Ngày 30/11/2023, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và biện pháp thi hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ liên quan đến thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp và bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp.

Theo Thông tư, các yêu cầu đối với đơn đăng ký sáng chế gồm:

1. Đơn đăng ký sáng chế được làm theo quy định tại Điều 100, 102 của Luật Sở hữu trí tuệ, Điều 48 và Phụ lục I của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP và hướng dẫn cụ thể tại Điều này.

2. Đơn phải bảo đảm tính thống nhất theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 101 của Luật Sở hữu trí tuệ. Một nhóm sáng chế có mối liên hệ chặt chẽ về kỹ thuật nhằm thực hiện ý đồ sáng tạo chung duy nhất theo quy định tại khoản 2 Điều 101 của Luật Sở hữu trí tuệ nếu thuộc các trường hợp sau đây:

a) Một đối tượng dùng để tạo ra (sản xuất, chế tạo, điều chế) đối tượng kia;

b) Một đối tượng dùng để thực hiện đối tượng kia;

c) Một đối tượng dùng để sử dụng đối tượng kia;

d) Các đối tượng thuộc cùng một dạng, có cùng chức năng để bảo đảm thu được cùng một kết quả.

3. Đối với sáng chế về hoặc liên quan tới vật liệu sinh học không thể mô tả được hoặc không thể mô tả đầy đủ đến mức người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực công nghệ sinh học có thể thực hiện được theo quy định tại khoản 2 Điều 102 của Luật Sở hữu trí tuệ thì người nộp đơn có thể nộp lưu mẫu vật liệu sinh học để phục vụ quá trình thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế liên quan. Việc nộp lưu mẫu vật liệu sinh học phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Mẫu vật liệu sinh học phải được nộp cho cơ quan có thẩm quyền lưu giữ vật liệu sinh học không muộn hơn ngày nộp đơn đăng ký sáng chế liên quan đến vật liệu sinh học đó;

b) Cơ quan có thẩm quyền lưu giữ vật liệu sinh học là cơ quan tại Việt Nam hoặc nước ngoài thuộc danh sách cơ quan có thẩm quyền lưu giữ quốc tế theo Hiệp ước Budapest hoặc được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận về chức năng lưu giữ vật liệu sinh học nhằm tiến hành các thủ tục về sáng chế;

c) Đối với mẫu vật liệu sinh học nộp lưu tại cơ quan lưu giữ ở nước ngoài, nếu xét thấy cần thiết để làm rõ bản chất của đối tượng được yêu cầu bảo hộ hoặc đáp ứng yêu cầu của bên thứ ba về việc tiếp cận với đối tượng đó, Cục Sở hữu trí tuệ có thể thực hiện như sau:

(i) Yêu cầu người nộp đơn nộp lưu bổ sung mẫu vật liệu sinh học tại một cơ quan có thẩm quyền lưu giữ ở Việt Nam trong trường hợp mẫu vật liệu sinh học không được nộp lưu tại cơ quan có thẩm quyền lưu giữ quốc tế theo Hiệp ước Budapest;

(ii) Yêu cầu cơ quan lưu giữ mẫu vật liệu sinh học cung cấp mẫu trong trường hợp mẫu vật liệu sinh học được nộp lưu tại cơ quan có thẩm quyền lưu giữ quốc tế theo Hiệp ước Budapest.

4. Đối với đơn đăng ký sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống, trường hợp người nộp đơn không nộp kèm tài liệu thuyết minh về nguồn gốc của nguồn gen hoặc của tri thức truyền thống mà tác giả sáng chế hoặc người nộp đơn đã tiếp cận theo quy định tại điểm đ1 khoản 1 Điều 100 của Luật Sở hữu trí tuệ do không xác định được nguồn gốc của nguồn gen hoặc của tri thức truyền thống thì phải nêu rõ như vậy và chịu trách nhiệm về tính trung thực của điều đó.

