Đặc trưng của CMCN lần thứ tư là máy móc trở thành công cụ để tối ưu hóa sức lao động của con người, con người vẫn là yếu tố trung tâm trong điều khiển và thừa hưởng thành quả, giá trị của công nghệ. Hay nói cách khác là hiệu quả hoạt động của thiết bị, máy móc hiện đại tùy thuộc chủ yếu vào trí tuệ và năng lực sáng tạo của con người điều khiển chúng. Đối với lĩnh vực văn hóa nói chung, các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng, việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tùy thuộc vào mức độ sáng tạo của nguồn nhân lực tham gia quá trình kiến tạo ra sản phẩm, dịch vụ với sự hỗ trợ của cơ sở hạ tầng trang thiết bị và công nghệ phù hợp, cơ chế để khuyến khích sự sáng tạo đó. Tác động của CMCN lần thứ tư và xu hướng phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như sau:

a) Đối với điện ảnh

Tính đến tháng 12/2020, cả nước có 1.207 phòng chiếu phim với 171.552 ghế, doanh thu chiếu phim đến cuối năm 2019 ước đạt hơn 4.000 tỷ đồng, doanh thu cuối năm 2020 ước đạt 1.700 tỷ đồng (do ảnh hưởng của dịch Covid-19). Hiện nay, trong tổng số các phòng chiếu, số phòng chiếu thuộc thành phần kinh tế nhà nước chiếm gần 20%, thành phần tư nhân chiếm trên 80%. Đạt chỉ tiêu 30% số buổi chiếu phim truyện Việt Nam trên tổng số buổi chiếu phim tại rạp, bình quân xem phim đạt 0,47/người/năm tại rạp (lượt người). Sự phát triển của công nghệ số đã làm thay đổi ngành công nghiệp điện ảnh đặc biệt trong xây dựng nhân vật, diễn viên, diễn xuất, kỹ xảo điện ảnh,… việc sản xuất phim kỹ thuật số là xu hướng tất yếu hiện nay.

Lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn (big data) cũng là một lĩnh vực sẽ có những tác động đáng kể đến điện ảnh. Các hoạt động quảng bá phim, bán vé, đặt chỗ qua các dịch vụ trực truyến, thu thập, phân tích dữ liệu công chúng, cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến,… sẽ là những thay đổi đối với ngành điện ảnh. Công nghệ thực tế ảo cũng được dự đoán sẽ là công nghệ thay thế cho phim 3D hiện tại và làm thay đổi cách thức sản xuất phim cũng như thị hiếu của công chúng.

Luật điện ảnh (sửa đổi) (Luật số 05/2022/QH15 ngày 15/6/2022 của Quốc Hội) được ban hành là hành lang pháp lý để lĩnh vực điện ảnh nói chung và hoạt động ứng dụng công nghệ trong quản lý, phát triển công nghiệp điện ảnh, sản xuất, phát hành, phố biến phim trên không gian mạng… được tốt hơn, phù hợp với xu hướng công nghệ của cuộc CMCN lần thứ tư.

b) Đối với nghệ thuật biểu diễn

Các công nghệ trong hoạt động quảng bá, dịch vụ bán vé, đặt chỗ trực tuyến thông qua hệ thống thanh toán trên mạng sẽ là những thay đổi có thể dễ nhận thấy đối với ngành nghệ thuật biểu diễn. Bên cạnh đó, công nghệ thực tế ảo, trình diễn công nghệ về âm thanh, ánh sáng, hình ảnh 3D sẽ tạo nên những thay đổi trong các hoạt động nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Bằng công nghệ, có thể tái hiện việc biểu diễn tại một nhà hát, hay sân vận động trực tiếp sống động như thật trước các khán giả ở những địa điểm khác nhau trên thế giới vào cùng một thời điểm.

