Luật Di sản văn hóa đã khẳng định: “Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta”, di sản văn hóa“là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa”[1].“bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, y chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã – Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống… Bản sắc văn hoá dân tộc còn đậm nét cả trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo”[2]. Vì vậy, di sản văn hóa không chỉ là nguồn lực góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững mà còn có giá trị tinh thần lớn lao, biểu hiện ở chỗ, di sản văn hóa góp phần xây dựng môi trường xã hội Việt Nam lành mạnh, có văn hóa, có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người Việt Nam hiện đại, với tư cách là nguồn nhân lực chủ yếu, tạo nên sức mạnh đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Ngay từ những ngày giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL ngày 23/11/1945 về việc bảo tồn cổ tích, từ đó đến nay các cơ quan từ trung ương đến địa phương địa phương đã quan tâm trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về di sản văn hóa với 01 Luật, 01 Luật sửa đổi, bổ sung, 08 Nghị định của Chính phủ, 03 Quyết định và 01 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 17 Thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và hơn 300 văn bản liên quan được các Bộ, ngành, địa phương ban hành nhằm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Theo đó, công tác kiểm kê, nghiên cứu lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa được quan tâm triển khai, thực hiện, theo thống kê cả nước hiện có khoảng 4 vạn di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh phân bố trên khắp các vùng miền trong cả nước, đã được kiểm kê, lập danh mục theo quy định của Luật di sản văn hóa với 08 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, 130 di tích quốc gia đặc biệt, 3.621 di tích quốc gia, hơn 10.000 di tích cấp tỉnh; khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê trên địa bàn cả nước, 498 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại các Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp ; UNESCO cũng đã ghi danh 09 di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới.

Thực hiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, các Bộ, ngành, địa phương đã tiến hành xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các quy hoạch, dự án, đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Các di tích, danh lam thắng cảnh được quan tâm tu bổ, tôn tạo đã trở thành địa chỉ đỏ trong việc thu hút ngày càng đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan, nghiên cứu. Như Quần thể di tích Cố đô Huế (năm 1993) và Vịnh Hạ Long (năm 1994) từ khi mới được ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới chỉ có vài chục nghìn khách du lịch, đến nay đã thu hút tới hàng triệu khách tới tham quan, nghiên cứu. Đặc biệt Quần thể danh thắng Tràng An, thời điểm lập hồ sơ đề cử năm 2012 chỉ có trên 01 triệu lượt khách, đến năm 2019 (sau 05 năm được UNESCO ghi danh) đã thu hút hơn 6,3 triệu lượt khách. Năm 2019, riêng 08 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam đã đón khoảng 21.336.148 khách du lịch (trong đó có 10.656.114 khách quốc tế), với doanh thu từ vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp khoảng 3.123 tỷ đồng.

- Vịnh Hạ Long đón 4,4 triệu khách (2,9 triệu khách quốc tế, 1,5 triệu khách trong nước), thu từ vé 1.237 tỷ đồng.

- Quần thể danh thắng Tràng An đón 6.327.488 khách (5.567.628 khách trong nước, 759.859 khách quốc tế) doanh thu từ phí danh lam và phí chở đò đạt khoảng 867,5 tỷ đồng.

- Quần thể di tích Cố đô Huế đón  3,5 triệu khách  (2,3 triệu khách quốc tế, 1,2 triệu khách trong nước), thu từ vé 387 tỷ đồng.

- Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đón 921.000 khách (164.000 khách quốc tế, 757.000 khách trong nước); doanh thu trực tiếp từ hoạt động du lịch khoảng 266 tỷ đồng.

- Khu phố cổ Hội An đón 2.498.230 khách (2,15 triệu khách quốc tế, 348.230 khách trong nước), thu từ vé 300 tỷ đồng.

- Khu Di tích Mỹ Sơn đón 419.000 khách (374.000 khách quốc tế, 45.000 khách trong nước), thu từ vé 61 tỷ đồng.

- Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đón 462.000 khách (231.000 khách quốc tế, 231.000 khách trong nước), thu từ vé 11,1 tỷ đồng.

