Bộ VHTTDL vừa có Báo cáo Tổng kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2023.

Theo đó, ngày 30/12/2022, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký Quyết định số 3835/QĐ-BVHTTDL ban hành Kế hoạch PBGDPL ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2023. Kế hoạch đã đề ra 9 nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật trọng tâm trong năm 2023 và các nhiệm vụ trọng tâm cho các cơ quan, đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Tổ chức truyền thông từ sớm, từ xa 

Báo cáo nêu rõ: Trong năm 2023, công tác tổ chức, chỉ đạo điều hành PBGDPL bảo đảm kịp thời, đồng bộ, hiệu quả. Bộ VHTTDL đã ban hành 18 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai hoạt động PBGDPL.

Tăng cường PBGDPL theo các nhóm đối tượng, trước hết với nhóm đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, pháp luật, ưu tiên công chức, viên chức, người lao động, văn nghệ sỹ, vận động viên, huấn luyện viên thuộc phạm vi quản lý; Tập trung chỉ đạo truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; ban hành Kế hoạch và tổ chức kiểm tra công tác PBGDPL tại một số đơn vị thuộc Bộ.

Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã xây dựng Kế hoạch PBGDPL của đơn vị mình để triển khai Kế hoạch PBGDPL ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2023 phù hợp với điều kiện của đơn vị, địa phương.

Công tác PBGDPL của Bộ VHTTDL có kế hoạch năm từ sớm, thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ được giao năm 2023.

Cụ thể, về nội dung PBGDPL: Bộ VHTTDL tiếp tục chỉ đạo quán triệt, triển khai sâu rộng, toàn diện nội dung Kết luận số 80-KL/TW. Trong đó tập trung PBGDPL các nội dung về chủ trương, quan điểm, chính sách trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Bộ VHTTDL thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (giai đoạn 2023-2025) ban hành theo Quyết định số 3117/QĐ- BVHTTDL ngày 29/11/2022 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL.

Tăng cường nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc triển khai, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL; thông tin, phổ biến các chính sách, pháp luật mới được ban hành và có hiệu lực như: Luật Điện ảnh; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Thanh tra; Luật Thi đua và Khen thưởng; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở,…; triển khai các Đề án của Thủ tướng Chính phủ: Đề án”Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027″

Sở VHTTDL, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương PBGDPL tập trung vào các văn bản luật, nghị định, thông tư có quy định liên quan hoạt động quản lý nhà nước; hoạt động văn hóa công cộng và kinh doanh dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; các Nghị quyết của Chính phủ và của tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính; kết quả cải cách hành chính, thủ tục hành chính của tỉnh, của ngành.

Đối với đối tượng đặc thù, Bộ đã chỉ đạo Cục Điện ảnh và các Sở tổ chức chương trình điện ảnh phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo đã thực hiện được 4 số chuyên đề.

Phổ biến một số chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác văn hoá dân tộc, công tác tuyên truyền phòng chống ma túy, bài trừ hủ tục lạc hậu, xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở; vai trò của pháp luật trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số; công tác giữ vững an ninh, trật tự xã hội ở vùng dân tộc thiểu số; công tác phòng, chống bạo lực gia đình và giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; công tác xây dựng gia đình văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Về hình thức, phương thức PBGDPL, Bộ VHTTDL tiếp tục chỉ đạo tổ chức truyền thông từ sớm, từ xa các dự thảo chính sách, pháp luật về văn hóa, gia đình, thể thao, du lịch có tác động lớn đến xã hội, tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, đối thoại trực tiếp, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động, các chuyên gia, tổ chức, cá nhân liên quan đến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Ngành.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, vận hành có hiệu quả Cổng thông tin điện tử Bộ với 07 chuyên mục độc lập về PBGDPL.

Các báo, tạp chí, cổng thông tin điện tử của Bộ và các đơn vị đã có chuyên trang, chuyên mục phổ biến văn bản mới, hỏi - đáp pháp luật về văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch.