Hiện nay cả nước có khoảng 78 nhà hát và công trình có chức năng tương đương đang hoạt động với tổng số khoảng 58.500 ghế, trong đó có 12 nhà hát trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trung bình có 1,17 nhà hát/01 tỉnh, thành; 1,3 triệu dân/01 nhà hát và 6,15 ghế/10.000 dân. Hệ thống các nhà hát tập trung tại 02 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (13 nhà hát) còn lại là các thành phố, thị xã của các tỉnh; phân bố không đồng đều giữa các vùng (Đồng bằng sông Hồng: 28 nhà hát; Trung du và Miền núi Bắc Bộ: 06 nhà hát; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: 16 nhà hát; Tây Nguyên: 0 nhà hát; Đông Nam Bộ: 20 nhà hát; Đồng bằng sông Cửu Long: 08 nhà hát)2.

Theo số liệu thống kê của ngành văn hóa, cả nước hiện có 128 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, hơn 200 đoàn nghệ thuật xã hội hóa nhưng mới chỉ có 130 điểm biểu diễn nghệ thuật có mái che bao gồm nhà hát, rạp hát, trung tâm văn hóa, cung văn hóa. Tại các thành phố lớn, nhà hát, rạp hát hiện nay chủ yếu có từ thời thuộc Pháp. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp quản lý 11 đơn vị sự nghiệp công lập là nhà hát. Đây là nguồn nhân lực lớn trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, việc thích ứng để phát huy hiệu quả hoạt động trong xu hướng cuộc CMCN lần thứ tư là điều rất đáng được quan tâm và cần được xem xét cẩn trọng.

c) Đối với mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm

Mỹ thuật trong cuộc CMCN lần thứ tư với công nghệ in 3D sẽ là công nghệ tác động mạnh đến lĩnh vực này, đặc biệt là nghệ thuật tạo hình, người nghệ sỹ chỉ cần thiết kế tác phẩm của mình trên máy tính sau đó phần còn lại là sẽ do máy móc tạo ra sản phẩm với nhiều chất liệu theo lựa chọn. Công nghệ thực tại ảo và các hình thức nghệ thuật trên không gian số cũng sẽ làm thay đổi cách thức thưởng thức, tiêu dùng sản phẩm nghệ thuật của công chúng.

Việc sử dụng công nghệ 3D, rô-bốt, IoT, thực tế ảo, công nghệ âm thanh, ánh sáng… trong triển lãm, hội chợ giới thiệu, quảng bá văn hóa con người, sản phẩm dịch vụ đã và đang phát triển rất mạnh trên thế giới. Các trung tâm đấu giá các tác phẩm mỹ thuật, đồ cổ… cũng sử dụng các công nghệ này.

Hoạt động triển lãm, trưng bày ở bảo tàng cũng sẽ có những thay đổi căn bản trên theo xu hướng phát triển của công nghệ. Thống kê năm 2017, cả nước có 156 bảo tàng (124 bảo tàng công lập và 32 bảo tàng ngoài công lập), lưu giữ và trưng bày gần 3 triệu tài liệu hiện vật; 118 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Đến nay, đã có 90/124 bảo tàng công lập được xếp hạng (14 bảo tàng hạng I; 61 bảo tàng hạng II; 15 bảo tàng hạng III)3. Hệ thống bảo tàng đã xác lập được vị thế của mình trong hệ thống thiết chế văn hóa, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao cho trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức tôn vinh bản sắc dân tộc, phổ biến kiến thức khoa học, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, trở thành những điểm đến hấp dẫn trực tiếp góp phần phát triển du lịch.

Việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động trưng bày, triển lãm tại các bảo tàng cũng có nhiều thay đổi so với hình thức trưng bày truyền thống. Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ hình thành nên xu hướng tham quan bảo tàng ảo qua internet. Các tác phẩm mỹ thuật có thể được thể hiện bằng hình ảnh 3D, công nghệ thuyết minh tự động, tự dịch ra các ngôn ngữ khác nhau, thậm chí có thể tự trả lời, tương tác với công chúng tham quan bảo tàng.

d) Đối với lĩnh vực quảng cáo

Hiện nay, truyền thông số, truyền thông xã hội là các phương thức truyền thông phổ biến của xã hội đương đại. Truyền thông số được hiểu là việc sử dụng các thiết bị và đường truyền với kỹ thuật số để truyền tải thông điệp truyền thông đến đích nhận. Truyền thông số cùng với các hình thức truyền thông khác (như truyền hình tương tự trên mặt đất, báo tiếng qua phát sóng radio, tạp chí bản giấy, báo giấy…) hình thành nên hệ thống truyền thông xã hội. Sự phát triển hình thức truyền thông này kéo theo lĩnh vực quảng cáo cũng có những thay đổi căn bản.