5. Trường hợp có cơ sở (thông tin, chứng cứ) để nghi ngờ về tính xác thực của các thông tin nêu trong đơn hoặc thông tin nêu trong đơn không rõ ràng, Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị người nộp đơn nộp các tài liệu nhằm xác minh hoặc làm rõ các thông tin đó trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo. Tài liệu nêu trên có thể là tài liệu xác nhận quyền đăng ký hợp pháp nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền nộp đơn của người khác (tài liệu chứng minh quyền thừa kế theo quy định của pháp luật dân sự, tài liệu chứng minh về việc chuyển giao quyền nộp đơn; hợp đồng giao việc hoặc hợp đồng lao động v.v.); tài liệu thể hiện kết quả thử nghiệm thuốc trên cơ thể người, động vật hoặc thực vật nêu trong phần mô tả (khi đối tượng yêu cầu bảo hộ là dược phẩm dùng cho người, động vật hoặc thực vật); v.v.

Thông tư này cũng quy định việc xử lý ý kiến phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp quy định như sau:

1. Trường hợp ý kiến phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nộp theo quy định tại Điều 112a của Luật Sở hữu trí tuệ và đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại khoản 9 Điều này, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận và thông báo về ý kiến đó cho người nộp đơn, trong đó ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn trả lời bằng văn bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 5 Điều này.

2. Trường hợp nhãn hiệu và hàng hóa, dịch vụ trong đơn đăng ký bị phản đối trùng với nhãn hiệu và hàng hóa, dịch vụ do bên phản đối đưa ra hoặc có cơ sở rõ ràng để kết luận nhãn hiệu và hàng hóa, dịch vụ bị phản đối tương tự gây nhầm lẫn hoặc không tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu và hàng hóa, dịch vụ do bên phản đối đưa ra, Cục Sở hữu trí tuệ xử lý ý kiến phản đối trong quá trình thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu và thông báo kết quả xử lý ý kiến phản đối cùng với kết quả thẩm định nội dung đơn tương ứng cho người phản đối.

3. Sau khi nhận được ý kiến phản hồi của người nộp đơn trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này, nếu xét thấy cần thiết, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo về ý kiến phản hồi cho người phản đối và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người phản đối trả lời bằng văn bản về ý kiến phản hồi đó.

4. Trên cơ sở thông tin, chứng cứ, lập luận do các bên cung cấp (nếu có) theo quy định tại khoản 1 và 3 Điều này hoặc/và kết quả đối thoại giữa các bên theo quy định tại khoản 7 Điều này và tài liệu có trong đơn, Cục Sở hữu trí tuệ xử lý ý kiến phản đối và thông báo kết quả xử lý ý kiến phản đối cùng với kết quả thẩm định nội dung đơn tương ứng cho người phản đối.

5. Trong trường hợp ý kiến của người phản đối liên quan đến quyền đăng ký, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo để người phản đối nộp đơn khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ các trường hợp sau:

a) Có cơ sở rõ ràng để xác định về việc người nộp đơn không có quyền nộp đơn theo quy định tại khoản 7 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ;

b) Ý kiến về quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu đối với dấu hiệu là hoặc có chứa dấu hiệu là địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ.

6. Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo nêu tại khoản 5 Điều này mà người phản đối không gửi cho Cục Sở hữu trí tuệ bản sao thông báo thụ lý vụ án của Tòa án thì Cục Sở hữu trí tuệ coi như người phản đối rút bỏ ý kiến phản đối và tiếp tục xử lý đơn như không có ý kiến phản đối. Trường hợp Cục Sở hữu trí tuệ nhận được bản sao thông báo thụ lý vụ án của Tòa án của người phản đối trong thời hạn nêu trên, Cục Sở hữu trí tuệ tạm dừng việc xử lý đơn để chờ kết quả giải quyết tranh chấp của Tòa án. Sau khi nhận được kết quả giải quyết của Tòa án, việc xử lý đơn sẽ được tiến hành phù hợp với kết quả đó.

7. Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người phản đối và người nộp đơn để làm rõ hơn vấn đề có ý kiến phản đối nếu xét thấy cần thiết hoặc có yêu cầu của cả hai bên.

8. Thời hạn dành cho người nộp đơn trả lời ý kiến phản đối của người phản đối và thời hạn dành cho người phản đối phản hồi ý kiến của người nộp đơn theo quy định tại khoản 1 và 3 Điều này không tính vào thời hạn dành cho Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định.

9. Ý kiến phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp phải được làm bằng tiếng Việt. Tài liệu kèm theo ý kiến phản đối có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 30/11/2023.

Dương Viết Huy