- Thành Nhà Hồ đón 126.660 khách (7.255 khách quốc tế, 119.405 khách trong nước), thu từ vé 2,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, có thể nhận thấy sự phát triển du lịch tại các di sản thế giới, di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh giới không chỉ tạo điều kiện để các hoạt động dịch vụ du lịch như: khu vui chơi giải trí, cáp treo, nhà hàng, khách sạn, xe điện, xích lô, ca nhạc, nhiếp ảnh, hướng dẫn du lịch… phát triển, mà còn góp phần thúc đẩy các ngành giao thông (đường bộ, đường thủy, hàng không) hoạt động mạnh mẽ hơn. Sự gia tăng đáng kể cả về lượt khách thăm và các hoạt động du lịch, dịch vụ tại các điểm di sản tiêu biểu đã hàm chứa trong đó nhiều thực tiễn điển hình của quá trình giảm nghèo, thông qua việc giải quyết công ăn, việc làm cho hàng vạn lao động, nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư địa phương tại nơi có di sản.

Nguồn thu từ ngành du lịch và dịch vụ thương mại nói chung, từ các Di sản thế giới nói riêng đã đóng góp đáng kể vào tổng GDP của các địa phương có Di sản thế giới. Có thể minh chứng điều này qua trường hợp Khu phố cổ Hội An, với việc chính quyền và nhân dân thành phố Hội An đã đẩy mạnh hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thế giới và đã đạt được những kết quả nổi bật, đặc biệt là việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển du lịch – dịch vụ và thương mại trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với số lượng khách tham quan Khu phố cổ Hội An ngày càng tăng, từ gần 879 nghìn khách năm 2006 đến năm 2019 đã tăng lên gần 2,5 triệu lượt. 20 năm qua (từ khi trở thành Di sản thế giới) ngành kinh tế này đã tăng vượt bậc và hiện chiếm tỷ trọng hơn 70% so với GDP toàn thành phố. Các nguồn thu này đã giúp bổ sung phần đáng kể vào nguồn tài chính dành cho các chi phí địa phương trong việc cải thiện cơ cở hạ tầng, giáo dục, y tế, an ninh và cho chính việc bảo tồn Di sản thế giới Khu phố cổ Hội An. Đánh giá về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới ở Việt nam, tại buổi Lễ Kỷ niệm 50 năm Công ước Di sản Thế giới diễn ra Quần thể danh thắng Tràng An vào ngày 06/9/2022, Tổng Giám đốc UNESCO bà Audrey Azoulay, đã phát biểu: “Hôm qua tôi có dịp được thấy Khu Di sản Tràng An đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên như thế nào. Đây chính là lý do vì sao UNESCO chọn Tràng An, cùng với 03 di sản khác trên thế giới để thí điểm một dự án về du lịch bền vững, nhằm tăng cường lợi ích cho cộng đồng ở địa phương, đặc biệt là cho phụ nữ. Tại Tràng An, UNESCO ủng hộ  những người phụ nữ chủ đò truyền thống trong việc tiếp tục phát huy cách thức tham quan di sản thân thiện với sinh thái này”.

Từ các bảo tàng đầu tiên ra đời vào đầu thế kỷ XX, đến nay, ở Việt Nam đã hình thành một hệ thống với 194 bảo tàng (gồm 128 bảo tàng công lập và 66 bảo tàng ngoài công lập), lưu giữ và trưng bày gần 3 triệu tài liệu, hiện vật, trong đó có 265 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Trong những năm gần đây, các bảo tàng đã bước đầu đổi mới trưng bày bằng cách tăng cường các hiện vật gốc, áp dụng các phương tiện khoa học kỹ thuật để làm phong phú nội dung, hình thức trưng bày, thu hút khách tham quan; đổi mới phương thức phục vụ công chúng (xây dựng các phòng giáo dục và chương trình giáo dục dành riêng cho học sinh phổ thông; chủ động kết hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức thường xuyên các cuộc trưng bày chuyên đề, triển lãm lưu động); nói chuyện chuyên đề, phối hợp giảng dạy cho các đối tượng là học sinh, sinh viên; triển lãm lưu động, làm phim, truyền hình, viết báo, xuất bản các công trình nghiên cứu từ bảo tàng… hoạt động trưng bày và tuyên truyền giáo dục của bảo tàng đã tạo nên những hiệu quả hết sức to lớn trong việc phổ cập những tri thức lịch sử văn hóa, nghệ thuật, nâng cao trình độ dân trí cho công chúng. Bênh cạnh đó, một số bảo tàng ngoài công lập có mô hình hoạt động hiệu quả, thu hút nhiều đối tượng công chúng tham quan, góp phần phát triển du lịch, như: Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày (Hà Nội), Bảo tàng Đồng Quê (Nam Định), Bảo tàng Nước mắm Làng chài xưa (Bình Thuận), Bảo tàng Thế giới Cà phê (Đắk Lắk)…