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông  , tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 70,91%; tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh là 85,08%; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng là 68,8%. Về kinh tế số, Ước tính tổng doanh thu kinh tế số Quý I/2022 khoảng 53 tỷ USD, đóng góp khoảng 10,2% GDP, trong đó kinh tế số nền tảng có tốc độ tăng trưởng 28%, đạt doanh thu 8 tỷ USD, còn lại là kinh tế số ICT và kinh tế số ngành, với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 15%.4. Có thể thấy rằng “đích đến trực tiếp” để chuyển tải/truyền thông nội dung, hình thức thể hiện nội dung quảng cáo trong chính lãnh thổ Việt Nam là rất lớn. Ngoài ra, các website, báo điện tử qua kênh truyền internet, tivi truyền qua vệ tinh… với tính chất “xuyên biên giới” việc cung cấp thông tin cũng như hình thức dữ liệu của thông điệp quảng cáo cũng có những thay đổi theo hướng rất tích cực và hiệu quả hơn so với trước đây.

đ) Đối với du lịch văn hóa

Du lịch văn hóa là ngành công nghiệp có sự kết hợp giữa ngành du lịch và ngành văn hóa. Có thể hiểu rằng, “Du lịch văn hóa là du lịch dựa trên các chương trình, sản phẩm du lịch chủ yếu khai thác các giá trị, các loại hình văn hóa như di tích, lễ hội, nghệ thuật, tín ngưỡng, tôn giáo, ẩm thực… nhằm tạo điều kiện cho du khách tìm hiểu, khám phá về các nền văn minh, văn hóa dân tộc, địa phương vùng, miền… hệ thống giá trị lịch sử – văn hóa của các địa danh như đã nêu ở trên rõ ràng là cơ sở nền tảng vững chắc để có thể “thiết kế” thành những “điểm đến” hấp dẫn với những chương trình sản phẩm dịch vụ du lịch mang hàm lượng văn hóa cao” [6, tr. 290].

Trong xu thế phát triển thành tựu của CMCN lần thứ tư, ngành du lịch được xem là ngành có thể thừa hưởng nhiều công nghệ mới. Internet vạn vật – IoT (Internet of Things) là khả năng kết nối các thiết bị với Internet và nền tảng dữ liệu số dựa trên công nghệ điện toán đám mây; các thiết bị này có thể tự liên hệ với nhau, thu thập dữ liệu và thậm chí giao tiếp với môi trường xung quanh. Trí tuệ nhân tạo – AI (Artificial Intelligence) và rô-bốt thông minh có thể cung cấp dịch vụ phục vụ trực tiếp khách hàng, phân tích dữ liệu và trao đổi thông tin trực tiếp với khách hàng khi có ý định tham quan điểm du lịch văn hóa nào đó. Công nghệ thực tế ảo – VR (VirtualReality), thực tế tăng cường – AR (Augmented Reality) cung cấp các kỹ thuật tương tác với thị giác. Các công nghệ quét 3D, mô phỏng 3D, công nghệ tạo lập dữ liệu lớn (big data) về không gian văn hóa (ảo) trên không gian mạng. Đây là kênh thông tin để quảng bá du lịch Việt Nam, tạo điều kiện để phát triển ngành du lịch văn hóa như một ngành công nghiệp văn hóa tiềm năng trong tình hình mới.

2 Báo cáo số 119/BC-BVHTTDL ngày 08/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về các vấn đề cử tri và Đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

3 Báo cáo số 119/BC-BVHTTDL ngày 08/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về các vấn đề cử tri và Đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV

4 Báo cáo Tình hình triển khai chuyển đổi số Quý I năm 2022.

Dương Viết Huy