Bộ đã tổ chức 14 hội nghị, tập huấn chuyên đề về PBGDPL các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, nghiệp vụ pháp chế, truyền thông chính sách, hương ước, quy ước tại các tỉnh; Lồng ghép PBGDPL tại 20 Hội nghị, hội thảo, tập huấn chuyên ngành.

Tổ chức PBGDPL theo chuyên đề, đối tượng, địa bàn6; vận động công chức, viên chức, người lao động, Nhân dân tham gia các cuộc thi tìm hiều pháp luật7; Lồng ghép PBGDPL qua hình thức tiểu phẩm sinh động, phong phú thu hút sự tham gia, hưởng ứng của Nhân dân trên địa bàn.

Trong năm 2023, Bộ VHTTDL cũng đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của Ngày pháp luật Việt Nam; ban hành Công văn số 3664/BVHTTDL-PC ngày 30/08/2023 về việc hưởng ứng ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2023; treo băng rôn với khẩu hiệu “Tích cực hưởng ứng ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật.”. Tổ chức Hội nghị tăng cường tổ chức thi hành pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch (Hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam 9/11). Tại địa phương, nhiều Sở đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật phong phú, sinh động, thiết thực.

Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL

Theo báo cáo, do đặc thù của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch là tuyên truyền, PBGDPL bằng nhiều hình thức, nhất là việc tuyên truyền bằng sân khấu hóa, kết hợp biểu diễn… nhưng kinh phí xây dựng chương trình, cơ sở vật chất dành cho công tác PBGDPL nhìn chung còn thấp, rất khó để đổi mới, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL, nên các chương trình nghệ thuật, sân khấu hóa lồng ghép các nội dung PBGDPL không phong phú, hiệu quả tuyên truyền chưa đạt kết quả như mong muốn.

Bên cạnh đó, kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho cho công tác PBGDPL của Bộ từng bước được bổ sung, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, nguồn kinh phí phục vụ công tác PBGDPL ở địa phương cũng còn hạn chế, chủ yếu lồng ghép trong các công việc có nguồn kinh phí đảm bảo.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do nhận thức ý nghĩa, vai trò của công tác PBGDPL ở một số đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, việc lồng ghép tuyên truyền, PBGDPL với hoạt động chuyên môn nghiệp vụ có lúc, có nơi còn hình thức, thiếu hiệu quả. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức làm công tác PBGDPL một số nói còn thiếu kinh nghiệm; Kinh phí hỗ trợ công tác PBGDPL còn hạn chế.

Về phương hướng nhiệm vụ trong năm 2024, Bộ VHTTDL tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW và triển khai các Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027″ ban hành theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành và kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác PBGDPL, phát huy vai trò Hội đồng phối hợp PBGDPL của Bộ; phối hợp các ban, bộ, ngành liên quan.

Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL. Đồng thời, tăng cường nguồn lực, cơ sở vật chất đặc biệt là kinh phí để triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; chủ động phối hợp thông tin và nguồn lực hiệu quả; bồi dưỡng năng lực đội ngũ báo cáo viên pháp luật của Ngành.

Về các kiến nghị, đề xuất, Bộ VHTTDL đề nghị Hội đồng Phối hợp PBGDPL trung ương, Bộ Tư pháp - Cơ quan thường trực của Hội đồng xem xét tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kĩ năng cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật; thiết lập cơ sở dữ liệu PBGDPL dùng chung và vận hành Cổng thông tin PBGDPL quốc gia. Sớm xây dựng Đề án chuyển đổi số trong công tác PBGDPL triển khai Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ.

Đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách, chương trình, kế hoạch về công tác PBGDPL, trong đó đặc biệt triển khai thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW tăng cường nguồn lực đầu tư cho hoạt động PBGDPL, bảo đảm kinh phí thực hiện các Đề án, chương trình được phê duyệt.

Nguồn: Cổng TTĐT Bộ VHTTDL (Trần Lan Hương sưu tầm)