Với tiềm năng văn hóa vượt trội, định hướng phát triển du lịch gắn với văn hóa, coi trọng văn hóa những năm vừa qua đã giúp Hà Nội khẳng định thương hiệu, tạo dựng vị trí trên bản đồ du lịch thế giới.

Căn cứ theo số liệu thống kê, Hà Nội là địa phương có số lượng di tích lịch sử nhiều nhất cả nước gần 6.000 di tích. Các di tích đa dạng về chủng loại chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật, kiến trúc, tiêu biểu có thể kể đến như di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Thăng Long tứ trấn, chùa Một Cột…Hệ thống bảo tàng đa dạng, được đầu tư bài bản với nhiều hiện vật giá trị như Bảo tàng Lịch sử, bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bảo tàng Tự nhiên, bảo tàng Không quân…Hà Nội cũng là mảnh đất nhiều làng nghề và nghệ nhân nhất vì thế mọi tinh hoa đều hội tụ tại đây. Nhiều làng nghề đã trở thành điểm đến nổi tiếng của khách du lịch trong nước và quốc tế như làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông, làng gốm Bát Tràng, làng hương Quảng Phú Cầu. Gắn bó chặt chẽ với hệ thống các di tích, làng nghề là các lễ hội truyền thống đa dạng, đặc sắc. Trong số đó, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2010. Bên cạnh đó, mảnh đất kinh đô nghìn năm cũng là nơi chứa đựng nhiều phong tục tập quán truyền thống, các loại hình nghệ thuật dân gian phong phú. Ẩm thực truyền thống của Hà Nội từ lâu đã là niềm tự hào không chỉ riêng người dân thủ đô mà còn góp phần đưa thương hiệu ẩm thực Việt Nam đến với thế giới.

Xác định văn hóa là tiềm năng, lợi thế cũng đồng thời là nguồn lực nội sinh của Hà Nội, chính quyền thành phố đặc biệt coi trọng văn hóa, coi văn hóa là nền tảng phát triển. Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định: phát triển du lịch dựa trên nền tảng các giá trị di sản văn hóa, lấy văn hóa làm cơ sở, nền tảng chủ đạo để phát triển du lịch. Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội ngày 22 tháng 2 năm 2022 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định văn hóa là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế xã hội, phát triển du lịch thủ đô.

Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU, UBND thành phố trình và HĐND thành phố thông qua quyết sách tập trung đầu tư trong giai đoạn 2022-2025, trong đó, riêng tu bổ, tôn tạo di tích được đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng cho 579 dự án. Ngành du lịch thành phố tích cực chỉ đạo, phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan trong việc xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch văn hóa mới và quảng bá hình ảnh văn hóa, lịch sử của Hà Nội, Việt Nam. Cụ thể tháng 12 năm 2022, lần đầu tiên Hà Nội đã mang không gian quảng bá Di sản Hoàng thành Thăng Long đến triển lãm tại đô thị di sản Provins, vùng Ile-de-France, Cộng hòa Pháp. Nhiều sản phẩm phẩm du lịch đêm đã được xây dựng và đưa vào khai thác không chỉ làm đa dạng mà còn góp phần mang đến một diện mạo khác cho du lịch Hà Nội. Có thể kể đến như tour “Đêm Thiên liêng” tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, tour xe đạp “Đêm Thăng Long – Hà Nội”, tour đêm “Tinh hoa đạo học” tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Bắt nhịp với xu hướng phát triển, bên cạnh việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống. Hà Nội cũng rất tích cực, chủ động trong việc xây dựng các sản phẩm văn hóa, du lịch văn hóa có yếu tố hiện đại để phù hợp với đại chúng, đáp ứng yêu cầu đa dạng sản phẩm du lịch như các show diễn thực cảnh, phố đi bộ, các lễ hội âm nhạc, lễ hội thời trang quy mô lớn có thể kể đến như show diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ tại Quốc Oai, Đoài Creative tại Làng cổ Đường Lâm, festival mùa Thu Hà Nội, lễ hội áo dài du lịch Hà Nội hay lễ hội âm nhạc Gió Mùa. Đăc biệt, mới đây Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 với chủ đề “Dòng chảy” đã tạo được tiếng vang lớn đối với người dân, khách du lịch trong và ngoài nước. Lễ hội là ý tưởng xuất sắc và là quyết sách đúng hướng của chính quyền thành phố khi tôn vinh được sự sáng tạo trên chất liệu truyền thống, đem lại sức sống cho di tích, làm sống động không gian di sản, lịch sử.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận từ chính quyền tới người dân, đinh hướng đúng đắn của các cấp các ngành, du lịch Hà Nội đã khẳng định được thương hiệu với kết quả vô cùng đáng khích lệ. Năm 2022, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt khách, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 60 nghìn tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng khách du lịch đến thành phố đạt 18,9 triệu lượt khách, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó khách du lịch quốc tế đạt 3,2 triệu lượt tăng 4 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 70 nghìn tỷ đồng, tăng 66,9% với cùng kỳ năm trước.

Không chỉ dẫn trong top đầu về việc thu hút khách du lịch, du lịch Hà Nội đã và đang khẳng định được vị trí trên bản đồ du lịch thế giới với hàng loạt các giải thưởng danh giá và các vị trí top đầu trong các bảng xếp hạng, có thể kể đến như: Năm 2022 và 2023, thành phố Hà Nội được tổ chức World Travel Awards (WTA) bình chọn danh hiệu là thành phố du lịch ngắn ngày tốt nhất thế giới, tạp trí Tripadvisor – tạp chí du lịch uy tín hàng đầu thế giới bình chọn Hà Nội là thành phố có nền ẩm thực hấp dẫn trong top 3 của thế giới. Năm 2022, WTA vinh danh Hà Nội là Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới. CNN của Mỹ bình chọn Hà Nội là một trong 12 điểm đến mùa thu đẹp nhất thế giới. Chuyên trang du lịch Bigseventravel của Ý bình chọn Hà Nội là một trong bảy điểm đến phù hợp nhất cho những người đi du lịch một mình vì sự thân thiện, an toàn của thủ đô. Hà Nội cũng được cộng đồng du lịch thế giới bình chọn là một trong mười điểm đến năm 2023.

Nguyễn Lan Hương