỉnh Hà Nam

- Giữ được tính đặc thù của lễ hội

Để lễ hội dân gian nói chung, lễ hội Tịch điền Đọi Sơn nói riêng là nguồn lực bền vững cho phát triển du lịch thì đầu tiên cần giữ được tính đặc thù của lễ hội. Nhiều năm gần đây với xu hướng phát triển du lịch gắn với các lễ hội, ở nhiều địa phương xuất hiện tình trạng làm mới lễ hội, hay hình thành lễ hội mới trên cơ sở các tích dân gian hoặc phong tục địa phương. Tuy nhiên các lễ hội dạng này đa số là chắp vá, vụng về, phần nhiều tập trung sân khấu hóa các hình thức nghệ thuật dân gian, không có chiều sâu. Về điểm này, tỉnh Hà Nam đã và đang có hướng đi đúng khi kết hợp cùng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nghiên cứu sâu, tham vấn ý kiến của các nhà sử học, văn hóa học, phục dựng lễ hội Tịch điền Đọi Sơn theo sát lịch sử, các nghi lễ và hoạt động của lễ hội đều đảm bảo hài hòa yếu tố lịch sử, văn hóa để đưa đến cái nhìn toàn diện giá trị của lễ hội tới người dân, du khách. Chính yếu tố này góp phần tạo nên thành công và hình thành thương hiệu của Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn trong những năm vừa qua. Nếu yếu tố đặc thù này tiếp tục được duy trì thực hiện, thương hiệu Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn sẽ được biết đến rộng hơn trong giai đoạn tới.

- Bảo tồn được yếu tố linh thiêng – yếu tố cốt lõi của lễ hội

Đa số lễ hội dân gian đều được xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng của con người với hy vọng, mong muốn có cuộc sống ấm no, hòa bình, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, hoặc thể hiện lòng thành kính tới tổ tiên, các anh hùng dân tộc và các đấng thần linh. Vì vậy yếu tố linh thiêng chính là yếu tố cốt lõi của lễ hội dân gian, đây cũng là điểm nhấn đọng lại đối với cộng đồng địa phương và du khách. Dù biết rõ, để đáp ứng được hài hòa yếu tố bảo tồn gắn với phát triển du lịch cần có sự đổi mới, tăng cường các hoạt động phần hội song cũng không thể vì vậy mà qua loa, đại khái trong các nghi thức phần lễ. Đối với một lễ hội lớn như Tịch điền Đọi Sơn thì hai phần cầu thành là “lễ” và “hội” càng cần được đảm bảo hài hòa để vừa phát huy được giá trị vừa thu hút khách du lịch.

- Giữ được không gian văn hóa truyền thống của lễ hội

Hiện tượng trùng tu, tôn tạo bữa bãi thậm chí làm mới các di tích, xây dựng thêm nhiều công trình phá hỏng không gian văn hóa của lễ hội đã xảy ra tại nhiều địa phương. Dễ thấy và phổ biến nhất là việc dựng các gian hàng, sạp, ki ốt một cách cầu thả, luộm thuộm không thống nhất về kiểu dáng, kích thước, không  có quy hoạch khu vực riêng cho trưng bày, bán hàng khiến cho không gian lễ hội trang trọng, linh thiêng, truyền thống của lễ hội. Nhiều lễ hội còn có tình trạng biểu diễn nghệ thuật tự phát để xin tiền, tổ chức kinh doanh karaoke bằng loa kẹo kéo khiến cho du khách bị ô nhiễm tiếng ồn, mang lại ấn tượng xấu với lễ hội.

Từ thực trạng đó, để ngày càng thu hút khách du lịch, Ban tổ chức Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn cần nghiên cứu, quy hoạch phân rõ khu vực thực hiện phần lễ và phần hội, quy định rõ khu vực trưng bày, giới thiệu sản phẩm truyền thống, sản phẩm OCOP của địa phương. Để kéo dài thời gian trải nghiệm của du khách có thể hình thành khu vực ẩm thực, nhưng cần tách biệt để việc ăn uống, mua bán, vui chơi không phá hỏng không gian văn hóa trang trọng của lễ hội.

