Là thủ đô của Việt Nam, Hà Nội sở hữu hệ thống các bảo tàng có thể nói là đa dạng nhất cả nước. Những năm gần đây, Hà Nội đã đạt được thành công nhất định trong việc để bào tàng trở thành điểm đến hấp dẫn với người dân thủ đô và du khách.

Bảo tàng là thiết chế văn hóa quan trọng, nơi lưu giữ các tư liệu, hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Bên cạnh đó, thông qua việc trưng bày, giới thiệu, hệ thống bảo tàng góp phần tích cực trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc. Bảo tàng cũng đồng thời là thiết chế quan trọng, góp phần rất lớn vào sự nghiệp đào tạo, hoàn thiện nhân cách con người. Với chức năng, nhiệm vụ quan trọng như vậy, bảo tàng luôn là thiết chế văn hóa được ưu tiên đầu tư. Là thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế xã hội, văn hóa giáo dục của cả nước vì thế số lượng bảo tàng tại Hà Nội nhiều hơn so với các địa phương khác. Để tránh lãng phí những thiết chế được đầu tư bài bản, để hệ thống bảo tàng tại thành phố thực sự được “sống” và trở thành điểm đến hấp dẫn, trong những năm vừa qua, chính quyền thành phố đã có nhiều quyết sách chỉ đạo để hiện thực hóa điều này.

Đầu tiên đó chính là việc thay đổi tư duy, nhận thức bảo tàng không phải chỉ là nơi lưu giữ, trưng bày, các hiện vật, các giá trị văn hóa lịch sử muốn tiếp cận được tới công chúng thì cần sức sống. Từ tư duy đổi mới đó, hệ thống các bảo tàng tại Hà Nội đã có xu hướng chuyển từ “tĩnh” sang “động”. Nhiều mô hình, câu chuyện thực tế được lồng ghép qua clip giới thiệu, qua các sắp đặt kết hợp âm thanh, ánh sáng đã khiến người xem không cảm giác nhàm chán khi bước chân vào bảo tàng. Các hình thức thuyết minh đa dạng được hệ thống các bảo tàng tích cực triển khai bao gồm cả thuyết minh truyền thống ( bằng chữ), sử dụng hướng dẫn viên của bảo tàng, ứng dụng công nghệ thông tin sử dung thuyết minh tự động. Không chỉ có vậy, hệ thống bảo tàng ở Hà Nội tích cực chủ động trong việc xây dựng các tour, chương trình tham quan, trải nghiệm phù hợp với nội dung của từng bảo tàng. Tiêu biểu có thể kể đến Bảo tàng Lịch sử với tour “Bác Cổ – Mùa hoa gạo”, tour đêm “Thanh âm Đồng Cổ” tổ chức vào 4 buổi tối mỗi tuần, tour “Khám phá kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”. Đầu năm 2023, Bảo tàng Mỹ thuật đã có hướng đi táo bạo nhưng vô cùng thú vị đó chính là đưa âm nhạc vào bảo tàng. Theo đó vào mỗi cuối tuần tại sân bảo tàng sẽ diễn ra chương trình hòa nhạc với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ piano, violon nổi tiếng của Việt Nam. Chương trình thành công tới mức, ngay sau chương trình biểu diễn đầu số lượng thành viên theo dõi fanpage của Bảo tàng tăng đột biến. Từ một bảo tàng có số lượng khách khiêm tốn những năm trước, giờ đây bảo tàng Mỹ thuật đã trở thành điểm đến không chỉ có những người yêu nghệ thuật mà rất đông người Việt, các bạn trẻ và du khách quốc tế tìm đến để trải nghiệm không gian văn hóa và tìm hiểu về mỹ thuật Việt Nam. Bảo tàng Phụ nữ cũng xây dựng chương trình “Huyền thoại tuổi thanh xuân – Sống một đời đáng sống” biểu diễn vào thứ bảy chủ nhật hàng tuần, Đặc biệt chương trình được đầu tư các công nghệ hiện đại, ứng dụng 3D, không gian biểu diễn vô cùng sinh đông, kết hợp âm thanh, án sáng hiện đại, các hố bom, hầm chữ A hay các trận địa pháo mang đến cho người xem trải nghiệm sống động như thật. Bên cạnh đó không gian của bảo tàng được đầu tư cải tạo vô cùng hấp dẫn và gần gũi đã biến bảo tàng thành điểm đến hấp dẫn của thủ đô.

Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, du lịch văn hóa được đặt mục tiêu phát triển trở thành một trong những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm. Theo đó, nhiệm vụ và giải pháp đặt ra với phát triển du lịch văn hóa có gắn với các bảo tàng. Để triển khai chiến lược đồng thời phát huy thành quả trong thời gian vừa qua, để hệ thống bảo tàng Hà Nội tiếp tục phát triển tốt hơn nữa, trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch Hà Nội, cần triển khai thực hiện một số giải pháp sau:

- Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới nội dung và đa dạng hóa hình thức, hoạt động trưng bày triển lãm nhưng cần ưu tiên phù hợp với nội dung, chủ đề chính của bảo tàng. Tránh sự bắt chước, rập khuôn cách thức, hình thức của các bảo tàng khác.

- Đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong trưng bày, quảng bá và trong các hoạt động trải nghiệm tại bảo tàng để du khách dễ dàng tiếp cận, tìm kiếm thông tin.

- Xác định thị trường khách, đối tượng khách tiềm năng hướng đến để từ đó xây dựng các không gian trưng bày, hình thức trưng bày và các tour/ chương trình tham quan phù hợp.

- Liên kết, kết nối chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp lữ hành trong việc quảng bá, giới thiệu về bảo tàng.

- Đầu tư các dịch vụ bổ trợ như cửa hàng lưu niệm, các khu vực trải nghiệm thực tế có gắn với các câu chuyện, hiện vật tại bảo tàng. Một vài góc hoặc khu vực check- in được thiết kế ánh sáng, không gian đẹp. Khu vực cà phê, ẩm thực phù hợp cũng nên nghiên cứu đầu tư để kéo dài thời gian lưu lại bảo tàng của khách tham quan.

- Chủ động, tăng cường liên kết với các trường học, cơ sở đào tạo, xây dựng các chương trình phù hợp với học sinh, sinh viên qua đây gieo mầm tình yêu với văn hóa, lịch sử dân tộc qua từng thế hệ.

Nguyễn Lan Hương