Di sản văn hóa phi vật thể được sưu tầm nghiên cứu, phục dựng, trao truyền và tổ chức trình diễn đã trực tiếp nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển kinh tế-xã hội cộng đồng cư dân tại địa phương. Các di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục quốc gia, quốc tế; các nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa được phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” đã khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích mạnh mẽ các cộng đồng có di sản, các cấp chính quyền địa phương, toàn xã hội quan tâm, tự nguyện và chủ động tham gia bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, đẩy mạnh giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của địa phương mình, tạo thêm động lực trong quá trình xã hội hoá các hoạt động bảo tồn di sản văn hoá. Tại một số địa phương, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành những điểm đến thu hút khách trong và ngoài nước, tạo nên thương hiệu/dấu ấn riêng của địa phương có di sản (Lễ hội Đền Sóc, Chùa Hương ở Hà Nội, Lễ hội Đền Hùng Phú Thọ, Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc ở Hải Dương, Lễ hội Yên Tử ở Quảng Ninh, Ca Huế, Đua Ghe ngo Sóc Trăng, Lễ hội Bà Chúa Xứ An Giang, Lễ hội Ook om bok Trà Vinh, Lễ hội Kate hay Gốm Chăm ở Bàu Trúc Ninh Thuận…).

Các Di sản tư liệu góp phần vào việc tuyên truyền văn hóa đọc, nâng cao tinh thần ham học, giáo dục truyền thống lịch sử, phát huy bản sắc dân tộc: Từ nội dung đơn giản giáo dục về lịch sử, địa lý, truyền thống hiếu học hay những câu chuyện về đạo làm người… cho các lứa tuổi học sinh trong sách giáo khoa của Mộc bản trường Phúc Giang; đến triết lý sử dụng nhân tài đất nước như “hiền tài là nguyên khí quốc gia” trên Bia Tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long; hay những chặng đường hình thành lịch sử của Phật giáo và những đúc kết từ hiện thực cuộc sống về các bài thuốc dân gian, đánh dấu sự phát triển của y học, khoa học… chứa đựng trong Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Ngoài ra, Di sản tư liệu còn góp phần quan trọng trong việc xác định và bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc, nghiên cứu tổ chức, bộ máy điều hành của triều đại phong kiến (Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Hoàng Hoa sứ trình đồ – Hành trình đi sứ Trung Hoa).

Như vậy, có thể khẳng định về hiệu quả xã hội, những di sản văn hóa được quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị đã góp phần không nhỏ trong việc giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, tinh thần yêu nước của dân tộc ta, về bản sắc văn hóa dân tộc, về tính cố kết cộng đồng và phát huy những truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Về hiệu quả kinh tế, nhiều di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã trở thành những sản phẩm du lịch – văn hoá hoàn chỉnh có tính đặc thù, tạo ra những điểm, tuyến du lịch hấp dẫn, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch, thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương, tạo công ăn việc làm ổn định cho hành vạn lao động tại địa phương có di sản, đóng góp vào phát triển bền vững.

Trần Lan Hương



[1] Nghị quyết số 03/NQ-TW ngày 16/7/1998 Hội nghị lần thứ Năm, BCH TW Đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

[2] Nghị quyết số 03/NQ-TW ngày 16/7/1998 Hội nghị lần thứ Năm, BCH TW Đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.