- Hình thành sản phẩm liên kết

Nếu chỉ dựa vào Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn thì rất khó để kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi của khách du lịch bởi đặc trưng của lễ hội tổ chức trong 1-2 ngày, trong đó phần lễ chính diễn ra 1 buổi. Vì vậy cần nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm liên kết tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch lễ hội, du lịch văn hóa. Có thể kết nối, hợp tác với các khu du lịch của tỉnh như: khu du lịch Tam Chúc, chùa Địa tạng Phi Lai, chùa Phật Quang…sau khi tham gia lễ hội sẽ tham quan các di tích của tỉnh. Hoặc kết nối với các khu điểm du lịch trọng điểm của vùng đồng bằng sông Hồng như: Bái Đính – Tràng An, chùa Hương tạo thành trục sản phẩm văn hóa, lễ hội, tâm linh của vùng.

- Tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ

Hiện tượng chèo kéo khách, nâng giá bắt chẹt khách du lịch xảy ra rất phổ biến tại nhiều lễ hội. Thực trạng này không chỉ làm xấu hình ảnh của địa phương mà còn triệt tiêu khả năng phát triển du lịch khi du khách sẽ “một đi không trở lại”. Chính vì thế công tác quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ cũng là giải pháp quan trọng trong việc thu hút khách, phát triển du lịch. Trong giai đoạn tới, tỉnh Hà Nam cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, càng ngành và đặc biệt là cộng đồng dân cư về vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế xã hội tỉnh. Để du lịch phát triển bền vững thì thái độ, chất lượng phục vụ, của mỗi người dân địa phương, sản phẩm, dịch vụ hàng hóa mà mỗi cá nhân, hộ gia đình, tổ chức địa phương cung cấp giữ vai trò then chốt.

- Ban hành chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch

Là một trong những địa phương có nhiều chính sách thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển du lịch, trong những năm vừa qua, kết quả của ngành du lịch Hà Nam đã có bước tiến mạnh mẽ cả về chất lượng và số lượng. Song để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế thì các cấp chính quyền tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch tỉnh. Đến nay số lượng khách sạn, nhà hàng đạt tiêu chuẩn cao trên địa bàn tỉnh còn khá khiêm tốn. Thực tế này gây ảnh hưởng lớn tới việc lựa chọn lưu trú qua đêm, lưu trú dài ngày của du khách. Cùng với việc thu hút các nhà đầu tư lớn, cũng cần có cơ chế khuyến khích với các nhà đầu tư, hộ kinh doanh nhỏ để hình thành các sản phẩm homestay, các cửa hàng bán hàng lưu niệm truyền thống, kinh doanh ẩm thực Hà Nam…

- Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá

Trong thời đại công nghệ số, quảng bá là yếu tố then chốt và không thể thiếu để phát triển du lịch của địa phương, vùng, quốc gia. Bởi với sự phát triển của công nghệ, con người hàng ngày đều tiếp cận với quá nhiều hình ảnh, video, các bài viết giới thiệu về văn hóa, lễ hội trên khắp thế giới vì vậy nếu không tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá thì lễ hội dù hay, đặc sắc cũng dễ bị “mờ nhạt” trước các thông tin khác. Công tác xúc tiến, giới thiệu cũng cần được nghiên cứu thực hiện phù hợp với từng giai đoạn, đối tượng khách khách nhau bởi nhu cầu thị hiếu của khách Việt Nam, khách quốc tế có sự khác biệt.

- Tăng cường  tạo nguồn nhân lực du lịch

Nguồn nhân lực du lịch cũng cần được đào tạo thường xuyên, bài bản. Nguồn nhân lực ở đây bao gồm nhân lực quản lý nhà nước và các cá nhân, tổ chức tham gia vào hoạt động du lịch. Đối với cán bộ quản lý nhà nước ngành du lịch tỉnh cần tích cực tham gia vào các lớp bồi dưỡng do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, các cơ sở đào tạo du lịch tổ chức. Đối với các cá nhân, tổ chức, hộ kinh doanh, Sở VHTTDL cần tăng cường mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn về du lịch cụ thể như: thái độ phục vụ, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, ngoại ngữ, tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng…để người dân hiểu và thực hiện.

Nguyễn Lan Hương